Theo số liệu thống kê, lượng thép và phôi thép nhập khẩu trong tháng 7/2009 đạt 1,081 triệu tấn, tăng 26,29% so với tháng trước và tăng tới 154,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng đầu năm nay, lượng thép và phôi thép nhập khẩu đạt 5,55 triệu tấn, giảm 14,87% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung tâm thông tin CN&TM cho biết, trong tháng 7/2009, Nga tiếp tục là thị trường cung cấp thép và phôi thép lớn nhất cho Việt Nam với 196,04 nghìn tấn, tăng 44,16% so với tháng trước và tăng 5.714% so với cùng kỳ năm 2008. Tính chung 7 tháng đầu năm, nhập khẩu thép và phôi thép của Việt Nam từ Nga đạt 932,92 nghìn tấn, tăng 75,89% so với cùng kỳ năm ngoáii và chiếm 18% tổng lượng nhập khẩu vào Việt Nam.
Nhập khẩu thép và phôi thép từ các thị trường Trung Quốc, Indonesia, Singapore và Australia trong tháng 7/2009 giảm so với tháng 7/2008 lần lượt ở mức: 51,69%; 63,66%; 87,91% và 1,54%. Tính chung 7 tháng đầu năm 2009 lượng thép và phôi thép nhập khẩu từ các thị trường này đều giảm: 83,15%; + 18,55%; 84,19%; 49,65%, duy chỉ có thị trường Indonesia tăng nhẹ.
Lượng phôi thép nhập khẩu trong tháng 7/2009 tăng 23,87% so với tháng 6/2009 và tăng 370,39% so với cùng kỳ năm 2009 lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2009 đến nay, đạt 329,12 nghìn tấn. Tính chung 7 tháng đầu năm nay, lượng phôi thép nhập khẩu đạt 1,402 triệu tấn, giảm 22,62% so với cùng kỳ năm 2008.
Cùng với phôi thép, lượng nhập khẩu các loại thép cuộn, thép hình, thép ống và thép dây tăng từ 11-75% so với tháng trước và tăng từ 39-212% so với cùng kỳ năm 2008. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng đầu năm nay, lượng nhập khẩu các chủng loại thép này vẫn giảm mạnh từ 12-44% so với cùng kỳ năm 2008.
Giá phôi thép và nhiều chủng loại thép nhập khẩu trong tháng 7/2009 tăng khá mạnh so với tháng trước. Cụ thể, giá phôi tăng 9,78%, thép ống tăng 17,44%, tôn tăng 16,74%, thép cuộn cán nguội tăng 5,13%, thép cuộn cán nóng tăng 2,95%, thép lá cán nóng tăng 6,88%, thép tấm cán nóng tăng 4,62%, thép hình tăng 2,89%. Tuy nhiên, so với tháng 7/2009, giá các loại thép và phôi thép giảm từ 30-45%.
(Vinanet)