- Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm năng lượng lớn nhất nước, và trung tâm thép lớn nhất nước. Khá nhiều dự án sản xuất thép ở đây chậm tiến độ, nguy cơ lãng phí.
Sản xuất thép cuộn ở nhà máy thép Phú Mỹ. Ảnh: Thu Hương |
Nếu so sánh với quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam giai đoạn 2007 - 2015 mà Thủ tướng Chính phủ đã phân bổ thì Bà Rịa - Vũng Tàu vượt rất xa.
Về sản xuất phôi thép, quy hoạch cho phép hai dự án nhưng Bà Rịa - Vũng Tàu đã cấp phép sáu dự án, vượt bốn; công suất cho phép là một triệu tấn/ năm nhưng cấp phép là 3,75 triệu tấn/ năm, vượt đến 2,75 triệu tấn.
Về cán nóng, nguội, quy hoạch cho phép là năm dự án nhưng Bà Rịa - Vũng Tàu cấp phép 10, vượt năm; công suất cho phép là hơn sáu triệu tấn, cấp phép hơn chín triệu tấn, vượt hơn ba triệu tấn.
Dù vậy, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn mong muốn có được dự án thép China Steel. Tuy nhiên, xét thấy quy hoạch ngành thép ở Bà Rịa - Vũng Tàu vượt ngưỡng, Chính phủ không cho phép Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp nhận thêm dự án thép nào khác.
Và đầu tư rùa
Cũng tính đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có sáu dự án trong tổng số 16 dự án cán, luyện thép kể trên đi vào hoạt động. Đây đều là những dự án sản xuất thép được đầu tư cách đây nhiều năm.
Sản phẩm của nhiều dự án có tiếng trong và ngoài nước như VinaKyoei, Thép Miền Nam, Thép Việt… Còn lại 10 dự án thép, thì tám dự án đã và đang chậm tiến độ đầu tư so với cam kết.
Dự án nhà máy thép cán nóng Essar, Ấn Độ có vốn đầu tư hơn 500 triệu USD tại KCN Phú Mỹ. Dự án này được cấp phép đầu tư từ tháng 3/2007 (dự kiến khởi công trong năm 2007 và có sản phẩm năm 2009) nhưng đến tháng 5/2008, chủ đầu tư dự án này mới khởi công được trạm biến áp.
Đến nay, tổng vốn đầu tư đưa vào dự án mới chỉ đạt bốn triệu USD, gồm các khoản chi phí cho trạm biến áp và thăm dò địa chất. Toàn bộ khuôn viên gần 50ha tại KCN Phú Mỹ vẫn để cỏ mọc.
Không chỉ dự án thép Essar, mà các dự án khác như Thép tấm lá Thống nhất, Tôn Hoa Sen, Thép cán nguội của Thép Việt, Thép Pomina… cũng chậm tiến độ vài tháng hay vài năm.
Có những dự án khẳng định chưa biết đến khi nào đầu tư được vì thiếu vốn. Bà Rịa - Vũng Tàu tin vào sự cam kết của các chủ đầu tư nên đến nay mới chỉ có duy nhất dự án thép Thiên Hưng bị rút sau ba năm chưa triển khai.
Lo ngại từ trung tâm thép
Theo lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2009, nguồn cung thép của Việt Nam đã vượt gấp đôi nhu cầu. Các sản phẩm ứ thừa trong nước sẽ phải tìm cách xuất khẩu, nhưng thép Việt Nam khó xuất khẩu vì khó cạnh tranh về giá. |
Nếu toàn bộ 16 dự án đi vào hoạt động, vẫn tình hình thiếu điện xảy ra trong toàn quốc như những năm gần đây, thì không biết người Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phải chia điện với ngành thép ra sao.
Với các dự án trên, Bà Rịa - Vũng Tàu đang đáp ứng một nửa tổng cung thép của cả nước. Bà Rịa - Vũng Tàu có cần tính toán lại, giảm bớt một số dự án thép chậm tiến độ tránh những hệ lụy, và cũng tránh một “cuộc khủng hoảng” của riêng ngành thép trong tương lai chăng?