Thị trường tôn thép Việt Nam, với năng lực sản xuất trên 4 triệu tấn/năm và một lượng lớn sản phẩm nhập khẩu, những tưởng sẽ tạo cơ hội cho người tiêu dùng trong nước có thêm nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm chất lượng, nhưng thực tế không hẳn vậy.
Bát nháo giả, nhái
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hiện có 15 công ty lớn là thành viên của VSA và một số cơ sở nhỏ sản xuất tôn thép mạ, tôn mạ màu, với năng lực sản xuất trên 4 triệu tấn/năm, được đánh giá là số một trong ASEAN cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, đầu ra cho tiêu thụ lại đang gặp phải không ít khó khăn do vấn nạn hàng giả, hàng nhái chiếm lĩnh thị trường. Cùng với đó, sự nhiễu loạn thông tin về chất lượng sản phẩm khiến người tiêu dùng còn không ít băn khoăn khi lựa chọn các sản phẩm tôn thép, còn doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc chật vật trong tiêu thụ.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất tôn thép lớn tại Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, người tiêu dùng gần như không thể phân biệt được chất lượng của tôn thép mạ và phủ màu. Sự bát nháo của thị trường tôn thép nội địa là do một số đơn vị cung cấp không bảo hành đúng cam kết, khiến một bộ phận người tiêu dùng và cả doanh nghiệp thiệt hại nặng nề.
Chỉ riêng tại Hà Nội, năm 2014, các cơ quan chức năng đã thu giữ 300 tấn tôn nhập khẩu kém chất lượng. Đại diện nhà sản xuất tôn lớn nhất Việt Nam - CTCP Tập đoàn Hoa Sen - cho biết từ năm 2014 đến nay, tập đoàn đã bị giảm hơn 2,5% thị phần (tương đương gần 120 tỷ đồng) do tôn giả, tôn nhái.
Theo ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu, sự tùy tiện trong công bố thông tin về chất lượng và hạn bảo hành của không ít nhà cung cấp đã khiến một số doanh nghiệp sản xuất uy tín bị vạ lây. Năng lực sản xuất lớn với 4 triệu tấn, trong khi theo dự báo của VSA, năm 2015, tiêu thụ tôn thép nếu tăng 15% so với năm 2014, cũng chỉ đạt 3,25 triệu tấn. Như vậy, cạnh tranh giữa các nhà sản xuất trên thị trường tôn thép sẽ rất khốc liệt.
Theo đó, sẽ xuất hiện nhiều chiêu trò mới để hút khách, nếu người tiêu dùng không tỉnh táo sẽ phải trả tiền cao cho sản phẩm không như quảng bá. Không những vậy, doanh nghiệp tôn thép trong nước còn phải chia miếng bánh thị phần không nhỏ cho các công ty nhập khẩu. Năm 2015, lượng tôn nhập khẩu qua các công ty thương mại dự kiến vượt qua con số 700.000 tấn của năm 2014.
Theo khuyến cáo của VSA, do giá tôn thép nhập từ Trung Quốc quá rẻ, một số doanh nghiệp trong nước tích cực nhập về bán. Các sản phẩm này không đồng đều về chất lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình xây dựng. Cụ thể, tôn kém chất lượng nhanh bị phai màu, nhanh gỉ sét, làm công trình xuống cấp sau chỉ khoảng 3 năm sử dụng thay vì 10 năm với tôn chính hãng.
Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp sản xuất tôn thép lớn ở trong nước đều trang bị dây chuyền, thiết bị sản xuất đồng bộ, hiện đại. Việc tìm đến với sản phẩm của Hòa Phát, Hoa Sen, NS BlueScope Việt Nam… sẽ giúp người tiêu dùng hạn chế tối đa khả năng mua phải tôn thép kém chất lượng.
Cạnh tranh gay gắt với thép Trung Quốc
Sự ngưng trệ của BĐS dẫn đến tồn kho thép với số lượng lớn đã khiến Trung Quốc lên kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu thép ra thị trường thế giới. Dự báo năm nay Trung Quốc xuất khẩu thép ra thị trường thế giới khoảng 100 triệu tấn (tăng 21 triệu tấn so với năm 2014) và Việt Nam là một trong những thị trường mà nước này đẩy mạnh xuất khẩu.
Thực tế cho thấy trong 7 tháng năm 2015, lượng sắt thép cả nước nhập về 8,43 triệu tấn, tăng 40,3% về lượng so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc hơn 5 triệu tấn với trị giá đạt 2,44 tỷ USD, chiếm 54,5% tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước. Lượng sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc đã tạo sức ép cạnh tranh vô cùng lớn cho doanh nghiệp thép Việt Nam bởi thép nhập khẩu có lợi thế giá rẻ.
Kiểm tra thép cuộn tại nhà máy SMC. |
Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT CTCP Đại Thiên Lộc, đề xuất nên có biện pháp hạn chế nhập khẩu thép từ Trung Quốc vì lượng thép doanh nghiệp trong nước sản xuất được đáp ứng tốt về chất lượng và số lượng cho thị trường tiêu thụ nội địa. Chỉ có thép cán nóng, thép tấm doanh nghiệp Việt không sản xuất được mới buộc phải đi nhập.
“Nên xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với những mặt hàng thép trước khi nhập về. Thái Lan, Malaysia, Indonesia… đều có đặt ra tiêu chuẩn đối với thép nhập khẩu. Hiện ở Việt Nam thép Trung Quốc nhập vào ào ào, tháng nào cũng tăng đều đều” - ông Nghĩa nói.
Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thép Khương Mai, cho biết từ năm 2008 tới nay ngành thép liên tục gặp khó, 70% các đại gia ngành thép ở miền Bắc, miền Trung bị phá sản, trong khi tại miền Nam khoảng 50% rời bỏ thị trường. Nguyên nhân tình trạng này do Việt Nam gần “lò thép” Trung Quốc, trong khi nhu cầu tiêu thụ thép tại Việt Nam cũng chưa thực sự khởi sắc.
Hiện không chỉ doanh nghiệp sản xuất thép gặp khó khăn, ngay cả các công ty kinh doanh thép cũng lao đao vì giá thép nhập khẩu liên tục giảm so với hồi đầu năm. Chỉ cần thị trường giảm 100 đồng/kg thép, với 100 tấn thép tồn kho chưa bán hết doanh nghiệp sẽ lỗ 1 tỷ đồng và 1.000 tấn là 10 tỷ đồng.
Đặc biệt những tháng tới Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép qua Việt Nam, doanh nghiệp thép nội sẽ càng khó khăn hơn. Để ứng phó với tình hình này, VSA cho biết không có một giải pháp cụ thể nào tốt hơn việc VSA trong nước phải tập trung nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm bằng cách hạ chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và sản phẩm bán ra có giá thành rẻ.
Nguồn tin: Đầu tư tài chính