Khép lại quý 3-2019, nhiều doanh nghiệp ngành thép báo lỗ, lợi nhuận sụt giảm do gặp khó khăn, một phần do chiến tranh thương mại tiếp tục tạo sức ép tiêu cực lên giá bán, một phần do nhu cầu xây dựng chưa tạo nên đột biến về sản lượng tiêu thụ thép.
Đồng loạt báo lỗ
Công ty cổ phần Thép Việt Ý báo lỗ quý thứ năm liên tiếp với doanh thu thuần đạt 1.086 tỉ đồng, giảm 8% so với quý 3 năm ngoái. Tuy nhiên, chi phí giá vốn đội lên cao, còn cao hơn cả doanh thu, nên Thép Việt Ý đã lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh hơn 41,2 tỉ đồng. Trừ thêm các khoản chi phí phát sinh như tài chính, chi phí bán hàng, thì Thép Việt Ý còn lỗ 75,3 tỉ đồng trong quý 3.
Lũy kế chín tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần đạt 3.448 tỉ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2018. Vẫn do tình trạng giá vốn cao hơn cả doanh thu, nên Thép Việt Ý ghi nhận lỗ hơn 141,1 tỉ đồng từ đầu năm, cao hơn số lỗ 130,6 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm ngoái, nâng tổng lỗ lũy kế chưa phân phối lên trên 467 tỉ đồng.
Công ty cổ phần Thép tấm lá Thống Nhất cũng báo kết quả kinh doanh thua lỗ. Theo đó, doanh thu thuần quý 3-2019 của công ty chỉ đạt 365 tỉ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế âm 3 tỉ đồng. Lũy kế chín tháng năm 2019, Công ty này đạt 923 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 29% so với cùng kỳ, đạt 66% kế hoạch năm. Trong kỳ, Công ty lỗ hơn 13 tỉ đồng.
Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3-2019 với doanh thu và lợi nhuận sụt giảm. Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ của Tisco đạt 2.169 tỉ đồng, giảm 11% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận gần 3,2 tỉ đồng, giảm 29%. Lũy kế chín tháng đầu năm, doanh thu thuần của Tisco đạt 7.652 tỉ đồng giảm 7%, lãi ròng đạt 40 tỉ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ.
Tính đến 30/9, tổng tài sản Tisco giảm 635 tỉ đồng, tương đương giảm 6% so với thời điểm đầu năm, đạt 9.938 tỉ đồng. Tisco hiện gánh khoản nợ phải trả hơn 8.039 tỉ đồng, chiếm 81% tổng tài sản. Trong đó, nợ vay xấp xỉ 5.000 tỉ đồng, vượt tài sản ngắn hạn, ghi nhận 2.397 tỉ đồng.
Công ty cổ phần Thép Biên Hòa (Vicasa) cho biết, lợi nhuận quý 3 sụt giảm chủ yếu là vì thị trường cạnh tranh gay gắt và lãi suất ngân hàng tăng so với cùng kì năm trước. Theo đó, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm giảm gần 19% do giá bán bình quân trong quý, giảm hơn 1 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm 2018.
Doanh thu thuần đạt hơn 509 tỉ đồng trong quý 3/2019, giảm gần 21% , lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 2,7 tỉ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2018.
Lũy kế chín tháng năm 2019, Vicasa ghi nhận 1.738 tỉ đồng doanh thu thuần và 20 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt sụt giảm khoảng 12% và 30% so với kết quả cùng kỳ năm trước. Như vậy, công ty đã thực hiện được xấp xỉ 58% chỉ tiêu doanh thu và 83% kế hoạch lãi sau thuế đề ra.
Trong khi đó, Tập đoàn Hòa Phát báo lãi gần 1.800 tỉ đồng trong quý 3 nhưng sụt giảm 25% so với cùng kỳ. Lũy kế chín tháng đầu năm 2019, Hòa Phát đã hoàn thành 66% kế hoạch doanh thu và 84% lợi nhuận sau thuế năm 2019 với 5.655 tỉ đồng. Mức lợi nhuận này giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.
Hòa Phát cho biết, trong chín tháng, tập đoàn đã cho ra thị trường gần 2 triệu tấn thép các loại, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Công ty vẫn giữ vững thị phần 25% tại thị trường thép Việt Nam. Bên cạnh đó, Hòa Phát đang có những sản phẩm chủ lực chiếm lĩnh thị trường trong nước như tôn mạ, thép dự ứng lực, dây thép rút.
Thời gian tới, tập đoàn này sẽ tiếp tục dồn lực để hoàn thành dự án Dung Quất theo tiến độ đề ra, phấn đấu chạy thử lò cao số 2 trong tháng 11 tới. Dự kiến đến cuối quý 1-2020, Hòa Phát sẽ có sản phẩm thép dẹt cán nóng cung cấp cho thị trường.
Gặp nhiều khó khăn
Về nguyên nhân thua lỗ, các doanh nghiệp thép cho rằng do thị trường thép liên tục khó khăn bởi các hàng rào phòng vệ thương mại, giá thép nguyên liệu đầu vào biến động nhưng giá bán thành phẩm, giá gia công lại không tăng. Đồng thời, sản lượng sản xuất giảm dẫn đến chi phí sản xuất và giá thành tăng cao, ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam, mặc dù thời gian qua, ngành thép Việt Nam đã có nhiều chuyển biến về chất và lượng với mức tăng trưởng khá nhanh. Song hàng năm, ngành này vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn thép thành phẩm và bán thành phẩm từ Trung Quốc, chiếm hơn 50% trong tổng lượng thép nhập khẩu.
Các chuyên gia cũng cho biết, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung càng căng thẳng, nhu cầu tiêu thụ thép của Trung Quốc giảm tạo sức ép xuất khẩu thép gia tăng. Khi đó sẽ tạo sự cạnh tranh với thép Việt, gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp thép trong nước. Tình trạng “đội lốt” hàng Việt để lẩn tránh thuế, xuất khẩu sang các nước khác cũng trở nên đáng lo ngại.
Ngoài việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại bảo vệ hàng sản xuất trong nước, các doanh nghiệp thép cần chủ động tiếp cận, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, cải tiến, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp để hạ giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh cao hơn.
Nguồn tin: Cafeland