Quý II vừa qua, Trung Quốc đã chính thức soán ngôi Nhật Bản để trở thành nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tỉ lệ tăng trưởng trong quý II của Nhật chỉ có 1%. Để vực dậy nền kinh tế, chính quyền Nhật Bản đang tỏ ra lúng túng trong việc hoạch định kế hoạch phục hồi.
Nhật Bản vẫn chưa tìm ra giải pháp để có được một tỉ lệ tăng trưởng xứng đáng với tiềm năng kinh tế. Thủ tướng Naoto Kan ngày 30/8 vừa tiết lộ kế hoạch kích thích kinh tế mới trị giá 920 tỉ yen, tương đương với 11 tỉ USD. Về phần mình, Ngân hàng Trung ương Nhật cũng công bố một loạt các biện pháp tài chính nhằm hạ nhiệt đồng yen đang tăng giá ở mức kỷ lục so với USD. Đồng yen ở mức cao kỷ lục là trở lực cho ngành xuất khẩu, một trong những động cơ chính của cỗ xe kinh tế Nhật Bản.
Các biện pháp nói trên được tung ra trong bối cảnh Nhật Bản phải đối phó với giảm phát và đà phục hồi kinh tế của thế giới còn khá mong manh. Hầu hết các chuyên gia cho rằng, gói kích cầu của Tokyo không đem lại những hiệu quả mong muốn.
Trả lời báo giới ngày 30/8, Thủ tướng Naoto Kan nhấn mạnh, chính phủ muốn trông cậy vào hai đòn bẩy để vực dậy kinh tế Nhật: vừa sử dụng ngân sách nhà nước vừa nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tiêu thụ và đầu tư. Cụ thể hơn, Tokyo chủ trương phối hợp với Ngân hàng Trung ương để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tuyển dụng nhân công, nhằm đẩy lùi thất nghiệp vào lúc mà 11% dân số Nhật Bản trong độ tuổi từ 15 đến 21 đang không có việc làm.
Một trọng tâm khác, hiện nội các Nhật Bản đang khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư trong nhiều lĩnh vực như ngành công nghệ sạch, giáo dục, tăng cường các dịch vụ cá nhân. Mục tiêu thứ ba cũng quan trọng không kém, đó là thúc đẩy tư nhân mua sắm trong bối cảnh xuất khẩu đang bị chững lại. Chỉ số giá cả ở Nhật Bản không tăng mà lại giảm mạnh ở nhịp độ 1%/năm. Quan trọng hơn cả khi biết rằng, toàn bộ nền kinh tế Nhật Bản trông cậy đến 60% vào khu vực tiêu thụ.
Để tài trợ gói kích cầu 11 tỉ USD nói trên, Chính phủ Nhật dự trù huy động vốn từ quỹ dự trữ ngoại tệ (hơn 1.800 nghìn tỉ USD) đã tích lũy được từ lâu nay. Tuy vậy, Thủ tướng Kan không loại trừ khả năng gia tăng ngân sách để hoàn thành mục tiêu. Vấn đề còn lại là kế hoạch thúc đẩy kinh tế mới này còn phải được Hội đồng Chính phủ thông qua vào ngày 10/9 tới đây.
Giới tài chính ban đầu tỏ ra hồ hởi trước các biện pháp của Ngân hàng Trung ương Nhật. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, đồng yen vẫn tăng giá (1USD ăn hơn 84 yen trong phiên giao dịch ngày 31/8/2010). Các chuyên gia không ngần ngại coi nỗ lực của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản là "những biện pháp nửa vời". Thứ nhất, nếu thực tâm muốn hạ nhiệt đồng yen so với USD, Ngân hàng Trung ương Nhật nhẽ ra phải tung tiền ra mua USD, khiến USD tăng giá so với đồng yen. Thứ hai, trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản hiện đang trong giai đoạn trì trệ, lãi suất đã xuống đến mức thấp hiếm có từ cuối 2008 đến nay, mà vẫn không đủ hấp dẫn để khuyến khích đầu tư và tiêu thụ. Do vậy, bơm thêm tiền vào mạng lưới tài chính để khuyến khích các ngân hàng mạnh dạn cấp tín dụng cho tư nhân không phải là một giải pháp thích hợp.
Thứ ba, do nước Nhật đang phải đối phó với hiện tượng giảm phát nghiêm trọng. Điều đó có nghĩa là người tiêu dùng và doanh nhân chờ đợi để mua sắm và đầu tư vào các trang thiết bị. Hiện tượng giảm phát làm tăng lãi suất thực xóa đi phần nào lợi thế mà Ngân hàng Trung ương tạo ra để khuyến khích tư nhân vay mượn tiền.
