Trước những khó khăn của nền kinh tế trong và ngoài nước, hoạt động kinh doanh nhiều ngành kinh tế như may mặc, thép… vẫn đang trải qua những giai đoạn khó khăn.
Một ngành đã trải qua khá nhiều vất vả trong suốt những tháng vừa qua có thể kể đến là thép. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, mặc dù sản xuất tháng 4 đã có bước chuyển biến sau nhiều tháng sản xuất cầm chừng do thị trường bất động sản đóng băng, nhưng tồn kho vẫn còn cao.
Đặc biệt, vẫn tồn tại tình trạng nhập khẩu những sản phẩm trong nước sản xuất được, do giá rẻ đã gây khó khăn hơn cho sản xuất trong nước. Mặt khác, mùa khô hạn sắp đến sẽ khiến sản xuất của các nhà máy thép khó khăn hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm của người lao động.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương cho biết, để giảm thiểu khó khăn, bên cạnh việc điều chỉnh cơ chế chính sách quản lý hàng nhập khẩu, các doanh nghiệp cũng cần nỗ lực đổi mới công nghệ, tiết kiệm chi phí nhằm nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Một ngành khá chủ lực trong lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam, cũng đang đứng trước nhiều trở ngại đó là dệt may.
Ảnh minh họa |
Báo cáo Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 4 vừa qua một số doanh nghiệp tận dụng kinh nghiệm làm hàng xuất khẩu, đã mở rộng sản xuất sang làm hàng nội địa bằng cách chú trọng thay đổi quy cách, mẫu mã sản phẩm nhưng chất lượng không thay đổi so với hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, sức mua trong nước ngày càng hạn chế đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ngành.
Lợi nhuận của ngành dệt may có nguy cơ giảm nhiều so với năm trước do đơn hàng nhỏ, giá cạnh tranh quyết liệt nên khó nâng đơn giá xuất khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp đã tăng cường khai thác thị trường nội địa để cung cấp hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cả hợp lý và cũng là để duy trì sản xuất liên tục, tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Cùng với hai ngành trên, xuất khẩu ngành da giầy của Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thị trường thế giới hiện nay có nhiều biến động và việc nguyên liệu sản xuất phụ thuộc vào nhập khẩu.
Cho đến nay, tỷ lệ nội địa hóa mới chỉ chiếm 40 - 45% (chủ yếu là đế giày và chỉ khâu giày) trong khi nguyên liệu quan trọng nhất là da thuộc và da nhân tạo vẫn phải nhập khẩu. Về lâu dài, ngành da giày cần đẩy mạnh việc liên kết giữa các doanh nghiệp phát triển chuỗi cung ứng nguyên liệu cho sản xuất để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, sản lượng giầy dép da tháng 4 ước đạt 17,2 triệu đôi, giảm 6,3% so với tháng 4/2012, tính chung 4 tháng ước đạt 68,0 triệu đôi, tăng 2,9% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại 4 tháng ước đạt 2,25 triệu USD, tăng 9,0% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2012 trở lại đây (trừ tháng 1 là tháng có Tết Nguyên đán).
Nguồn tin: VnMedia