Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nhiều mặt hàng được dự báo tiếp tục ổn định giá

Theo Bộ Công Thương, mặc dù thị trường đang dần vào những tháng cuối năm, nhưng nhiều mặt hàng trong nước được dự báo sẽ tiếp tục ổn định giá trong thời gian tới.

Mặt hàng được nhắc đến đầu tiên đó là thép. Theo Bộ Công Thương, mặc dù giá thép thế giới và trong nước trong thời gian qua giảm nhẹ nhưng sức mua thị trường vẫn yếu. Trong khi đó, thép nước ngoài nhập khẩu tiếp tục tăng, đặc biệt là thép Trung Quốc giá rẻ nhưng chất lượng không bằng thép sản xuất trong nước. Do giá rẻ nên loại thép này vẫn được tiêu thụ mạnh, nhất là ở các vùng nông thôn, các công trình tư nhân khiến doanh nghiệp thép trong nước càng thêm khó khăn.

Theo công bố của Bộ Công Thương, sản lượng thép các loại tháng 10 ước đạt 553,0 nghìn tấn, tăng 5,5% so với tháng 10/2011. Tính chung 10 tháng ước đạt 4,97 triệu tấn, tăng 1,2 % so với cùng kỳ. Riêng thép tròn ước đạt 2,7 triệu tấn, giảm 9,8 % so với cùng kỳ.

Cũng theo Bộ Công Thương, dự báo tiêu thụ thép sẽ không tăng dù đã vào mùa sửa chữa trong những tháng cuối năm. Vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành sớm nghiên cứu, tính toán lại việc giảm giá một số hàng hóa tồn kho lâu ngày, bám sát diễn biến của thị trường để có những điều chỉnh về chính sách bán hàng cho phù hợp, nhằm đẩy mạnh công tác tiêu thụ vào những tháng cuối năm.

Cùng với mặt hàng thép, mặt hàng muối cũng được Bộ Công Thương dự báo trong thời gian tới giá muối tiếp tục ổn định và giữ giá ở mức hợp lý.

Hiện nay, giá muối trong nước vẫn ổn định, cụ thể Miền Bắc có từ 1.400-2.100 đ/kg (giảm 100 đ/kg so với tháng 9/2012); Nam Trung Bộ giá muối sản xuất thủ công từ 1.000-1.700 đ/kg, giá muối sản xuất công nghiệp từ 1.000-1.200 đ/kg (ổn định so với tháng 9/2012).

Vùng đồng bằng Sông Cửu Long giá muối đen và vàng từ 800-1.700 đ/kg (ổn định so với tháng 9/2012), muối trắng từ 1.600-1.950 đ/kg (ổn định so với tháng 9/2012).

Đối với mặt hàng phân bón: Trên thế giới, giao dịch phân bón ở thị trường chưa nhiều, tuy nhiên do tác động của một số phiên đấu thầu của Ấn Độ và một số đơn hàng mới nhỏ lẻ khác đã khiến giá phân bón tăng nhẹ trong đầu tháng. Đến cuối tháng 10, nguồn cung phân bón từ một số nguồn (như Ai Cập) bị cắt giảm do nguồn cung khí thấp, nhưng thị trường lại được bù đắp bằng nguồn từ Trung Quốc khá dồi dào nên giá phân bón giảm nhẹ và ổn định tại một số thị trường.

Trong nước, nguồn cung phân bón nhập khẩu về các cảng phía Nam tăng, cùng với tồn kho trong nước vẫn cao. Trong khi đó nhu cầu phân bón trong nước vẫn thấp do mưa lũ và triều cường ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh phía Nam nên giá một số loại phân bón giảm nhẹ. Hiện phổ biến ở mức: Ure 9.700-10.000 đ/kg (giảm 300-500 đ/kg); kali 11.400-12.000 đ/kg (giảm 200 đ/kg

Dự báo trong thời gian ngắn sắp tới giá phân bón trong nước vẫn sẽ ổn định. Tháng 11 năm 2012, dự kiến Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí sẽ cung cấp khoảng 70.000 tấn urê, Nhà máy Đạm Cà Mau cung cấp 60.000 tấn urê, Nhà máy Đạm Ninh Bình cung cấp khoảng 45.000 tấn ra thị trường. Tổng lượng phân urê sản xuất trong nước cùng với lượng tồn kho và nhập khẩu có thể đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Riêng về thị trường hoàng hóa thiết yếu như rau củ, lương thực: Theo Bộ Công Thương, trong tháng 10 triều cường và mưa lũ kéo dài tại các tỉnh phía Nam nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó do tính mùa vụ nên một số loại rau củ quả nguồn cung giảm trong giai đoạn giáp vụ, gây tăng giá.

Tuy vậy, hiện nay thị trường hàng hóa đang dần được điều chỉnh theo sức mua của thị trường trong bối cảnh tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều mặt hàng không còn ở mức cao như trước do các doanh nghiệp đã tự tiết giảm sản xuất, kinh doanh. Điều này cũng cho thấy hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang bị giảm sút nhiều do doanh thu, tiêu thụ giảm.

Dự báo trong thời gian tới, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố: thời tiết bắt đầu vào mùa lạnh nên nhu cầu chung đối với các mặt hàng nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, may mặc tăng sẽ ảnh hưởng đến giá các mặt hàng tiêu dùng. Cùng với đó, nhu cầu mua sắm trong các dịp lễ cuối năm dương lịch.

Tuy nhiên, với sự quan tâm đặc biệt của các Bộ, ngành trong công tác đảm bảo nguồn hàng và điều hành giá cả, giá hàng hóa sẽ không có sự gia tăng đột biến.

Nguồn tin: VnMedia

 

ĐỌC THÊM