Một năm chỉ cần nhập vài lô rác là “đầm ấm”, nào tiền lời, nào tiền hoa hồng. Bên mua lại tái chế cũng một lời một...
Hiện nay hai ngành sắt thép và nhựa gần như phải nhập khẩu 100% nguyên liệu để sản xuất. Chính việc khan hiếm này làm cho lĩnh vực kinh doanh phế liệu về tái chế trở nên béo bở.
“Cần mua rác gấp nè anh!”
Trong vai giám đốc một công ty có nguồn sắt thép phế liệu thu mua từ Mỹ, chúng tôi thử rao trên mạng ở sàn giao dịch T. đơn hàng 30.000 tấn phế liệu/tháng, tương đương 360.000 tấn/năm. Cứ tưởng không có công ty nào hồi âm, ai ngờ chỉ ba ngày sau chúng tôi liên tục nhận được những cuộc điện thoại hoặc thông qua e-mail hẹn gặp, thậm chí trong số những đơn vị liên lạc lại có cả những công ty thép lớn: “Chúng tôi đã đọc lời rao của quý công ty trên sàn giao dịch, nay cần liên lạc gấp. Rất mong nhận được hồi âm...”. Tiếp xúc bên ngoài, chúng tôi thấy việc khát nguyên liệu của doanh nghiệp còn lớn hơn những gì đã tiên liệu. Bởi vì dù mới gặp nhưng có doanh nghiệp đã chịu mua phế liệu ngay với giá 500 USD/tấn do... chúng tôi tự rao giá và cho biết giá này còn có thể tăng thêm nếu chúng tôi giao hàng tại cảng đến. Ngay các điều khoản ký kết hợp đồng, nhiều doanh nghiệp tỏ ra rất thoáng như chấp nhận thanh toán theo kiểu mua đứt bán đoạn - trả tiền trước nhận hàng sau. Chỉ có một điều “khác thường” là những doanh nghiệp mua hàng đều yêu cầu chúng tôi phải giữ bí mật các điều khoản sẽ ký và không tiết lộ nội dung hợp đồng cho bên thứ ba.
Sang “lĩnh vực” nhựa, chúng tôi lại vào vai là chủ lô hàng 20 tấn phế liệu gồm chai, màng nhựa đã qua sử dụng chuẩn bị nhập từ Trung Đông về muốn bán lại. Mới thử liên hệ một số cơ sở tại TP.HCM thì nhiều nơi chịu giá ngay. Có cơ sở tại Tân Phú nói thẳng: không cần nguồn hàng sạch, đồng ý mua giá rất cao 200 USD/tấn. Sốt sắng đến nỗi một cơ sở tái chế nhựa ở Tân Bình vừa nghe chúng tôi rao có hàng phế liệu nhập ổn định đã đề nghị được làm tổng đại lý tiêu thụ dù chưa biết chúng tôi là ai, có được cấp giấy phép nhập hàng này hay không.
Ông Nguyễn Duy Linh - cán bộ điều tra Cục Cảnh sát môi trường (C36) xác nhận do nhu cầu nguyên liệu trong nước quá lớn nên có doanh nghiệp không hề sản xuất nhưng vẫn tìm mọi cách nhập phế liệu. Ông Linh nêu trường hợp Công ty Anh Trang và một số doanh nghiệp cùng nhập 7.000 tấn phế liệu thép về vào cuối năm 2007 không vì nhu cầu sản xuất mà bán lại cho công ty thép P.
Lãi to
Sau mỗi vụ nhập rác - mua đi - bán lại, các bên thu được lợi cỡ nào?
Ông Huỳnh Văn Tân - Giám đốc Công ty cổ phần Thép Thành Lợi, đơn vị đang có hàng trăm tấn phế liệu nhập về ở cảng Đà Nẵng tiết lộ: Một tấn thép phế liệu hiện nay khi luyện lại sẽ cho ra thành phẩm khoảng 870 kg thép. Còn ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội thép cho biết chỉ cần 1,1 tấn thép phế liệu cho vào lò luyện hồ quang là doanh nghiệp thu được một tấn thép thành phẩm. Như vậy, nếu tính giá nhập phế liệu hiện thời là khoảng 540 USD/tấn, giá thép bán ngoài thị trường hơn 1.100 USD/tấn thì khi cho ra thành phẩm, doanh nghiệp thu lợi gấp đôi.
