Tính chung 4 tháng nhập khẩu thép giảm 1,6% về lượng, giảm 7,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 4, lượng sắt thép thô sản xuất ước đạt 284.800 tấn, giảm 0,7% so với cùng kỳ; lượng thép cán ước đạt 316.700 tấn, tăng 24,3% so với tháng 4/; lượng thép thanh, thép góc ước đạt 332.800 tấn, tăng 12,6% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng, lượng sắt thép thô đạt 857.000 tấn, giảm 11,0% so với cùng kỳ; thép cán đạt 1,08 triệu tấn, tăng 22,4% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc đạt 1,1 triệu tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lượng thép nhập khẩu trong tháng 4 đã giảm cả lượng và trị giá. Tính chung 4 tháng, nhập khẩu thép các loại giảm 1,6% về lượng, giảm 7,6% về trị giá, tuy nhiên sản phẩm từ thép tăng 9,2% về trị giá. Qua khảo sát thị trường đầu nguồn tại khu vực phía Bắc và phía Nam, lượng tiêu thụ tháng 4 của hầu hết các nhà sản xuất thép xây dựng đều thấp hơn so với tháng 3 năm 2014. Nguyên nhân chính là do nhu cầu tiêu thụ thép của xã hội chưa thực sự phục hồi, lượng tồn kho gối đầu tăng cao. Ngoài ra tình hình vận chuyển do hạn chế tải trọng cũng gây khó khăn cũng ảnh hưởng tới tốc độ tiêu thụ Đối với giá thép trong tháng 4 tại thị trường phía Bắc và phía Nam có diễn biến trái chiều nhau. Tại khu vực phía Bắc, giá bình quân bán ra tại nguồn tăng phổ biến từ 100.000- 150.000 đồng/tấn so với tháng trước. Tại khu vực phía Nam, giá bình quân bán ra tại nguồn giảm phổ biến từ 50.000- 150.000 đồng/tấn. Hầu hết các nhà sản xuất tại khu vực phía Nam đều lựa chọn chính sách giảm giá gián tiếp thông qua việc tăng mức hỗ trợ vận chuyển cho khách hàng. Điều này sẽ tiếp tục làm hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thép khó được cải thiện./. Nguồn tin: VOV