Nhiều nhà máy nhiệt điện chưa chịu ký hợp đồng cung cấp than dài hạn khiến Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam gặp khó khăn trong việc bán than
Ngày 28-11, ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), cho biết trong cuộc họp sáng cùng ngày với các bên liên quan, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo TKV tìm mọi biện pháp để bảo đảm cung cấp than Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh sau khi đơn vị này phản ánh thiếu than để hoạt động.
Nhiều nhà máy nhiệt điện chưa ký dài hạn
Đối với Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh, ông Trung cho biết theo hợp đồng ký kết giữa 2 bên thì tập đoàn sẽ cung cấp 2,6 triệu tấn than cho nhà máy này. Đến nay, TKV đã cấp 2,605 triệu tấn, hoàn thành khối lượng hợp đồng đã ký. Trong tháng 12, TKV cấp tiếp khoảng 200.000 tấn, dự kiến cả năm 2018 là 2,830 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2017.
Lãnh đạo TKV cho rằng Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh là một trong những đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa ký hợp đồng dài hạn với TKV về cung cấp than khiến cho TKV không có cơ sở để cân đối nhu cầu của nhà máy trong dài hạn. Ông Trung cũng dẫn chứng ra nhiều nhà máy nhiệt điện hiện chưa ký hợp đồng cung cấp than dài hạn với TKV như: Phả Lại 1 và 2; Uông Bí 1 và 2… "Việc ký dài hạn sẽ giúp TKV chủ động bố trí sản xuất, đầu tư đáp ứng nhu cầu cho khách hàng. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị ký hợp đồng dài hạn để chủ động trong sản xuất nhưng một số nhà máy nhiệt điện chưa ký" - ông Trung nói.
Nhiều nhà máy nhiệt điện cùng tăng đồng loạt nhu cầu sử dụng than vào một thời điểm đã gây khó khăn cho bên cung cấp Ảnh: Trọng Đức
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Trung, tăng trưởng điện 2018 đạt mức cao, trong khi thủy điện và nhiệt điện khí giảm huy động nên nhu cầu nhiệt điện than tăng mạnh. Các nhà máy điện nhận nhiều than hơn so với hợp đồng đã ký kết, tăng 5,4 triệu tấn than so với năm 2017. Bên cạnh đó, giá than thế giới cao hơn so với than sản xuất trong nước từ 5-10 USD/tấn tùy chủng loại, dẫn tới các hộ tiêu thụ như: ngành điện, xi-măng, hóa chất, thép chuyển sang mua than từ TKV khiến cung cầu thay đổi nhanh.
Ngoài ra, việc nhiều nhà máy nhiệt điện cùng tăng nhu cầu sử dụng than vào một thời điểm, trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp đã gây ra khó khăn cho TKV trong việc tổ chức sản xuất, chế biến và huy động nguồn than để cung cấp. Trước tình hình đó, TKV đã huy động tối đa hàng tồn kho, bao gồm cả than dự trữ chiến lược; nhập khẩu trên 0,5 triệu tấn than các loại để pha trộn và cung cấp cho các hộ tiêu thụ. Đồng thời, điều chỉnh tăng kế hoạch sản xuất thêm 1,5 triệu tấn than nguyên khai, đôn đốc thực hiện tăng sản lượng khai thác.
Cần bên mua hàng cam kết
TKV dự báo nhu cầu than cho điện vẫn sẽ cao, trên 38 triệu tấn. Tập đoàn xây dựng kế hoạch sản xuất 39 triệu tấn than nguyên khai, chế biến 36 triệu tấn than sạch. Phần thiếu hụt, TKV sẽ nhập khẩu để pha trộn với than sản xuất trong nước thành than bảo đảm tiêu chuẩn cung cấp cho các hộ tiêu thụ.
Lãnh đạo TKV đề nghị cần sớm có chính sách giá đối với than pha trộn từ than nhập khẩu với than trong nước sản xuất để TKV chủ động tính toán phương án nhập khẩu bảo đảm nhu cầu cho các nhà máy nhiệt điện ngay từ đầu năm 2019. "Khi nhập khẩu than để trộn thì phải phụ thuộc vào giá của thị trường thế giới, sau khi nhập xong thì bán theo giá nào phải được các bên chấp nhận. Việc nhập than, tính các chi phí hợp lý và kê khai giá bán nhưng đến nay các nhà máy nhiệt điện có chấp nhận phương án giá đó hay không thì cũng chưa có ý kiến cuối cùng. Nhập về mà không biết được bán với giá nào thì không ai nhập nhưng không nhập thì sẽ thiếu than" - ông Trung nêu.
Trước một số ý kiến về việc EVN cũng như các nhà máy nhiệt điện muốn có cơ chế để chủ động tìm nguồn cung than trên thị trường, ông Nguyễn Hoàng Trung cho biết TKV không bình luận về vấn đề này và khẳng định luôn muốn là nhà cung cấp được các khách hàng tin tưởng.
Không có chuyện dừng hoạt động
Lãnh đạo TKV cho biết theo tìm hiểu của đơn vị thì không có chuyện Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh phải dừng hoạt động mà chỉ là giải pháp tùy theo tình hình huy động điện. Thông thường nhà máy chạy 3 tổ máy, khi huy động điện cao thì chạy 4 tổ, vừa qua giảm còn 2 tổ. Việc cung cấp than của TKV cho nhà máy cũng bảo đảm theo hợp đồng đã ký, thậm chí còn vượt kế hoạch ký trước đó.
Nguồn tin: Người Lao động