- Sau khi Tổng công ty Thép tuyên bố tăng giá thêm từ 100 - 250.000 đồng/tấn thép, đã tạo ra hiệu ứng dây chuyền đối với nhiều loại vật liệu xây dựng (VLXD) khác.
Thép là mặt hàng tăng giá cao nhất.
Thép “nổ”, gạch cũng “nổ”
Hiện giá nhiều loại VLXD đã được điều chỉnh tăng, trong đó thép là mặt hàng được điều chỉnh với mức tăng cao nhất. Qua 6 lần tăng giá, đầu tháng 8 này, Tổng công ty Thép Việt Nam lại quyết định nâng giá bán ở khu vực miền Nam thêm 100.000- 250.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, việc tăng giá này lại không mang tính khu vực mà lan truyền trong cả nước.
Theo khảo sát của PV Báo GĐ&XH, thị trường VLXD tại địa bàn Hà Nội, thép cuộn và thanh định hình có mức tăng cao nhất (thêm 250.000 đồng/tấn so với giữa tháng 7); thép cuộn phi 6 và phi 8 lần lượt là 11,32 và 11,27 triệu đồng/tấn; thép thanh định hình lên tới 11,82 triệu đồng/tấn, thép trơn và thanh tăng 100.000 đồng/tấn: tuỳ từng loại thép trơn mà có giá giao động từ 11,490- 11,58 triệu đồng/tấn.
Về biến động giá thép, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, vì phôi và phế liệu thép đều tăng khoảng 30 USD/tấn, thêm vào đó, giá xăng dầu tăng tạo thêm gánh nặng cho ngành thép. Do đó, chuyện tăng giá là điều dễ hiểu.
Các loại VLXD khác như gạch, ngói, cát, sỏi và một số loại vật liệu hoàn thiện như sơn, gốm sứ nội thất cũng tăng giá từ 20 – 30%: gạch Đồng Tâm Long An đã tăng khoảng 30%; gạch lát nền (40cm x 40cm) so với tháng 7 đã tăng từ 109.560 đồng lên 135.960 đồng/thùng; gạch viên (13cm x 40cm) tăng từ 97.900 đồng lên 165.000 đồng/thùng; Gạch lát nền vệ sinh (33cm x 33cm) cũng tăng từ 131.670 đồng lên 173.250 đồng/thùng...
Người xây dựng khốn đốn
Ông Nguyễn Khánh Toàn (Phó đội trưởng Đội xây lắp 3, Cty CPXD công trình giao thông vận tải T) cho biết: “Không chỉ các loại VLXD tăng mà giá nhân công cũng đứng ở mức rất cao do điều chỉnh tăng vừa qua. Trong khi đó, vào thời điểm “bão giá” của năm 2008 đã phải điều chỉnh tăng lương nhưng khi bão giá nhân công vẫn không thể giảm. Lương trả cho nhân công chỉ cần tăng 5 triệu đồng/tuần trên tổng lương phải trả thì một năm đã mất thêm 200- 300 triệu đồng. Đây là mức chi phí khá lớn mà nhiều nhà thầu không lường trước được”.
Một thủ thuật của những nhà thầu có kinh nghiệm vẫn làm để ngăn tình trạng mua hàng giá cao là đặt tiền khi giá thấp ở những đại lý quen. Tuy nhiên sau một vài bài học “lỗ chổng vó”, các đại lý cũng không dám mạo hiểm nữa.
Ông Nguyễn Quang Vụ (phố Phạm Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) than thở: “Tôi không có nhiều tiền xây nhà nên đã chọn thời điểm vào mùa mưa để xây với hy vọng giá vật liệu sẽ rẻ hơn. Với 400 triệu đồng vay mượn được, tôi định xây nhà 3 tầng nhưng bây giờ vật liệu tăng hạch toán lại chỉ xây được nhà 2 tầng”.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá VLXD leo thang ngoài yếu tố nguyên liệu tăng, còn do nhiều công trình xây dựng cùng lúc được triển khai từ đầu năm đến nay. Nhu cầu vật tư lớn đã làm cho sức tiêu thụ VLXD từ đó tăng mạnh, đẩy giá thành lên cao. Việc tăng giá xăng, dầu cũng đã tác động tới giá thành sản phẩm do chi phí vận chuyển tăng. Điều mà nhiều người làm trong nghề xây dựng lo ngại nhất là sẽ xảy ra tình trạng đầu cơ tích trữ đối với loại vật liệu có giá trị cao như thép.
Một chuyên gia khác phân tích, trong tình hình tăng giá rất dễ xảy ra nạn đầu cơ găm hàng. Do cơ sở pháp luật để xử lý các hành vi đầu cơ trái phép nằm rải rác ở các văn bản luật khác nhau và quy định cũng rất chung chung nên việc áp dụng xử lý rất khó khăn.
Không chỉ các nhà thầu xây dựng mà cả những chủ công trình dân sinh, dân dụng cũng đều lo ngại tình trạng đầu cơ sẽ xảy ra, nếu các cơ quan chức năng không có chương trình hành động sớm trong thời điểm này.