Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, các doanh nghiệp sản xuất giấy, luyện thép có nhu cầu rất lớn về nhập phế liệu để phục vụ sản xuất. Thế nhưng, ngoài lợi ích kinh tế mang lại cho các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vấn đề môi trường phát sinh từ hoạt động nhập khẩu phế liệu khá phức tạp, nhiều DN vi phạm các quy định bảo vệ môi trường.
Xỉ thép được một số doanh nghiệp mua lại và tái chế làm vật liệu trái phép được chất đống tại Tóc Tiên và Tân Hòa, huyện Tân Thành. Trong ảnh: Bãi tái chế xỉ thép lậu tại Tóc Tiên.
Để giải quyết nguồn nguyên liệu đầu vào cho một số ngành sản xuất, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã ban hành quyết định số 12/2006/QĐ-BTNMT ngày 8 tháng 9 năm 2006 về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu. Theo đó, có 20 loại phế liệu được phép nhập khẩu vào VN. Tuy nhiên, để được phép nhập khẩu phế liệu, DN có cơ sở sản xuất trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, tái chế phải đáp ứng được quy định rất chặt chẽ: Bảo đảm không để thất thoát phế liệu và không phát tán các tạp chất đi kèm ra môi trường xung quanh; Phải có giải pháp, hệ thống xử lý hoặc phương án thuê đơn vị có đủ điều kiện kỹ thuật để xử lý; Bảo đảm thiết bị, công nghệ tái chế, tái sử dụng phế liệu và hệ thống xử lý các chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh; Sở TN- MT là cơ quan có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường đối với các DN nhập khẩu phế liệu và cấp xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu có giá trị trong 12 tháng; Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng để cơ quan Hải quan cho phép nhập khẩu.
Quy định chặt chẽ là vậy, nhưng nhiều DN nhập khẩu phế liệu trên địa bàn tỉnh đều không tuân thủ. Qua các đợt giám sát của HĐND, kiểm tra của cơ quan chức năng thời gian qua cho thấy: Hầu hết các bãi chứa phế liệu của các DN nhập khẩu phế liệu đều không có hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn và xử lý những tạp chất bị nước mưa cuốn theo như dầu mỡ, hóa chất; phế liệu còn được đổ trực tiếp lên mặt đất, chưa được đổ trên bề mặt bêtông.
Khi tiến hành khảo sát bãi chứa chất thải rắn của nhà máy thép Phú Mỹ, thuộc Cty cổ phần Thép Miền Nam (KCN Phú Mỹ I, huyện Tân Thành), đoàn kiểm tra đã phát hiện có hàng ngàn bao chứa bụi lò chất đống như núi, đặt trên mặt bằng chỉ là nền đất, chung quanh không có hệ thống thu nước mưa hoặc giải pháp giảm thiểu ô nhiễm. Khi trời mưa, nước mưa cuốn theo các chất bẩn, đặc biệt là chất thải nguy hại gây ô nhiễm nguồn nước tiếp nhận là sông Thị Vải.
Đến nay, bãi chứa chất thải rắn này vẫn tồn tại và không bị bất cứ cơ quan chức năng nào nhắc nhở. Trong khi đó, cơ quan trực tiếp quản lý chất thải rắn vẫn xác nhận cho Cty này đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu. Hiện nay, công suất của 3 nhà máy luyện thép của Cty cổ phần Thép Miền Nam đang hoạt động là 1,25 triệu tấn phôi/năm, khối lượng phế liệu sắt, thép cần phải nhập lên đến hàng triệu tấn/năm, nếu không quản lý chặt chẽ tình trạng ô nhiễm nguy cơ ngày càng tăng.
Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, Sở TN- MT và các cơ quan liên quan cần siết chặt quản lý các DN nhập khẩu phế liệu, kiên quyết không cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu về phế liệu khi các nhà máy luyện thép chưa đáp ứng được các quy định về xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời phải tăng cường giám sát các hoạt động xử lý chất thải của các đơn vị này. Nếu phát hiện vi phạm phải kiên quyết thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu, đồng thời thông báo cho Hải quan không cho phép nhập phế liệu cho đến khi khắc phục, xử lý chất thải đảm bảo đúng theo quy định. Chỉ khi đó, các DN nhập khẩu phế liệu để sản xuất mới có thể tự giác, chủ động xử lý chất thải do hoạt động sản xuất của mình gây ra.
Nguồn tin: DDDN