Trong 3 tháng đầu năm, lượng sắt thép phế liệu nhập khẩu về Việt Nam đã tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước, tăng hơn 45% về lượng và 120% về kim ngạch, trong khi những mặt hàng sắt thép phế liệu thuộc diện khó quản lý và có nguy cơ rủi ro cao đối với môi trường.
Nhập khẩu sắt thép phế liệu về Việt Nam tăng đột biến (ảnh minh hoạ)
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, 3 tháng qua cả nước đã nhập khẩu hơn 1 triệu tấn sắt thép phế liệu, trị giá hơn 276 triệu USD, trung bình 6 triệu đồng/tấn. Lượng nhập trung bình là hơn 11.000 tấn/ngày, cao hơn 1.000 tấn so với lượng nhập trung bình của cả năm 2016.
Thị trường cung cấp sắt thép phế liệu về Việt Nam chủ yếu là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Các cửa khẩu nhập là cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn và một phần được chuyển bằng đường sắt qua Lào Cai và Lạng Sơn.
Theo một chuyên gia trong ngành, sở dĩ có hiện tượng sắt thép phế liệu nhập khẩu ồ ạt là nhiều nhà máy luyện sắt thép trong nước sử dụng công nghệ cũ vẫn sử dụng sắt thép phế liệu như thành phần chính để luyện gang, thép.
Đây là quá trình giúp tiết kiệm chi phí so với sản xuất thép từ quá trình luyện cốc và từ phôi thép đi lên. Tuy nhiên, chỉ từ 60 -70% phế liệu cho ra sản phẩm sắt thép, còn lại là tạp phẩm được loại bỏ trong quá trình sản xuất.
Thực tế, theo đánh giá của giới chuyên gia, sắt thép phế liệu nhập khẩu có nhiều loại, nếu là thép xây dựng được loại bỏ từ các công trình sẽ được tận dụng tối đa để luyện gang, thép. Tuy nhiên, nếu là sắt thép phế liệu ở dạng cấu kiện như: máy móc, thiết bị, linh kiện, vi mạch, hoặc tàu thuyền, dây chuyền... phải qua quá trình tháo dỡ từng linh phụ kiện mới đưa vào sản xuất sắt thép được. Điều này cũng khiến mất thêm chi phí, lưu kho bãi và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Theo quy định chỉ những doanh nghiệp nào đáp ứng tiêu chí có nhà xưởng, kho bãi chuyên dụng, có mái che, xử lý thoát nước... mới được nhập khẩu sắt thép phế liệu. Tính đến hết năm 2016, trong 63 tỉnh thành, có hơn 40 tỉnh có cơ sở nhập khẩu, chế biến phế liệu sắt thép, 1/3 trong số đó là các cơ sở gia công, chế biến sắt thép nhập khẩu là các xưởng, doanh nghiệp cung cấp nguyên phụ liệu cho các nhà máy sắt thép trong nước.
Chính vì điều này dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao bởi lượng sắt thép phế liệu thường đi kèm với nhiều loại chất thải độc hại, cần xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường. Theo báo cáo của hơn 54 Sở Tài Nguyên và Môi trường gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều cơ sở, doanh nghiệp tái chế sắt thép phế liệu vẫn chưa đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường.
Theo thống kê, tổng số lượng các cơ sở nhập khẩu và sử dụng phế liệu trên cả nước tính đến hết năm 20014 là 349 cơ sở. Trong đó, số lượng cơ sở nhập khẩu trực tiếp phục vụ sản xuất là 220 cơ sở; số lượng doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác là 94 doanh nghiệp. Có 35 cơ sở, doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu nhưng không có hoạt động nhập khẩu.
Mặc dù tại Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định trong 36 chủng loại phế liệu được phép nhập khẩu đều phải được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, trong năm 2015 - 2016, đã có nhiều vụ nhập khẩu sắt thép phế liệu tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu là linh phụ kiện tàu thuyền, máy móc nhưng được hoàn nguyên, tái sử dụng trong nước. Đây là nguy cơ khiến Việt Nam trở thành bãi rác công nghiệp của các nước.
Nguồn tin: Đấu thầu