Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

"Nhiệt kế" kinh tế

Cách đây chừng nửa tháng, giới phân tích kinh tế đã nhận định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 2 tháng đầu năm tăng 3,35% là “không có gì đáng ngại”. Đây không phải là động thái để trấn an dư luận vì diễn biến theo quy luật hàng năm là bình thường. Thế nhưng, đến hết tháng 3, chỉ số CPI lại tăng mạnh chứ không ổn định trở lại như mong muốn của những người xây dựng và điều hành chính sách.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 3-2010 đã tăng 4,12% so với tháng 12-2009 và tăng 8,25% so với cùng kỳ năm 2009. Với tốc độ tăng giá như vậy, việc kiềm chế CPI cả năm ở mức dưới 7%, theo các chuyên gia kinh tế là “rất khó khả thi”. Tại cuộc họp báo công bố nội dung phiên họp thường kỳ của Chính phủ đầu tháng 4, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ đã thông qua một nghị quyết về điều hành kinh tế - xã hội. Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết là kiềm chế, không để lạm phát tăng cao.

Đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, Bộ đã có cảnh báo CPI trong năm nay có thể tăng tới 8-9%, nếu không có giải pháp kịp thời, hiệu quả. Một cơ quan nghiên cứu của Bộ Công Thương thì nhận định, CPI năm nay còn có thể vọt lên tới hơn 10%. Còn Phó Viện trưởng Viện Khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) khẳng định: “Lạm phát năm này sẽ vào khoảng 10%”. Lâu nay, chỉ số CPI được coi là “nhiệt kế” đo độ “nóng - lạnh” của nền kinh tế. Nhìn lại diễn biến CPI từ đầu năm tới đây, có thể nhận thấy “nhiệt độ” kinh tế lên xuống cũng “trái khoáy” như thời tiết.

Đầu năm, CPI tăng cao ngoài yếu tố giá tăng trong dịp Tết Nguyên đán và tăng trưởng tiền tệ từ năm trước, còn do sự phục hồi kinh tế và tăng giá trên thế giới đã tạo áp lực tăng giá đầu vào ở trong nước như sắt thép, xi măng, điện, nước… Một đánh giá đáng quan tâm của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại của Bộ Công Thương cho rằng, sau tháng 3, giá nhiều loại hàng hóa sẽ còn tăng tiếp như giá phân bón, xăng dầu bán lẻ, một số thực phẩm… giá sắt thép cuối tháng 3 thực tế đã tăng mạnh và vẫn trong xu hướng tăng. Đang có biểu hiện khâu phân phối sắt thép đẩy giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng tăng bất hợp lý. Một yếu tố khá rõ nữa là giá điện tăng bắt đầu được tính vào chỉ số CPI của tháng 4 cũng sẽ gây tác động làm tăng CPI.

Hơn nữa, theo Trung tâm Thông tin, tác động tâm lý của người buôn bán khi chủ trương tăng lương cơ bản được thực hiện có thể sẽ làm cho giá bán lẻ hàng hóa bị đẩy lên bất hợp lý. Đến thời điểm này, chưa thể lượng hóa được tỷ lệ tác động vào mức tăng giá, song tác động “lạm phát” tâm lý thường rất lớn và khiến cho giá cả hàng hóa tăng đáng kể. Nhìn từ nay đến cuối năm, theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, lạm phát có xu hướng tăng cao do một loạt yếu tố tác động.

Đó là sự phục hồi kinh tế thế giới kéo theo tăng giá các loại nguyên nhiên, vật liệu đầu vào, nhiều loại hàng hóa ảnh hưởng đến giá cả trong nước. Tăng trưởng tổng mức phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng ở mức cao năm 2009 với độ trễ của tiền tệ sẽ gây sức ép lên mặt bằng giá cả năm 2010; việc điều chỉnh tỷ giá chính thức VND/USD. Một số chuyên gia cũng lưu ý đến các yếu tố khác tác động đến CPI như chính sách lãi suất cơ bản theo hướng thắt chặt sẽ làm chi phí vốn của doanh nghiệp gia tăng.

Chính phủ đã theo dõi sít sao “nhiệt kế” CPI của nền kinh tế và đề ra một số giải pháp kiềm chế lạm phát như thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận ở các ngân hàng thương mại. Song, ngành ngân hàng phải chịu trách nhiệm kéo lãi suất xuống thấp bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Chính phủ cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chủ động bảo đảm các nguồn hàng sắt thép, xi măng, phân bón, đường… để ổn định thị trường. Bộ Tài chính sẽ áp dụng biện pháp giảm thuế, dùng quỹ bình ổn giá để giữ giá xăng dầu, điện, than đến hết năm 2010 này.

(ANTĐ)

ĐỌC THÊM