-Bộ Công thương cho biết, trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng đối với một số mặt hàng cần kiểm soát nhập khẩu với kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ, trong đó mặt hàng rau quả đạt 636 triệu USD, tăng 81,7% so với cùng kỳ.
Nhập khẩu rau quả trong 6 tháng tăng 81,7% so với cùng kỳ Ảnh: TL
Theo Bộ Công thương, nguyên nhân tăng mạnh nhập khẩu mặt hàng rau quả là do các loại trái cây tại Việt Nam đang trong giai đoạn mất mùa do ảnh hưởng của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nên nguồn cung trái cây trong nước bị hạn chế.
Đồng thời, việc giảm thuế quan từ các Hiệp định Thương mại tự do và đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu hàng hóa nói chung và trái cây nói riêng làm gia tăng các đầu mối nhập khẩu rau quả nên giá thành trái cây nhập khẩu giảm (cụ thể: Thuế nhập khẩu theo cam kết của Việt Nam tại các FTA như ATIGA, AANZFTA, ACFTA, AKFTA, VKFTA… đều là 0% cho các loại trái cây; chỉ cần giấy kiểm dịch). Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam tăng cường nhập khẩu trái cây từ Thái Lan để chế biến và tái xuất gồm sầu riêng và nhãn.
Bên cạnh mặt hàng rau quả thì mặt hàng sắt thép phế liệu nhập khẩu cũng tăng cao, nguyên nhân do cầu thế giới tăng đối với quặng thép và thép tăng đã dẫn đến giá thế giới tăng. Tại Việt Nam, mức tăng là do một số các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân và triển khai đầu tư xây dựng làm tăng nhu cầu về sắt thép. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu phế liệu sắt thép để sản xuất thép nhằm cung ứng cho các dự án này của các nhà máy luyện sắt thép trong nước, ngoài ra chi phí để sản xuất thép từ phế liệu rẻ hơn so với mua phôi để luyện thép đã dẫn đến các nhà máy luyện thép trong nước lựa chọn nhập khẩu phế liệu./.
Nguồn tin: Tài chính