Sau thời gian các dự án thép lớn ồ ạt đăng ký đầu tư vào Việt Nam, đến nay, lại xuất hiện tình trạng nhiều dự án thép có quy mô lớn đang triển khai khá ì ạch, chậm tiến độ do thiếu vốn hoặc chậm giải phóng mặt bằng.
Theo Bộ Công Thương, nhiều dự án thép bị chậm từ 2 đến 3 năm so với tiến độ đăng ký ban đầu.
Cụ thể, một số dự án của Tổng công ty Thép Việt Nam (VSC) có tiến độ khá chậm như dự án Thép Thái Nguyên giai đoạn 2 chậm đến 3 năm kể từ ngày khởi công; Nhà máy liên hợp thép Lào Cai chậm 2 năm so với giấy phép đầu tư; dự án Thép liên hợp Hà Tĩnh của VSC liên doanh với tập đoàn thép TATA (Ấn Độ), công suất 4,5 triệu tấn thép cao cấp mỗi năm, cũng bị chậm.
Cũng theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), một số dự án thép quy mô lớn khác cũng bị chậm tiến độ như Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất tại khu kinh tế Dung Quất ở Quảng Ngãi; khu liên hợp Thép Cà Ná của tập đoàn thép Lion ở Ninh Thuận; Nhà máy liên hợp thép Tycoon-United ở Quảng Ngãi...
Ngoài ra, còn có các dự án thép chậm tiến độ của các công ty trong nước như Công ty Thép Vạn Lợi tại Hải Phòng, dự án thép của Công ty Thép Đình Vũ...
Theo phân tích của Bộ Công Thương, ngoài việc các chủ đầu tư không đủ vốn triển khai tiếp, nguyên nhân chậm của các dự án thép còn do các địa phương chậm đền bù giải phóng mặt bằng, thời gian lập, phê duyệt dự án và đấu thầu kéo dài.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngoài các nguyên nhân thiếu vốn, thiếu mặt bằng, một nguyên nhân sâu xa khác dẫn đến việc các dự án thép lớn bị chậm tiến độ chính là các địa phương chạy theo thành tích thu hút vốn đầu tư, không thẩm tra, đánh giá đúng năng lực tài chính, kinh nghiệm chuyên môn thực sự của các chủ đầu tư trước khi cấp phép.
Theo ông Nghi, quy hoạch phát triển ngành thép đến năm 2025 với tổng công suất 20 triệu tấn/năm, tuy nhiên tính đến thời điểm này, số lượng dự án thép được cấp phép trên cả nước đã có tổng công suất lên đến 40 triệu tấn/năm, vượt gấp đôi so với quy hoạch.
“Điều đáng lo ngại nhất là việc cấp phép dự án thép tràn lan đã vượt quá công suất trong quy hoạch ngành thép, thiếu sự nghiên cứu kỹ lưỡng kết hợp cân đối giữa sự phát triển của các ngành khác như điện, nước, cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, cảng biển”, ông Nghi nhận định.
(TBKTSG Online)