Trong khi các doanh nghiệp trong nước đang rối bời vì thép tồn kho chưa tìm được đường ra thì lại có thêm một nguy cơ đang đến gần từ thép giá rẻ của Trung Quốc. Theo dự báo của các chuyên gia, sẽ có khoảng 20% doanh nghiệp thép phá sản trong năm 2012.
Doanh nghiệp phải trả thêm 200.000 - 230.000 đồng tiền lãi ngân hàng
cho mỗi tấn thép tồn kho hàng tháng
Chết lâm sàng
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, lượng thép xây dựng 6 tháng đầu năm là gần 2,62 triệu tấn, giảm khoảng 17% so cùng kỳ năm ngoái. Thép tiêu thụ chậm do nền kinh tế đang khó khăn, các công trình xây dựng thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng. “Tồn kho của ngành thép đang tăng dần theo từng tháng. Nhưng lo ngại hơn là các doanh nghiệp đang co lại, sản xuất cầm chừng, thậm chí dừng hoạt động”, ông Cường cho biết. Theo báo cáo mới nhất của VSA, lượng thép tồn kho trong cuối tháng 6 tăng lên khoảng 15% so với các tháng đầu năm. Dự báo có khoảng 20% doanh nghiệp thép phá sản trong năm 2012. Tình hình sản xuất của các doanh nghiệp thép chưa bao giờ khó khăn như hiện nay.
Cũng do tồn kho lớn nên nhiều DN phải giảm công suất, như Gang Thép Thái Nguyên, Pomina, Hòa Phát… Theo VSA, Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên, có tháng công ty sản xuất 20.000 tấn, nhưng công suất mấy tháng vừa rồi giảm còn khoảng 14.000 - 15.000 tấn. Ông Trần Tuấn Dương - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát - một trong số ít doanh nghiệp thép có lãi trong quý II cho biết, để giảm tồn kho, công ty phải cắt giảm sản xuất thép 10 - 15% công suất, và hiện lượng tồn kho của Hòa Phát vẫn nằm trong mức khống chế.
Đại diện VSA cho biết: “Trong số 70 doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, đã có 5 - 6 doanh nghiệp gần như chết hẳn, không sản xuất gì mấy tháng nay. Còn loại gặp khó khăn giảm sản lượng, giảm lương chỉ trả 70%, cắt giảm lao động, cũng khoảng 15 doanh nghiệp”. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia ngành thép, số doanh nghiệp thép chết lâm sàng hiện nay có thể gấp đôi con số của VSA thông báo, từ 10 - 12 doanh nghiệp.
Lãi suất cần giảm về mức 7-8%
Ông Trần Tuấn Dương cảnh báo, tình hình tiêu thụ thép trong nước và thế giới năm nay và năm 2013 vẫn chưa có gì sáng sủa. Hiện Trung Quốc có sản lượng khoảng 700 triệu tấn thép/năm, chiếm hơn 50% sản lượng thép của thế giới. Tuy nhiên, thị trường bất động sản của Trung Quốc đang có vấn đề, tiêu thụ thép chững lại, nên khả năng dư thừa thép rất lớn. Thị trường trong nước, thép cuộn, thép dây đang nhập khoảng 300 triệu tấn từ Trung Quốc. Nguy cơ thép giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam trong những năm tới là rất gần. “Chỉ cần 5% thép của họ (gần 40 triệu tấn) đẩy đi, thì không những Việt Nam, mà các nước trong khu vực đều phải chịu sức ép trước lượng thép khổng lồ này, do vậy cần phải có biện pháp phòng vệ từ xa”, ông Dương chỉ rõ.
Ông Huỳnh Trung Quang - Tổng Giám đốc Công ty Thép Tây Đô lo lắng: “Trước đây Nhà nước đã điều chỉnh mức thuế, nhưng đến nay vẫn không cản được thép xây dựng của Trung Quốc vào Việt Nam. Không sớm thì muộn thép thanh Trung Quốc cũng sẽ vào Việt Nam. Nếu không có biện pháp tích cực, thép Việt Nam sẽ mất sân chơi cho các nhà sản xuất Trung Quốc”. Theo ông Quang, thép Trung Quốc rẻ hơn, có thể do họ áp dụng công nghệ cải tiến để có giá cạnh tranh, nhưng cũng không loại trừ bán phá giá. Do vậy, hiện áp dụng hàng rào thuế quan thì hơi khó, nhưng cơ quan chức năng Việt Nam có thể áp dụng hàng rào kỹ thuật.
Ông Nguyễn Trọng Khôi - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam cho rằng: “Thời điểm này, dù có giảm giá, chưa chắc đã có người mua. Họ sẽ nghe ngóng, chờ đợi sự giảm giá tiếp theo. Vì vậy, nếu lúc này các doanh nghiệp tách nhau ra, mạnh ai nấy đi sẽ không giải quyết được vấn đề. Quan trọng là các doanh nghiệp cần phải đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng vượt qua khó khăn”.