Cuối cùng, theo một số nhà phân tích thì bản thân hiện tượng đồng yen tăng giá cũng cần phải được xét lại: đành rằng, giá đồng yen/USD tăng cao nhất kể từ năm 1995 tới nay. Tuy nhiên, vật giá ở nhiều nước phương Tây như Mỹ hay châu Âu liên tục gia tăng, trong khi đó chỉ số giá cả ở Nhật lại giảm. Điều đó có nghĩa là tỉ giá hối đoái thực sự đã không hề tăng so với 15 năm trước đây mà ngược lại đồng yen còn giảm giá so với USD.
Nhật Bản vừa bị Trung Quốc “qua mặt” ở vị trí siêu cường kinh tế thứ nhì thế giới, đà tăng trưởng của quốc gia này còn yếu kém trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa thực sự bình phục sau khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 đặc biệt là trước những tín hiệu không mấy khả quan bắn đi từ Mỹ càng gây lo ngại cho ngành xuất khẩu của nước Nhật.
Nhiều doanh nghiệp bị suy yếu làm tổn hại đến mạng lưới công nghiệp quốc gia và đe dọa trực tiếp đến công việc làm của người dân. Một cuộc tham khảo ý kiến gần đây cho thấy có đến 40% doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng di dời cơ sở sản xuất để tránh tác động của đồng yen tăng giá. Thêm vào đó hiện tượng đồng yen Nhật Bản tăng giá quá cao so với USD và euro làm giảm giá nhu yếu phẩm và nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài vào Nhật. Điều này càng làm lộ rõ đe dọa giảm phát đối với Nhật Bản.
Bên cạnh những giới hạn về phương diện kinh tế, Nhật Bản còn đang gặp một trở ngại không nhỏ đó là vấn đề ổn định trong ban lãnh đạo ở thượng tầng nhà nước. Trong 4 năm vừa qua, Nhật Bản đã 6 lần thay đổi thủ tướng. Vào ngày 14/9 tới đây, đảng Dân chủ đang cầm quyền quyết bầu lại ban lãnh đạo. Chưa có gì chắc chắn là nhân vật số một trong đảng này, ông Naoto Kan sẽ còn giữ được chiếc ghế chủ tịch, và qua đó là chức vụ thủ tướng. Đây là yếu tố khiến nhiều người tỏ ra hoài nghi về tính khả thi cũng như hiệu quả của một kế hoạch kích thích kinh tế mới. Đặc biệt là trong hoàn cảnh Tokyo đang phải gánh một khoản nợ công chồng chất cao gấp đôi so với GDP. Thâm hụt ngân sách nhà nước trong năm nay lên tới 7% GDP và các gói kích cầu liên tiếp nối đuôi nhau ra đời càng khiến nợ quốc gia thêm lớn.
Về phương diện xã hội thì dân số đang trên đà lão hóa. Tuy nhiên, khác hẳn với nhiều quốc gia trong khối euro, Nhật Bản không hề gặp trở ngại trong việc huy động vốn để tài trợ các chương trình hỗ trợ kinh tế vô cùng quy mô. Đơn giản do Nhật Bản không phải vay mượn của các nhà tư bản nước ngoài.
Chính quyền Tokyo đang lúng túng với hồ sơ kinh tế chưa tìm được một chiếc đũa thần để tỉ lệ tăng trưởng èo uột được nhân lên gấp 5 hay 7 lần. Nội các của Thủ tướng Naoto Kan cùng lúc phải giải quyết những hồ sơ nóng bỏng như là ngăn chặn đà gia tăng của đơn vị tiền tệ quốc gia để hỗ trợ xuất khẩu, cải thiện thị trường lao động hay đối phó với giảm phát... Dù vậy, tỉ lệ thất nghiệp của Nhật Bản hiện chỉ bằng một nửa so với ở Mỹ hay nhiều nước trong khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu.
Một số nhà phân tích cho rằng, tình trạng kinh tế tại Nhật Bản chưa thực sự bước vào giai đoạn hiểm nghèo nhất, cho nên cường quốc công nghiệp châu Á này chưa thực sự thoát khỏi những khó khăn dai dẳng, bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng địa ốc đã kéo dài từ 20 năm qua.
Các gói kích cầu dù quy mô đến đâu vẫn không đủ sức đưa kinh tế Nhật Bản thoát khỏi ngõ cụt. Phải chăng là Nhật Bản cần tìm cho mình một hướng đi mới. Chẳng hạn như tiên phong trong các dịch vụ hướng về những quốc gia có đời sống cao.
Nhật báo Le Monde hôm 31/8 có bài phân tích nhận định: trường hợp của Nhật cho thấy rằng không thể giải quyết được tất cả các vấn đề chỉ bằng chính sách tiền tệ và hỗ trợ tài chính của nhà nước. Tờ báo kết luận: để thoát khỏi bế tắc, có lẽ Nhật cần phải trải qua một cuộc khủng hoảng đau đớn hơn nữa, để có thể hiểu được nguyên nhân yếu kém của nền kinh tế, rồi sau đó mới có hành động phù hợp, chứ không phải việc thông qua thêm một kế hoạch khôi phục kém hiệu quả nói trên.
Nguồn: cand