Theo giới phân tích gói kích cầu mới 11 tỷ USD của Tokyo sẽ không đem lại hiệu quả mong muốn và Nhật Bản vẫn chưa tìm ra giải pháp để đạt tỷ lệ tăng trưởng tương xứng với tiềm năng kinh tế.
Thủ tướng Naoto Kan ngày 30/8 vừa tiết lộ kế hoạch kích thích kinh tế mới trị giá 920 tỷ yên (tương đương 11 tỷ USD). Về phần mình, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng công bố một loạt các biện pháp tài chính nhằm “hạ nhiệt” đồng yên đang tăng giá ở mức kỷ lục so với đồng đô la Mỹ. Tỷ giá đồng yên cao kỷ lục (83 yên đổi được 1USD) đang cản trở ngành xuất khẩu, một trong những động cơ chính của cỗ xe kinh tế Nhật Bản.
Các biện pháp nói trên được tung ra trong bối cảnh Nhật Bản phải đối phó với giảm phát và đà phục hồi kinh tế của thế giới còn khá mong manh. Hầu hết các chuyên gia cho rằng, gói kích cầu mới của Tokyo sẽ không đem lại những hiệu quả mong muốn.
Trả lời báo giới, Thủ tướng Naoto Kan nhấn mạnh chính phủ Nhật Bản muốn dựa vào hai đòn bẩy để vực dậy nền kinh tế: vừa sử dụng ngân sách nhà nước, vừa nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tiêu thụ và đầu tư. Cụ thể hơn, Tokyo chủ trương phối hợp với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tuyển dụng nhân công, nhằm đẩy lùi nạn thất nghiệp vào thời điểm 11% dân số Nhật Bản ở độ tuổi 15-21 không có việc làm.
Một trọng tâm khác mà nội các Nhật Bản hướng đến là khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư trong nhiều lĩnh vực như ngành công nghệ sạch, giáo dục. Mục tiêu thứ ba cũng quan trọng không kém đó là thúc đẩy tư nhân mua sắm trong bối cảnh xuất khẩu đang bị chững lại. Chỉ số giá cả ở Nhật Bản không tăng mà lại giảm mạnh với nhịp độ 1%/năm, trong khi toàn bộ nền kinh tế Nhật Bản trông cậy đến 60% vào chi tiêu tiêu dùng.
Để tài trợ gói kích cầu 11 tỷ USD nói trên, Chính phủ Nhật Bản dự trù huy động vốn từ quỹ dự trữ ngoại tệ (hơn 1.800 tỷ USD) tích lũy được từ lâu nay. Tuy vậy, Thủ tướng Naoto Kan không loại trừ khả năng gia tăng ngân sách. Vấn đề còn lại là kế hoạch thúc đẩy kinh tế mới này còn phải được nội các Nhật Bản thông qua vào ngày 10/9 tới.
Hạ nhiệt tỷ giá đồng yên
Kế hoạch kích cầu nói trên được Thủ tướng Kan tiết lộ sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản công bố một loạt các biện pháp để kìm giá đồng yên so với đồng đô la Mỹ nhằm thúc đẩy ngành xuất khẩu vốn đang đóng góp tới 15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Các biện pháp kích cầu trong kế hoạch trên bao gồm: bơm thêm 20-30 nghìn tỷ yên trong vòng 6 tháng tới, duy trì lãi suất chỉ đạo ở mức rất thấp 0,1% để khuyến khích tiêu thụ và đầu tư.
Tuần trước, tỷ giá đồng yên đã leo lên mức cao kỷ lục so với đồng đô la Mỹ (83 yên/1 USD), mức cao nhất trong vòng 15 năm qua. Khi giá đồng yên tăng mạnh, hàng xuất khẩu của Nhật Bản trở nên đắt đỏ hơn và khó cạnh tranh hơn với hàng của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Ban đầu, giới tài chính Nhật Bản tỏ ra hồ hởi trước các biện pháp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, đồng yên vẫn cao giá (84 yên/1USD) trong phiên giao dịch ngày 31/8. Vào lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/8, chỉ số chứng khoán Nikkei trên thị trường Tokyo đã tụt giá hơn 3%. Các chuyên gia không ngần ngại gọi nỗ lực của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản là “những biện pháp nửa vời”.
