Năm 2009 có doanh nghiệp thép đã thay đổi giá tới 163 lần, tăng bình quân 6,7% song vẫn không thoát lỗ. Việc tăng giảm giá tràn lan của ngành này được dự báo còn kéo dài trong năm 2010.
Theo kết quả thanh tra do Bộ Tài chính công bố hôm 10/4, trong số 17 doanh nghiệp thép được kiểm tra có 12 đơn vị nằm trong diện phải đăng ký giá bán theo quy định. Tuy nhiên, chỉ có một doanh nghiệp đăng ký giá bán, còn lại 11 đơn vị vẫn "phớt lờ" quy định.
Bộ Tài chính cho biết, năm 2009 và quý một năm nay, hầu hết các doanh nghiệp đều tăng giá bán. Ngoài nguyên nhân cơ bản là tác động của tình hình kinh tế thế giới, giá nhập khẩu tăng cao, một phần còn do có doanh nghiệp lợi dụng, tạo tâm lý tăng giá để kiếm lời.
Tại các doanh nghiệp kinh doanh thép, giá các mặt hàng đều có xu hướng tăng dần vào thời điểm cuối năm 2009. Trong đó, thép xây dựng tăng bình quân 6-7,5%. Tính riêng Tổng công ty thép VN, năm 2009 đã điều chỉnh giá tới 31 lần, tăng 6,7%. Công ty cổ phần Kim Khí Hà Nội điều chỉnh 163 lần, khoảng 7,5%; Công ty CP thép Vạn Lợi tăng 1,7% và Công ty CP Gang thép Thái Nguyên thay đổi giá 20 lần, tăng 5,5%...
Tuy nhiên, mức tăng của năm 2009 được Bộ Tài chính xác định là chưa thấm vào đâu so với những tháng đầu năm 2010. Tính đến hết ngày 23/3, giá các loại thép xây dựng đã tăng tới 13%, gần gấp đôi mức tăng bình quân của cả năm 2009. Trong đó, Tổng công ty Thép VN tăng 4 lần, bình quân 1.300 đồng một kg; Thép Thái Nguyên điều chỉnh 5 lần, tăng 7,8%; Kim khí Hà Nội điều chỉnh 21 lần, tăng 6,07%... Theo kết quả thanh tra của Bộ Tài chính, nếu so sánh thời điểm ngày 18/3 với ngày 1/1, giá thép xây dựng của Tổng công ty Thép VN đã tăng bình quân tới 1,3 triệu đồng một tấn (12%), còn Công ty Thép Thái Nguyên tăng bình quân 696.000 đồng một tấn.
Điều đáng nói là dù liên tục tăng giá như vậy, song hầu hết các doanh nghiệp thép lại rơi vào tình trạng hiệu quả không cao, số lỗ lên tới hàng tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng năm 2009, Tổng công ty Thép VN lỗ 791 tỷ đồng; Thép Vạn Lợi lỗ 172 tỷ đồng, Thép Đình Vũ lỗ 171,9 tỷ đồng và Kim Khí Hà Nội lỗ 20 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân khiến giá thép tăng cao, doanh nghiệp liên tục điều chỉnh giá mà vẫn lỗ là do nguyên liệu đầu vào tăng cao. Hiện nay, chi phí phôi thép chiếm tới 95% giá thành sản phẩm, trong khi, các doanh nghiệp VN phụ thuộc tới 50% từ nguồn hàng nhập khẩu. Do đó, khi giá thế giới tăng cao, doanh nghiệp trong nước cũng chao đảo.
Tuy nhiên ngoài yếu tố đầu vào, một nguyên nhân khác theo cơ quan thanh tra là do quản lý còn bất cập, một số đơn vị lợi dụng, tạo tâm lý tăng giá để kiếm lời. Từ kết quả kiểm tra này, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp thép phải đăng ký giá bán theo đúng quy định...
Vnexpress