Các đại diện chính phủ từ Ấn Độ và Nhật Bản đã tổ chức các cuộc thảo luận ở New Delhi về các biện pháp bảo hộ nhập khẩu thép mà Ấn Độ đã thông qua và việc tuyên bố của Nhật Bản về những biện pháp này trái với quy tắc Tổ chức Thương mại Thế giới.
Các cuộc đàm phán song phương đã được tổ chức vào ngày 6 và 7/02, một quan chức của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) xác nhận, nhưng ông đã từ chối bình luận về kết quả của các cuộc thảo luận với lý do quy ước của WTO.
Bộ ngoại giao Nhật Bản và METI đã yêu cầu tham vấn với New Delhi năm ngoái, đặc biệt liên quan đến việc Ấn Độ đưa ra các biện pháp bảo vệ các sản phẩm thép – nhất là HRC – hồi tháng 9 năm 2015 và giá nhập khẩu tối thiểu (MIP) được đưa ra vào tháng Hai năm ngoái.
Đại diện METI cho biết, chính phủ Nhật Bản hiện có 60 ngày theo yêu cầu của WTO, để xem xét lại thảo luận của tuần này và quyết định bước tiếp theo của họ. Điều này bao gồm yêu cầu xét xử bởi Ban hội thẩm WTO.
Thư ký ngành thép Ấn Độ, Aruna Sharma, nói rằng chương trình MIP - đã hết hiệu lực vào ngày 04/02 – đã đạt được mục đích của nó. Bà trao đổi với Platts, "MIP không cần được mở rộng, vì chúng tôi đã có thuế chống bán phá giá đối với 124 sản phẩm thép”. Tuy nhiên, bà từ chối bình luận về những mối quan ngại của Nhật Bản, nói rằng trường hợp này "là một phần của một quá trình bán tư pháp với Cục trưởng Cục chống bán phá giá."
Nhưng Shivram Krishnan, giám đốc thương mại của Essar Steel Ấn Độ, khẳng định chính phủ Ấn Độ đưa ra MIP và biện pháp bảo vệ phù hợp với quy định của WTO. Ông trao đổi với Platts, "Các biện pháp thuế tự vệ được thực hiện bởi Chính phủ Ấn Độ là tuân thủ theo WTO và tôi chắc chắn chính phủ sẽ thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ lập trường của mình trong Cơ quan Phúc thẩm WTO với vấn đề có liên quan tới khiếu nại được đệ trình bởi Nhật Bản và các nước khác".
Một thương nhân ở Tokyo cho hay, nhưng ngay cả khi chương trình MIP đã kết thúc thì các biện pháp bảo hộ vẫn là một vấn đề. Nhật Bản đã chỉ rõ các biện pháp tự vệ là không phù hợp với Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT 1994) và Hiệp định của WTO về các biện pháp bảo hộ.
Một thương nhân khác ở Tokyo cho biết hành động của Nhật Bản chống lại Ấn Độ có thể giúp làm cho các nước khác suy nghĩ kỹ trước khi áp dụng các biện pháp thương mại và nhắc nhở họ cần phải tuân theo quy định của WTO. "Có nhiều biện pháp tự vệ thương mại như biện pháp bảo hộ và thuế chống bán phá giá được áp dụng bởi một số nước gần đây để bảo vệ các nhà cung cấp trong nước, nhưng nhiều biện pháp thì không công bằng và đã được thực hiện một cách dễ dàng trong khi bỏ qua quy định của WTO", ông lập luận. "Những điều này cần được tránh để các nhà cung cấp và khách hàng hưởng giá thép nhập khẩu thương mại công bằng và hợp lý."
Theo thống kê của bộ thương mại Nhật Bản, nước này đã xuất khẩu 465.987 tấn HRC đến Ấn Độ vào năm 2016, giảm 55% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn tin: satthep.net