Như vậy, nhập siêu của ngành thép từ đầu năm đến nay lên tới 3,225 tỷ USD. Điều đáng nói là trong số thép nhập khẩu có cả những sản phẩm trong nước tự sản xuất được và đã dư thừa như thép cán nguội và thép xây dựng.
VSA cũng dự báo, nhập siêu trong ngành thép sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa do nhu cầu thép đa dạng để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tăng, trong khi sản xuất thép trong nước mới đang ở giai đoạn đầu, chủ yếu là sản xuất thép xây dựng và chỉ tập trung cho các công đoạn sản xuất ở hạ nguồn (nhập phôi để cán sản phẩm). Do đó, nguyên liệu và sản phẩm thép nhập khẩu về Việt Nam vẫn tăng mạnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ngoài việc nhập khẩu thép phế, phôi thép là nguyên liệu bắt buộc cho sản xuất thép, lâu nay vẫn còn tình trạng nhập khẩu thép xây dựng, tôn mạ, thép cán nguội... mà trong nước đang còn dư thừa gây bất lợi cho ngành thép nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Nhằm hạn chế việc nhập khẩu sản phẩm thép mà trong nước đang dư thừa cũng như góp phần giảm nhập siêu, VSA cho rằng, lực lượng hải quan cần kiểm tra rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm thép trước khi thông quan.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng cần có những biện pháp hạn chế nhập khẩu các mặt hàng mà thị trường trong nước đã đáp ứng đủ hoặc đang dư thừa như thép xây dựng, tôn mạ, thép cán nguội, ống thép hàn...; đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường để xuất khẩu sản phẩm thép, giảm bớt áp lực dư thừa trong nước, thu hẹp khoảng cách nhập siêu cho đất nước./.
Nguồn tin: (TTXVN)