Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nhận định - dự báo: Giá thép sẽ chững lại

Từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng đã nhiều lần tăng mạnh. Tuy nhiên, theo dự báo của Bộ Công Thương, trong thời gian tới, giá thép sẽ chững lại do nhiều công trình xây dựng bị cắt giảm theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Tuy nhiên, giá xi măng sẽ tiếp tục tăng nhẹ do chi phí đầu vào tăng.

Quý I, sản xuất và tiêu thụ thép tăng mạnh so với tháng 12. Lượng tiêu thụ tập trung vào 2 tháng đầu năm, giá thép liên tục được điều chỉnh tăng nên nhiều doanh nghiệp tăng mua để tích trữ.

Sang tháng 3, lượng tiêu thụ giảm mạnh do sức mua không cao và việc đầu tư cho các công trình xây dựng của Nhà nước bị cắt giảm theo Nghị quyết số 11/NQ-TTg. Để đẩy mạnh tiêu thụ, các đơn vị sản xuất đã bắt đầu giảm giá bán, tăng chiết khấu bán hàng (350 - 800 đồng/kg) và hỗ trợ vận chuyển đến tận chân công trình.

Giá thép tháng 3 tăng mạnh (600.000 - 800.000 đồng/tấn) trong hai tuần đầu tháng, sau đó chững lại và đang có xu hướng giảm nhẹ. Hiện tại, giá bán thép xây dựng tại nhà máy (chưa có VAT, chưa trừ chiết khấu), của một số đơn vị trực thuộc và liên doanh với tổng công ty dao động ở mức: Miền Bắc từ 16,51 - 16,55 triệu đồng/tấn (GT Thái Nguyên, VPS), miền Nam từ 16,32 - 17,14 triệu đồng/tấn (Thép miền Nam, Viankyoei). Nếu tính cả thuế VAT, giá bán buôn tại nhà máy dao động từ 18 - 18,8 triệu đồng/tấn. Mức giá hiện nay cao hơn từ 500.000 - 700.000 đồng/tấn so với tháng 2.


Hiện giá bán lẻ dao động phổ biến: Miền Bắc từ 18,3 - 19 triệu đồng/tấn, miền Nam từ 18,2 - 19,1 triệu đồng/tấn, tăng 300.000 - 600.000 đồng/tấn (tương đương 1,7 - 3,2%) so với tháng 2.

Giá thép trong 3 tháng đầu năm có xu hướng tăng mạnh chủ yếu do chi phí đẩy. Thứ nhất, giá nguyên liệu như phôi thép, thép phế tăng mạnh và đang đứng ở mức cao, giá chào phôi thép nguồn Đông Nam Á vào Việt Nam phổ biến ở mức 675 - 690 USD/tấn CFR, tăng khoảng 60 USD/tấn so với tháng 12/2010.

Giá bán thép phế hiện nay cũng tăng khoảng 10 - 14% so với tháng 12/2010. Thứ hai, từ 11/2/2011, ngân hàng đã điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng USD/VND nên ảnh hưởng đến giá nguyên liệu nhập khẩu. Lãi suất cho vay ở mức cao từ 14 - 16%/năm. Thứ 3 là một số chi phí đầu vào như điện, xăng dầu được điều chỉnh tăng giá trong khi chi phí về điện chiếm 6 - 7% cơ cấu giá thành và xăng dầu chiếm khoảng 3%.

Thời gian tới, nguồn cung nguyên liệu và thép thành phẩm tại thị trường Đông Nam Á bị thu hẹp do thảm họa động đất tại Nhật Bản khiến 5 công ty thép lớn nhất của nước này đóng cửa.

Bên cạnh đó, khi Nhật Bản tiến hành việc tái thiết sẽ có nhu cầu thép tăng cao và dự báo, giá nguyên liệu và thép xây dựng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, tại Việt Nam, dự báo giá thép sẽ chững lại do nhiều công trình xây dựng bị cắt giảm theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Giá bán xi măng trong tháng 3 vẫn ổn định, phổ biến ở mức: Xi măng PCB30 khoảng 1 triệu đồng/tấn, xi măng PCB40 khoảng 1 - 1,4 triệu đồng/tấn. Giá xi măng bán lẻ tại một số địa phương tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/tấn.

Từ đầu năm 2011 đến nay, do giá nhiều nguyên liệu đầu vào của ngành xi măng tăng giá nên từ đầu tháng 2, giá xi măng đã được điều chỉnh tăng 60.000 đồng/tấn. Từ ngày 1/3/2011, giá điện đã tăng hơn 9% và nếu trong thời gian tới, giá than cho sản xuất xi măng được điều chỉnh tăng thì giá bán xi măng có thể tiếp tục tăng nhẹ.

Nguồn: Baotintuc

ĐỌC THÊM