Tồn kho - câu chuyện đã không quá mới với các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam suốt thời gian qua, Tuy nhiên, với ngành thép lượng tồn kho tháng 6/2012 đã vượt quá mức bình thường, đến 350.000 tấn, tháng 7 có thể lên 370.000 tấn.
Nguồn tin: efinance
Theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam: Tăng trưởng GDP 6 tháng năm 2012 tăng 4,38% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn chung, bối cảnh kinh tế của cả nước đã ảnh hưởng đến ngành thép. Trong quý I giá các loại nguyên liệu như phôi thép, thép phế, HRC đều tăng nhưng đến quý II chững lại và quay đầu giảm mạnh.
Thêm và đó, dù các doanh nghiệp đã tiết giảm sản xuất nhưng tiêu thụ thấp khiến cho tồn kho các sản phẩm thép tăng so với các tháng đầu năm. Điển hình là sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng tăng trưởng chậm trong quý I và giảm dần trong quý II. Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội thép cũng dự báo cuối quý III và quý IV, tiêu thụ thép sẽ tăng lên khi NQ 13/NQ-CP thực sự phát huy tác dụng.
Quay lại tình hình sản xuất thép 6 tháng đầu năm 2012 đạt 4.637.100 tấn, giảm 3,39% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó, thép xây dựng đạt 2.605.541 tấn, giảm 10,67%; Thép CRC tăng 6,35%; Ống thép hàn tăng 3,9%; Thép mạ KL & sơn phủ màu tăng 11,64%.
Sản xuất thép đã giảm nhưng tiêu thụ sản phẩm thép trong 6 tháng qua còn giảm hơn với mức 16,96%, tương đương 2.618.145 tấn, giảm 16,96% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng bởi sản xuất trong nước giảm 10,67% so cùng kỳ, nhập khẩu còn giảm sâu hơn với mức giảm 36,19%, tuy nhiên, xuất khẩu thép xây dựng lại tăng mạnh, đạt 236.019 tấn, tăng 54,02%.
Cụ thể, sản lượng thép dẹt nhập khẩu tăng 41,99% so với cùng kỳ năm trước, song xuất khẩu lại giảm 14,63% mà nguyên nhân chủ yếu là bởi trong thời gian qua bị kiện chống bán phá giá khiến sản lượng thép cuộn cán nguội xuất khẩu của POSCO Việt Nam giảm mạnh. Đáng chú ý, tiêu thụ thép dẹt 6 tháng đầu năm 2012 tăng 68,89% so cùng kỳ, sản phẩm dài giảm 16,96%, tiêu thụ các sản phẩm thép khác cũng tăng 23,29% so cùng kỳ.
Ông Phạm Chí Cường cũng cho biết thêm: Trước tình hình kinh tế trong nước khó khăn, nhiều công trình xây dựng thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng lại, do vậy thị trường tiêu thụ thép bị ảnh hưởng giảm sút, gây sức ép cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Lượng tồn kho tháng 6 vừa rồi đã tăng đến 350.000 tấn, tháng 7 có thể còn cao hơn, khoảng 370.000 tấn- là mức tồn kho cao hơn bình thường. Dự báo 6 tháng cuối năm 2012, lượng tồn kho tăng lên khoảng 15% so với các tháng đầu năm. Ông Cường nhấn mạnh: "Chưa bao giờ tình hình sản xuất của các doanh nghiệp thép khó khăn như hiện nay, có những doanh nghiệp 2-3 tháng không sản xuất".
Ví dụ như Thép Thái Nguyên có tháng chỉ tiêu thụ 20.000 tấn, thậm chí mấy tháng vừa rồi chỉ bán được 14.000-15.000 tấn. Với lượng tiêu thụ thép thấp như thế, buộc các doanh nghiệp phải tiết giảm sản xuất để con số tồn kho không dâng thêm. Giá 1 tấn thép có lúc 17-18 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, với lãi vay ngân hàng vẫn cao như hiện nay, cứ để 1 tấn tồn kho lại thì chi phí tài chính 1 tháng cho tấn thép tăng cỡ 200 -250 nghìn đồng. Như vậy đã không bán được thép, doanh nghiệp còn phải chịu lỗ, hạ giá bán thép mà vẫn phải chịu chi phí tài chính.
Sức bán giảm sút, tồn kho tăng cao chưa kể vay vốn ngân hàng cao là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp thép đã chết “lâm sàng”, không sản xuất, chạy nợ và không có tiền trả cho nhân công. Ông Phạm Chí Cường thông báo, hiện có khoảng 4-5 doanh nghiệp chết lâm sàng, tuy nhiên trên thực tế con số ấy còn nhiều hơn.
Hầu hết các doanh nghiệp thép hiện nay đều tiết giảm sản xuất và chờ điều kiện tốt hơn. Ngay như doanh nghiệp “khỏe” như Công ty Tập đoàn Hòa Phát cũng khó khăn nếu không có sự bù chéo từ các sản phẩm khác. Tuy nhiên, theo TGD Tập đoàn Hòa Phát - Trần Văn Dương: Trong năm 2012, bức tranh ngành thép không được tươi sáng lắm và tình hình còn có thể kéo dài sang cả năm 2013. Dù lượng tiêu thụ của các sản phẩm thép khác tăng nhưng thép xây dựng, chiếm 3/4 ngành thép đang thực sự khó khăn. Tiêu thụ của thị trường trong nước kém, thêm vào đó, đầu tư mới không nhiều, hơn nữa, thị trường bất động sản khó khăn cũng là "cú giáng" cho ngành thép. Tình hình hiện nay, các DN thép chỉ có thể cầm cự được 6 tháng cuối năm và sang năm 2013, chính vì thế, các DN cần đẩy bớt hàng tồn kho đi và giảm lượng sản xuất.
Cũng lo ngại không kém, ông Trần Ngọc Anh - Phó Tổng Giám đốc Công ty thép Việt-Ý bày tỏ: Doanh nghiệp cố gắng để mở rộng thị trường, kể cả tìm kiếm thị trường có thể xuất khẩu được nhưng tốc độ tiêu thụ và nhu cầu thị trường rất thấp. "Lãi vay tuy giảm xuống 15%/năm nhưng các doanh nghiệp kinh doanh thép vẫn gặp nhiều khó khăn về vốn. Ngân hàng không ưu tiên cho ngành thép nữa.