Riêng mặt hàng phế liệu nhựa, con số lợi nhuận còn cao gấp hai lần tiền vốn ban đầu. Hiệp hội nhựa Việt Nam tính toán: một sản phẩm nhựa hoàn chỉnh phải sử dụng hết 80% nguyên liệu là hạt nhựa chính phẩm. Trong khi đó, nếu sử dụng nhựa tái chế thì doanh nghiệp có thể tiết kiệm phân nửa loại hạt nhựa chính phẩm. Cụ thể hơn, chủ một cơ sở tái chế nhựa ở quận 8 khẳng định khi tận dụng nguồn phế liệu tái chế, lợi nhuận mang về khoảng 200% so với chi phí nhập phế liệu ban đầu. Ông này phân tích: Một tấn nhựa phế liệu nhập hiện có giá 200 USD, trong khi một tấn hạt nhựa chính phẩm nhập có giá 1.600-2.200 USD. Như vậy, trừ tất cả những chi phí như vận chuyển, tiền mua hàng, tái chế... thì doanh nghiệp nhập phế liệu nhựa lãi to.
Trong một lần tiếp xúc mới đây, một đại diện của Hiệp hội thép Mỹ cho chúng tôi biết: Sắt thép dưới dạng phế liệu được phân thành nhiều loại. Thường phân thành hàng loại I, II, III tương ứng với loại đã được làm sạch, loại còn bẩn. Loại được làm sạch từ nước ngoài tất nhiên có giá bán cao hơn nhiều vì chi phí cao hơn, vì khi thu gom phế liệu đã được phân loại, làm sạch tương đối. Riêng loại có lẫn tạp chất bẩn thì giá bán vô chừng, tùy theo độ bẩn ít hay nhiều. “Thậm chí nhiều khi người bán từ nước ngoài phải trả tiền cho người mua (nhập rác bẩn - NV) do hàng này thực tế đã là rác thải và không được ưa chuộng trên thị trường phế liệu chính thống” - vị này nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các doanh nghiệp nhập phế liệu về ngoài chi phí vận chuyển, bốc dỡ... họ lời khoảng 35% trên giá bán. Mặt khác, họ còn được hưởng 10% hoa hồng trên toàn bộ lô hàng và khoản này không ghi trong hợp đồng để tránh việc kê khai, bất lợi khi hải quan kiểm tra sau thông quan.
Rủi ro chẳng nhằm nhò
Ngoài khoản lợi quá lớn, việc nhập phế liệu sắt thép, nhựa... hiện nay rất “an toàn”. Điều kiện nhập mặt hàng trên hiện nay khá thoáng. Cụ thể, thông tư liên tịch giữa Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định nếu là doanh nghiệp nhập trực tiếp về sản xuất, chỉ cần cơ sở đáp ứng đủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Còn nhập ủy thác chỉ cần hợp đồng nhập ủy thác và giấy xác nhận đủ điều kiện nhập phế liệu do các sở Tài nguyên và Môi trường địa phương cấp. Riêng mua về bán lại quy định còn thoáng hơn, chỉ buộc doanh nghiệp nhập có giấy xác nhận kho bãi đạt tiêu chuẩn môi trường nơi doanh nghiệp có kho bãi hoặc thuê kho bãi.
Ông Trần Nguyên Hiền - Trưởng phòng Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) cho biết giấy xác nhận đủ điều kiện nhập phế liệu như trên hiện được cơ quan tài nguyên môi trường từng địa phương cấp. Giấy này có giá trị một năm. Còn việc mua bán, sử dụng nguồn phế liệu nhập về như thế nào, các doanh nghiệp tự làm báo cáo gửi các cơ quan chức năng.
Thượng tá Cù Nam Tiến - Phó Trưởng phòng Tham mưu Cục Cảnh sát môi trường cho biết so với nhiều ngành khác, việc nhập phế liệu sắt, thép, nhựa ít rủi ro. Bởi nếu mặt hàng này về có lẫn tạp chất, buộc phải tái xuất thì doanh nghiệp chỉ bị xử phạt hành chính tối đa 20 triệu đồng. Chế tài quá nhẹ nên doanh nghiệp chẳng ngại ngần gì cả.
Pháp luật TPHCM