Đầu tuần qua, Bộ Tài chính đã có quyết định giảm thuế xuất khẩu phôi thép từ 20% xuống còn 10%.
Thông thường, việc giảm thuế lên tới một nửa như vậy sẽ khiến các nhà nhập khẩu vui mừng, nhưng chỉ vài ngày sau khi việc giảm thuế diễn ra, Hiệp hội Thép Việt Nam lại có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giảm thêm thuế xuất khẩu phôi thép xuống mức còn từ 0 đến 2%..Mức thuế nhập khẩu phôi thép 20% vừa được giảm xuống còn 10% được áp dụng trong gần 3 tháng qua được Bộ Tài chính xây dựng trên chính những đề nghị của Hiệp hội Thép VN. Và giờ đây, cũng chính Hiệp hội Thép đề nghị giảm lại thuế xuất khẩu phôi thép về mức 2%, thậm chí còn là 0%.
Gần 3 tháng, nhưng xuất hiện hai đề nghị trái ngược nhau được Hiệp hội Thép giải thích là do diễn biến khó lường của giá thép thế giới và sự suy giảm mạnh mẽ nhu cầu thép trong nước.
Cụ thể, trong những tháng đầu năm 2008, trong khi giá thép trong nước chỉ tương đương mức 830 USD/tấn, thì giá quốc tế lên tới gần 1.200 USD/tấn. Mức chênh giá gần gấp rưỡi này đã khiến nhiều DN trong nước ồ ạt xuất ngược phôi thép ra bên ngoài. Để khắc phục, Bộ Tài chính khi đó theo đề xuất của Hiệp hội Thép đã tăng thuế xuất khẩu từ 2% lên thành 10% và sau đó là 20%.
Sự suy giảm kinh tế toàn cầu sau sự đổ vỡ tài chính ở Hoa Kỳ những ngày gần đây đã khiến giá phôi thép giảm đột ngột xuống gần một nửa, chỉ còn từ 650 đến 700 USD/tấn.
Thực tế này cộng với việc nhu cầu thép trong nước những tháng qua giảm chỉ còn bằng 1/3, trong khi lượng phôi thép và thép thành phẩm tồn kho hiện lên tới gần 900 ngàn tấn đã đẩy các công ty thép đến chỗ phải tạm thời đóng cửa. Trong danh sách những DN ngừng sản xuất, người ta thấy những cái tên như Việt Ý, Vạn Lợi, Natsteel...
Giờ đây, câu chuyện xuất khẩu ngược thép ra nước ngoài bất chấp giá thế giới thấp đã được nhiều DN thép tính đến như là giải pháp để có thể giải quyết được khó khăn tài chính như thanh toán nợ ngân hàng và nợ bạn hàng nước ngoài.
Giảm thuế xuất khẩu xuống còn 2% và tiến tới còn 0% là đề xuất của Hiệp hội Thép, bởi theo họ, một khi các DN thép đã phải ngừng sản xuất, thì việc duy trì thuế suất xuất khẩu cao để giữ lại phôi thép trong nước cũng không giải quyết được vấn đề gì, mà chỉ sớm đẩy các DN thép đến nguy cơ phá sản.
CafeF