- Một dự án thép trọng điểm có tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng đang ách tắc vì sự “dây dưa, thiếu hợp tác” của nhà thầu Trung Quốc. Đã quá nửa thời gian dự án trôi qua song khối lượng công việc nhà thầu thực hiện lại quá ít ỏi.
Câu chuyện trên đang diễn ra tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) do Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) làm tổng thầu EPC gói thầu thiết kế, cung cấp thiết bị, thi công xây lắp, chuyển giao công nghệ, bàn giao đưa vào sản xuất dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá.
Giá trị hợp đồng EPC này là 160,888 triệu USD, chiếm 66% tổng vốn đầu tư của toàn dự án với thời gian thực hiện là 30 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực là 3/9/2007.
Dự án giai đoạn 2 sẽ nâng cao năng lực sản xuất phôi cho Gang thép Thái Nguyên lên 1 triệu tấn/năm. (Ảnh: D.A) |
Dây dưa, thiếu hợp tác
Chủ đầu tư TISCO cho biết, những khó khăn hiện nay của dự án đang nằm ngoài khả năng kiểm soát của công ty. Ngay cả chuyện trao đổi thông tin với nhà thầu này cũng thật “vấtvả”!
Bất đắc dĩ, ông Trần Trọng Mừng, Tổng Giám đốc TISCO, đã gọi đây là “sự dây dưa, thiếu hợp tác” của MCC.
Dẫn chứng cho việc triển khai cầm chừng, TISCO cho biết, đã hơn 17 tháng trôi qua, chiếm 57% tổng quỹ thời gian hợp đồng qui định nhưng khối lượng công việc do MCC thực hiện được rất ít ỏi. MCC mới lập xong thiết kế cơ sở của 7/7 hạng mục gói thầu và mới chỉ lập xong thiết kế chi tiết của 1 hạng mục trong số đó. Khi 6/7 hạng mục chưa có thiết kế chi tiết thì chủ đầu tư TISCO cũng không thể mời thầu, tuyển chọn thầu phụ nên việc thi công không biết đến bao giờ mới xong.
MCC cũng mới chỉ chuyển được 1 lô thiết bị đầu tiên của dự án đến hiện trường dự án và ký hợp đồng với nhà thầu phụ Trung Quốc đảm nhận thi công phần xây bãi nguyên liệu. Đầu tháng 2 vừa qua, đơn vị này mới đưa được có 20 công nhân đến hiện trường để dựng lán trại tạm. Các hạng mục chính của công trình này vẫn chưa được triển khai thi công.
Đây là 1 trong 7 dự án quan trọng trong Quy hoạch thép giai đoạn 2007-2015. Trong gần 4.000 tỷ đồng vốn đầu tư dự án, vốn Nhà nước là 1.605 tỷ đồng, chiếm 42% và có 120 triệu USD vốn vay Ngân hàng ANZ, chiếm 49%. Dự án bao gồm nhà máy sản xuất phôi thép công suất 500.000 tấn phôi/năm tại Lưu Xá và khai thác 300.000 tấn quặng tinh/năm tại mỏ sắt Tiến Bộ, Thái Nguyên. Với dự án này, năng lực sản xuất phôi của TISCO tăng lên 1 triệu tấn phôi/năm, đảm bảo khả năng tự lực nguyên liệu của ngành thép. |
Sự thiếu trách nhiệm của MCC còn bộc lộ rõ khi bộ máy điều hành Ban dự án của MCC rất ít khi có mặt làm việc tại Việt Nam kể từ khi khởi công dự án vào tháng 9/2007.
MCC chỉ bố trí một số nhân viên trực văn phòng hiện trường, không đủ quyền hạn để giải quyết bất kể công việc gì liên quan đến dự án. Mọi vấn đề cần trao đổi giữa TISCO và MCC hầu như không được giải quyết.
Hiện nay, Ban dự án của MCC cũng không có người điều hành. Nguyên nhân là do, giấy phép uỷ quyền của giám đốc điều hành ban dự án MCC đã hết hạn từ tháng 10/2008, TISCO đã yêu cầu MCC phải gia hạn hoặc bổ sung giám đốc mới nhưng hơn 5 tháng qua, MCC vẫn không xem xét vấn đề này.
Chất lượng công việc kém song MCC luôn gây sức ép với TISCO như đòi tăng giá hợp đồng, đòi hỏi nhiều lợi ích như bố trí ăn nghỉ miễn phí, cung cấp thép cho dự án, cung cấp phòng làm việc, điện nước phục vụ thi công, cho mượn kho bãi hiện trường… Mọi đòi hỏi này đều đã được TISCO đáp ứng nhưng rốt cục, MCC vẫn không tích cực triển khai thi công dự án.
Cần mạnh tay với nhà thầu "rùa"
Tổng Công ty Thép Việt Nam cho biết, thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã hết sức quan tâm, tạo điều kiện để giải quyết những vướng mắc của dự án. Đặc biệt, Tổng Công ty cũng đã đồng ý cho MCC lùi tiến độ dự án thêm 3 tháng nữa. Tuy nhiên, mọi công việc đã được điều chỉnh theo tiến độ mới này tính đến nay cũng đều bị trượt.
Theo Bộ Công Thương, phía MCC đã lý giải về sự chậm trễ là do gặp khó khăn về biến động tỷ giá, chi phí xây lắp tăng, chi phí mua sắm thiết bị tăng, các chi phí dịch vụ tăng cao… Chính phủ cũng đã đồng ý về nguyên tắc xem xét một số phát sinh về giá của vật liệu xây dựng do nguyên nhân bất khả kháng.
Tuy nhiên, TISCO yêu cầu MCC phải có đủ thiết kế chi tiết 6 hạng mục còn lại thì mới xem xét điều chỉnh giá vật tư với thời hạn là 45 ngày kể từ ngày 15/1/2009, nghĩa là đến ngày 31/3 này là phải xong. Thế nhưng, MCC vẫn đòi hỏi cần ít nhất tới 60 ngày kể từ 1/3/2009, nghĩa là phải chờ tới 1/5/2009 mới hoàn thành. TISCO đánh giá, với đề nghị này thì tiến độ công trình càng bị trượt.
Chủ đầu tư TISCO đã kiến nghị Tổng Công ty Thép Việt Nam và Bộ Công Thương nếu đã áp dụng mọi biện pháp mà nhà thầu MCC vẫn không chuyển biến tích cực thì đề nghị phải có biện pháp mạnh hơn.
Việt Nam không thiếu những bài học về việc chậm tiến độ thi công của các nhà thầu nước ngoài trong những dự án trọng điểm, ảnh hưởng xấu tới hiệu quả kinh tế dự án. Với những biểu hiện trên, các cơ quan quản lý cần xem xét lại năng lực nhà thầu. Được biết, ngày 24/3, trực tiếp Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ làm việc với đại sứ Trung Quốc và nhà thầu MCC về dự án này.