Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nhập khẩu và tiêu thụ thép cùng tăng trong quý I

Trong quý I lượng nhập khẩu sắt thép đạt 2,2 triệu tấn, lượng thép tiêu thụ tăng lên gần 1,2 triệu tấn.

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2014, lượng nhập khẩu sắt thép các loại của Việt Nam đạt 827.000 tấn, tăng 3,8% so với tháng 2 và đạt trị giá 568,3 triệu USD, tăng 8,8%.

Tính chung trong cả quý I, lượng nhập khẩu sắt thép của cả nước đạt 2,2 triệu tấn, trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng nhẹ 1,5% về lượng và giảm 3,7% về trị giá so với quý I/2013. Trong đó lượng phôi thép nhập khẩu trong quý là 65.500 tấn, trị giá là 35 triệu USD, giảm 21,5% về lượng và giảm 25,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Trong 3 tháng qua, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 866.000 tấn sắt thép các loại, tăng 37,4%; nhập từ Nhật Bản 474.000 tấn, giảm 30,9%; nhập sắt thép từ Hàn Quốc 334.000 tấn, giảm 6,5%; từ Đài Loan 258.000 tấn, tăng 6,7% so với quý I/2013.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính riêng trong tháng 3, lượng thép tiêu thụ của các thành viên trong VSA đạt 570.000 tấn, tăng đến gần 60% so với tháng 2 và tăng gần 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong cả quý I, lượng thép tiêu thụ tăng lên gần 1,2 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng thép thành phẩm tồn kho giảm xuống dưới 260.000 tấn.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, nâng cao việc quản lý hàng nhập khẩu, ngăn chặn gian lận thương mại, hạn chế thép giá rẻ, không đảm bảo chất lượng nhập khẩu vào Việt Nam, mới đây, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN quy định chỉ cho phép nhập khẩu và lưu thông các sản phẩm thép phù hợp với tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

Bộ Công Thương cũng ban hành Thông tư số 23/2012/TT-BCT cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép. Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc đầu tư các nhà máy thép, đặc biệt là các cơ sở sản xuất các loại thép mà cung đã vượt quá cầu như thép xây dựng, phôi thép, thép cán nguội, tôn mạ và tôn phủ màu thông qua việc quản lý Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020, có xét đến năm 2025.

Bộ Tài chính cũng có Công văn số 1493/BTC-TCHQ chỉ đạo hải quan địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhập khẩu thép./.

Nguồn tin: VOV

ĐỌC THÊM