Thứ nhất, nếu thực tâm muốn hạ nhiệt đồng yên so với đồng USD, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản phải tung tiền ra mua đô la Mỹ, khiến đồng tiền nàya tăng giá so với đồng yên.
Thứ hai, trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản đang ở trong giai đoạn đình đốn, lãi suất đã xuống đến mức thấp hiếm có từ cuối 2008 đến nay vẫn không đủ hấp dẫn để khuyến khích đầu tư và tiêu thụ. Do vậy, việc bơm thêm tiền vào mạng lưới tài chính để khuyến khích các ngân hàng mạnh dạn cấp tín dụng cho tư nhân không phải là một giải pháp thích hợp.
Thứ ba là do Nhật Bản đang phải đối phó với hiện tượng giảm phát nghiêm trọng, khiến cho người tiêu dùng và doanh nhân do dự trong việc mua sắm và đầu tư trang thiết bị. Việc hiện tượng giảm phát làm tăng lãi suất thực đã triệt tiêu phần nào lợi thế mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản mang lại nhằm khuyến khích tư nhân vay mượn tiền.
Cuối cùng, theo một số nhà phân tích, cần xem xét lại hiện tượng đồng yên tăng giá. Mặc dù tỷ giá yên /USD tăng cao nhất kể từ năm 1995 tới nay, nhưng vật giá ở nhiều nước phương tây như Mỹ, châu Âu liên tục leo cao, trong khi chỉ số giá cả ở Nhật Bản lại giảm. Điều đó có nghĩa là tỷ giá hối đoái thực sự không hề tăng so với 15 năm trước đây, mà trái lại đồng yên còn giảm giá so với đồng đô la Mỹ.
Theo một tính toán khác, đồng yên hiện chỉ cao hơn trị giá thực sự của nó khoảng 5% và do vậy tác động tiêu cực của đồng yên lên giá đối với khu vực xuất khẩu là không đáng kể. Một số nhà quan sát còn cho rằng chính phủ Nhật Bản đang viện cớ là đồng yên cao giá để che đậy những nhược điểm khác như thu nhập của nguời dân Nhật Bản ngày càng giảm sút.
Dù sao thì gói kích cầu cũng được Tokyo đưa ra trong bối cảnh GDP của Nhật Bản trong quý 2/2010 chỉ tăng có 0,1% và nếu tính từ tháng 4/2009 cho đến tháng 4 năm nay, GDP của Nhật Bản cũng chỉ tăng có 0,4%.
Nhật Bản vừa bị mất vị trí siêu cường kinh tế thứ nhì thế giới vào tay Trung Quốc. Đà tăng trưởng của Nhật Bản còn yếu kém, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa thực sự hồi phục sau khủng hoảng tài chính 2008-2009. Những tín hiệu không mấy khả quan của kinh tế Mỹ cũng gây thêm lo ngại cho ngành xuất khẩu Nhật Bản.
Một cuộc tham khảo ý kiến gần đây cho thấy có đến 40% doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng di dời cơ sở sản xuất ra nước ngoài để tránh tác động của đồng yên tăng giá.
Những khiếm khuyết của mô hình Nhật Bản
Bên cạnh những hạn chế về kinh tế, Nhật Bản còn đang vấp phải một trở ngại không nhỏ là tình trạng bất ổn ở thượng tầng kiến trúc. Trong 4 năm qua, Nhật Bản đã 6 lần thay thủ tướng và vào ngày 14/9 tới, đảng Dân chủ cầm quyền dự kiến bầu lại ban lãnh đạo. Chưa có gì đảm bảo ông Naoto Kan sẽ giữ được chiếc ghế chủ tịch đảng và qua đó ở lại cương vị thủ tướng.
