Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nhập khẩu thép sẽ vẫn kéo dài

Năm 2009, tổng lượng thép tiêu thụ trên thị trường Việt Nam là 11,772 triệu tấn, trong đó 50% được nhập khẩu, lượng thép xây dựng nhập từ ASEAN tiếp tục tăng lên. Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết.

Năm 2009, trong điều kiện kinh tế khó khăn, mức tiêu thụ đã đạt kỷ lục từ trước tới nay, 11,772 triệu tấn. Tuy nhiên, lượng thép nhập khẩu vẫn chiếm tới 50%. Theo ông, lượng thép nhập khẩu có giảm trong năm 2010?

Nhập khẩu thép sẽ vẫn kéo dài trong thời gian tới, vì chưa có thêm nhà máy mới nào đi vào hoạt động để sản xuất các sản phẩm đang phải nhập khẩu. Như vậy, tình trạng nhập siêu trong ngành thép vẫn tiếp tục xảy ra.

Năm 2009, cả nguyên liệu và sản phẩm thép nhập khẩu có giá trị tới 6 tỷ USD, nên điều VSA mong muốn là làm thế nào để sớm đưa các dự án vào triển khai, nhưng phải theo hướng đầu tư đúng hướng, chứ không thể tràn lan và trùng lặp như hiện nay.

Dù đã được khuyến cáo, nhưng các nhà đầu tư trong nước vẫn đổ xô vào sản xuất thép xây dựng. Điều này sẽ dẫn tới hậu quả gì?

Đúng là đầu tư hiện nay của doanh nghiệp trong nước chủ yếu là vào thép xây dựng, với quy mô vừa với túi tiền của một vài nhà đầu tư. Các doanh nghiệp chưa liên kết được với nhau để đầu tư “ra tấm, ra món”, tiết kiệm nguyên - nhiên - vật liệu, hạ được giá thành và nâng tính cạnh tranh.

Quy hoạch Phát triển ngành thép được ban hành năm 2007, nhưng việc giám sát thực thi không chặt chẽ, nên Quy hoạch không được tôn trọng và thực thi đúng hướng. Địa phương mạnh nơi nào là đầu tư theo năng lực và mong muốn của địa phương đó, nên nhiều công trình dù đã hoạt động, nhưng kém bền vững, vì không có đủ cơ sở hạ tầng, xa vùng nguyên liệu.

Điều đó khiến tính cạnh tranh của sản phẩm về lâu dài khó khăn. Nhà máy mới vận hành một thời gian là có thể phải nghĩ tới chuyện tồn tại hay không.

Có một thực tế là ít doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm đang phải nhập khẩu lớn, thưa ông?


Không phải doanh nghiệp không thấy được nhu cầu của thị trường trong nước. Vấn đề là việc đầu tư đòi hỏi công nghệ cao, nên vốn không phải chỉ vài chục triệu USD hay trăm triệu USD, mà lên tới cả tỷ USD.

Mức đầu tư đó vượt tầm của các doanh nghiệp trong nước, trong khi việc liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước lại kém, còn hợp tác với nước ngoài thì không thống nhất được. Vì vậy, các công trình đó đang phó mặc cho đầu tư nước ngoài.

Nhưng VSA cũng cho rằng, nếu không quản lý chặt các dự án 100% vốn nước ngoài, thì vấn đề trang thiết bị lạc hậu, không bền vững môi trường hoàn toàn có thể xảy ra.

Trong năm 2009, ngành thép cũng chứng kiến việc cơ quan chức năng ra nhiều văn bản nhắc nhở địa phương về chuyện đầu tư tràn lan, rồi cả các điều kiện phải tuân thủ khi đầu tư vào ngành thép, nhưng dường như thực tế chưa có chuyển biến gì?

Sau khi tiến hành kiểm tra, Bộ Công thương đã nhắc nhở các địa phương, nhưng Bộ cũng chỉ là một cơ quan ngang với địa phương, không phải là cấp trên, nên khó có áp lực. Trên thực tế, tại nhiều địa phương vẫn nở rộ các dự án thép nhiều hơn trước.

Ngay cả thép xây dựng, các doanh nghiệp nước ngoài cũng bắt đầu đổ bộ vào Việt Nam, đe dọa sản xuất và sự tồn tại của các doanh nghiệp trong nước…

Năm 2009, nhập khẩu thép cuộn xây dựng từ ASEAN khoảng 554.000 tấn, không kể các loại thép có hợp kim Bo vài chục nghìn tấn nữa, nên thị phần thép cuộn của các doanh nghiệp trong nước giảm xuống còn 20% và 80% nhường cho hàng nhập khẩu. Năm 2010, thuế nhập khẩu thép có hàm lượng ASEAN 40% là 0%, nên cạnh tranh sẽ tiếp tục quyết liệt.

Liệu có xảy ra tình trạng phá sản hàng loạt doanh nghiệp nhỏ trong ngành này không, thưa ông?

Hàng loạt thì không, nhưng chắc chắn sẽ có chuyện bán lại hoặc tái cơ cấu, đầu tư thêm trang thiết bị mới, cải thiện chất lượng sản phẩm và hạ giá thành để tồn tại.

(Sanotc)

ĐỌC THÊM