Một loạt tập đoàn lớn như Toyota, Honda, Subaru...cho biết đã sử dụng vật liệu đầu vào bị làm giả dữ liệu từ Kobe...
Tập đoàn Kobe Steel của Nhật Bản đã khiến dư luận nước này rúng động sau khi thừa nhận làm giả dữ liệu về độ bền chắc của một số sản phẩm nhôm và đồng được sử dụng trong máy bay, xe hơi, và thậm chí cả tên lửa vũ trụ.
Hãng tin Bloomberg cho biết, giá cổ phiếu Kobe sụt 22% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba tại thị trường Tokyo.
Một loạt tập đoàn công nghiệp lớn của Nhật Bản bao gồm Toyota, Honda và Subaru cho biết đã sử dụng vật liệu đầu vào bị làm giả dữ liệu từ Kobe. Nhà sản xuất máy bay Mỹ Boeing, hãng nhập khẩu một số linh kiện từ Subaru, cho biết hiện tại chưa phát hiện thấy điều gì gây lo ngại về an toàn.
Trái với sự sụt giảm của cổ phiếu Kobe, giá cổ phiếu của các hãng sản xuất nhôm đối thủ của hãng này tăng mạnh.
Lời thú nhận của Kobe làm dấy lên những lo ngại mới về tính trung thực của các nhà sản xuất Nhật Bản. Vụ việc diễn ra sau bê bối hãng sản xuất túi khí lớn nhất thế giới Takata nói dối các hãng xe về độ an toàn của sản phẩm túi khí của hãng. Mới tuần trước, hãng xe Nissan phải công bố một đợt triệu hồi xe quy mô lớn sau khi bị nhà chức trách phát hiện sử dụng nhân viên kiểm soát chất lượng không đảm bảo tiêu chuẩn trong quá trình kiểm tra chất lượng xe.
Hôm Chủ nhật, Kobe Steel nói sản phẩm bị làm giả dữ liệu của họ đã được bán cho hơn 200 công ty, nhưng không nói rõ danh tính các công ty đó. Kobe thừa nhận việc làm giả dữ liệu là để khiến cho khách hàng tin rằng các sản phẩm nhôm, thép của họ đáp ứng tiêu chuẩn. Giám đốc điều hành (CEO) Kobe, ông Hiroya Kawasaki, hiện đang đứng đầu một ủy ban được lập để điều tra vấn đề chất lượng.
Việc làm giả dữ liệu một cách có hệ thống được phát hiện tại toàn bộ 4 nhà máy nhôm tại Nhật Bản của Kobe. Thậm chí, đối với một số sản phẩm, sự giả mạo này xuất hiện từ 10 năm trước.
Toyota cho biết đã phát hiện thấy vật liệu bị giả mạo dữ liệu của Kobe được sử dụng cho mui xe, cửa xe và một số bộ phận ngoài của xe do hãng sản xuất. “Chúng tôi đang cố gắng nhằm nhanh chóng tìm ra những mẫu xe bị ảnh hưởng và những bộ phận nào được làm bằng vật liệu đó”, phát ngôn viên Takashi Ogawa của Toyota nói. “Chúng tôi thừa nhận rằng sự vi phạm nguyên tắc này của một nhà cung cấp là vấn đề nghiêm trọng”.
Kobe cho biết đã phát hiện thấy việc làm giả dữ liệu trong một đợt thanh tra đối với sản phẩm được giao hàng từ tháng 9/2016-8/2017. Hãng nói hiện chưa có thông tin gì về sự cố an toàn liên quan đến các sản phẩm của hãng. Số sản phẩm bị giả mạo dữ liệu chiếm khoảng 4% lượng sản phẩm nhôm và đồng mà Kobe đã giao cho khách hàng.
“Đây là một vụ việc nghiêm trọng”, nhà phân tích Takeshi Irisawa thuộc công ty chứng khoán Tachibana Securities Co. phát biểu. “Vào thời điểm hiện tại, ảnh hưởng còn chưa rõ ràng. Nhưng nếu sự việc này dẫn tới các vụ triệu hồi thì tổn thất sẽ rất lớn. Có khả năng công ty sẽ phải gánh chi phí triệu hồi bên cạnh chi phí thay thế”.
Subaru đã sản xuất máy bay huấn luyện cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDP) và cánh cho máy bay Boeing như Boeing Dreamliner - một phát ngôn viên Subaru cho hay. Vị này nói rằng Subaru đang kiểm tra xem những sản phẩm máy bay và linh kiện nào bị ảnh hưởng bởi vật liệu nhôm giả mạo dữ liệu mua từ Kobe.
“Hiện chúng tôi chưa phát hiện thấy điều gì để dẫn tới kết luận rằng vấn đề này gây lo ngại về an toàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các nhà cung cấp để hoàn tất công tác điều tra”, một tuyên bố của Boeing viết.
Honda nói đã sử dụng vật liệu giả mạo dữ liệu từ Kobe cho cửa xe và mui xe. Mazda xác nhận có dùng nhôm mua từ Kobe. Suzuki và Mitsubishi đều nói đang kiểm tra xem có bị ảnh hưởng hay không.
Mitsubishi Heavy Industries cho hay nhôm của Kobe đã được dùng cho loại máy bay khu vực MRJ và tên lửa H-IIA mà hãng này sản xuất. Đây là loại tên lửa mà Cơ quan Thăm dò vũ trụ Nhật Bản mới dùng để phóng vệ tinh ngày 10/10 và vụ phóng đã diễn ra thành công.
CEO Kawasaki điều hành Kobe từ năm 2013. Gần dây, ông có những động thái đẩy mạnh mảng sản xuất nhôm, trong đó có việc chi 500 triệu USD để tăng sản lượng nhôm, bao gồm mua cổ phần trong một nhà máy ở Hàn Quốc. Nhôm và đồng chiếm khoảng 20% tổng doanh thu của Kobe.
Vụ bê bối của Kobe đe dọa làm suy giảm thêm niềm tin vào chất lượng của ngành sản xuất Nhật Bản. Hồi năm 2016, Shinko Wire, một công ty con của Kobe Steel, cho biết một bộ phận đã thổi phồng dữ liệu về độ bền chắc của sản phẩm dây thép không rỉ.
Trong những vụ việc gần đây, Takata hồi tháng 2/2017 thừa nhận với cơ quan chức năng Mỹ về việc nói dối khách hàng. Vụ bê bối đã khiến hãng sản xuất túi khí lớn nhất thế giới này phá sản.
Tháng 3, hãng lốp xe Toyo Tire & Rubber thừa nhận làm giả dữ liệu về cao su dùng trong các tòa nhà có khả năng chịu động đất. Tuần trước, Nissan triệu hồi hơn 1 triệu xe tại Nhật.
Nguồn tin: vnEconomy