Đây là yếu tố khiến nhiều người tỏ ra hoài nghi về tính khả thi cũng như hiệu quả của một kế hoạch kích thích kinh tế mới. Đặc biệt là trong hoàn cảnh Tokyo đang phải gánh một khoản nợ công cao gấp đôi so với GDP. Thâm hụt ngân sách nhà nước trong năm nay dự kiến lên tới 7% GDP và các gói kích cầu được liên tiếp tung ra càng khiến cho nợ công ngày càng phình to hơn.
Tuy nhiên, trái với nhiều quốc gia trong Khu vực sử dụng đồng Euro, Nhật Bản không hề gặp trở ngại trong việc huy động vốn để tài trợ các chương trình to lớn để hỗ trợ kinh tế.
Thứ nhất, Nhật Bản không phải vay mượn của nước ngoài. Hơn 95% nợ công của Nhật Bản nằm trong tay người Nhật, khác hẳn với Mỹ, Hy Lạp và Italy. Tokyo không cần huy động tư bản quốc tế để tài trợ thâm hụt ngân sách nhà nước và vẫn có thể huy động vốn với lãi suất thấp nhất so với tất cả các nước công nghiệp phát triển khác trên thế giới.
Thứ hai là từ nhiều năm qua, cán cân thanh toán vãng lai của Nhật Bản luôn thặng dư, nên nước này đang kiểm soát một phần không nhỏ của cải được làm ra trên thế giới. Nhật Bản không ở trong tình trạng thiếu hụt tư bản. Theo dự đoán của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế, nhờ khoản thặng dư nói trên, Nhật Bản hiện đang nắm trong tay khoảng 3% tổng sản phẩm toàn cầu.
Tuy nhiên, dân số “xứ sở hoa anh đào” đang trên đà lão hóa: số người trong tuổi lao động giảm đi trong khi số người về hưu lại tăng lên. Khi số người trong tuổi lao động giảm đi, tiết kiệm cũng giảm sút trong khi người về hưu lại chi tiêu các khoản tiền dành dụm trước đây. Trong tương lai, Nhật Bản có khả năng bị lệ thuộc nhiều hơn vào tư bản nước ngoài.
Chính phủ Nhật Bản hiện lúng túng trong việc giải bài toán kinh tế và chưa tìm được “một chiếc đũa thần” để thúc đẩy tỷ lệ tăng trưởng vốn khá èo uột. Nội các của Thủ tướng Naoto Kan hiện đang phải đối mặt với một loạt vấn đề nóng bỏng như ngăn chặn đà leo giá của đồng yên để hỗ trợ xuất khẩu, cải thiện thị trường lao động và đối phó với tình trạng giảm phát…
Một số nhà phân tích cho rằng do kinh tế Nhật Bản chưa thực sự bước vào giai đoạn hiểm nghèo nhất, cho nên cường quốc công nghiệp châu Á này chưa thực sự thoát khỏi những khó khăn dai dẳng bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng địa ốc vốn kéo dài suốt hai chục năm qua. Là một quốc gia giàu và có tỷ lệ thất nghiệp tương đối thấp so với các nước công nghiệp phát triển, thế nhưng đà tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản lại tùy thuộc vào sức mua của các đối tác thương mại lớn như Mỹ, châu Âu và gần đây là Trung Quốc.
Bất kể quy mô to lớn đến đâu, các gói kích cầu vẫn không đủ sức đưa kinh tế Nhật Bản thoát khỏi ngõ cụt. Phải chăng, đã đến lúc Nhật Bản cần tìm cho mình một hướng đi mới và đi đầu trong các dịch vụ nhắm vào các quốc gia có mức sống cao.
Nguồn: stockbiz