Từ đầu năm tới nay, tỷ giá trung tâm đã được điều chỉnh tăng 88 đồng/USD (0,4%) so với với đầu năm. Mức tăng trong 2 tháng đã bằng 1/3 mức tăng tỷ giá trung tâm trong một năm trước. Nguyên nhân tỷ giá tăng được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lý giải.
Tính đến ngày 3/3, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng lên 22.246 đồng/USD, tăng 18 đồng/USD sau một tuần chỉ điều chỉnh tăng hoặc giữ nguyên tỷ giá. So với thời điểm đầu năm, tỷ giá trung tâm đã tăng 88 đồng/USD, tương đương 0,4% so với với đầu năm. Mức tăng chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017 đã bằng 1/3 mức tăng tỷ giá trung tâm cả năm 2016 (264 đồng/USD).
Với mức tỷ giá trung tâm này, các ngân hàng sẽ được yết giá USD trong khoảng từ 21.579 – 22.913 đồng/USD. Thực tế, tỷ giá yết tại các ngân hàng đều tăng so với đầu năm. Thậm chí không ít ngày giao dịch, tỷ giá tại các ngân hàng vượt tỷ giá USD trên thị trường tự do.
Tại ngày 3/3, Vietcombank yết tỷ giá tại mức 22.795 – 22.865 đồng/USD , tăng 75 đồng/USD mỗi chiều so với đầu năm, tương đương tỷ giá tăng 0,4%. Trong khi đó, trên thị trường tự do, giá USD khảo sát tại một số cửa hàng ở mức khoảng 22.840 – 22.880 đồng/USD. Tỷ giá USD ngoài tự do có khoảng thời gian điều chỉnh giảm, tiệm cận gần với tỷ giá USD yết tại các ngân hàng.
Diễn biến tỷ giá trung tâm từ đầu năm đến nay
Tỷ giá VND/USD xu hướng tăng trong 02 tháng đầu năm 2017. Nguyên nhân theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia được nêu ra trong Báo cáo mới đây của tổ chức này là do nhập siêu trong 02 tháng đầu năm 2017 là 46 triệu USD. Cùng kỳ các năm trước, cán cân thương mại thường xuất siêu. Năm 2013, con số xuất siêu trong hai tháng đầu năm thậm chí lên tới 1,67 tỷ USD.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 2 ước đạt 27,2 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 13 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn nhập khẩu là 14,2 tỷ USD, tăng 19,6%. Nhập siêu riêng tháng 2 lên tới 1,2 tỷ USD đã khiến 2 tháng đầu năm Việt Nam nhập siêu.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê trong tháng 2, có nhiều mặt hàng giảm mạnh như hạt tiêu giảm tới 27% về giá trị và 7,4% về sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái; gạo giảm 21,4% về giá trị và 18,4% về sản lượng. Ngoài ra có một số mặt hàng xuất khẩu khác như hạt điều, sắn, đá quý, sản phẩm gốm sứ… cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể.
Tuy nhiên, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng vọt như than đá tăng 1.104% về giá trị và 466% về số lượng; cao su tăng 144% về giá trị và 34,7% về sản lượng… Các mặt hàng khác như sắt thép; điện thoại và linh kiện; máy móc thiết bị dụng cụ… cũng ghi nhận mức tăng rất lớn.
Trong khi đó, một số mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh như ô tô dưới 9 chỗ ngồi tăng gần 100% về giá trị và 140% về số lượng; phương tiện vận tải tăng 38%; cao su tăng 103,4% về giá trị và 46,7% về sản lượng.
Năm 2016, đồng Việt Nam mất giá so với đồng USD với tỷ lệ 1,09%. Mới đây, Ngân hàng TNHH MTV ANZ Việt Nam dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tăng lên 23.200 đồng/USD vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, nguyên nhân theo ANZ là sẽ không đến từ nội tại nền kinh tế mà do sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Không riêng Việt Nam, nhiều đồng tiền của các quốc gia khác cũng được ANZ dự báo sẽ mất giá so với đồng bạc xanh.
Nguồn tin: NDH