Tính đến hết năm 2009, Việt Nam sẽ sản xuất được 1,8 triệu tấn gang, 4,5-4,7 triệu tấn phôi, 6,7-7 triệu tấn thép xây dựng, thép cán nguội vượt công suất 2 triệu tấn, thép lá mạ 1,2 triệu tấn. |
"Mặc dù Hiệp hội Thép Việt Nam đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng cung vượt xa cầu, nhưng không biết do vô tình hay hữu ý mà các địa phương vẫn tiếp tục cho phép đầu tư các dự án thép vào địa phương mình. Nguyên nhân là do hiện nay việc cấp phép đầu tư cho các dự án thép đã giao cho các địa phương", ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nói.
Theo ông, do địa phương nào cũng cố gắng để có được nhà máy thép với mong muốn cải tạo cơ cấu kinh tế của tỉnh nhà, nên đã “bỏ ngoài tai” những cảnh báo về tình trạng dư thừa thép.
Tính đến hết năm 2009, Việt Nam sẽ sản xuất được 1,8 triệu tấn gang, 4,5-4,7 triệu tấn phôi, 6,7-7 triệu tấn thép xây dựng, thép cán nguội vượt công suất 2 triệu tấn, thép lá mạ 1,2 triệu tấn. Theo tính toán hiện nay, cung đã vượt gấp đôi cầu, ông Cường nhấn mạnh.
Như vậy, có thể thấy trong tương lai không xa những nhà máy thép có công suất nhỏ sẽ có nguy cơ phải ngừng sản xuất, thậm chí phá sản?
Điều này có thể dự đoán được, bởi từ nay đến 2012 sẽ có thêm một loạt các nhà máy thép có công suất lên tới 6-7 triệu tấn/năm đi vào hoạt động.
Cạnh tranh ngay trên sân nhà sẽ càng khốc liệt. Đến khi đó, hàng loạt nhà máy có công suất nhỏ lẻ sẽ phải tự đóng cửa và trở thành gánh nặng đối với địa phương, bởi các nhà đầu tư đã không tính toán đầy đủ về sự phát triển bền vững.
Để xảy ra việc dự án thép phát triển tràn lan, ngoài việc thiếu kiểm soát của cơ quan chức năng còn xuất phát từ bệnh thành tích của nhiều địa phương. Một số tỉnh, thành do nóng vội phát triển kinh tế đã thiếu đi sự kiểm soát với các dự án thép.
Ngoài việc đầu tư tràn lan các dự án thép thì thời gian qua, đặc biệt là trong tháng 10/2009, thép trong nước buộc phải giảm giá nhiều lần để cạnh tranh với thép ngoại nhập, nhất là thép từ các nước ASEAN. Vậy đâu là nguyên nhân?
Việc thép từ các nước ASEAN nhập khẩu nhiều vào Việt Nam trong thời gian qua là do được giảm thuế xuống còn 0% theo cam kết tham gia Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA).
Tuy nhiên, thép từ các nước ASEAN ồ ạt vào nước ta chỉ mang tính chất nhất thời, khi khủng hoảng kinh tế dẫn tới các nước ASEAN dư thừa thép buộc phải bán giá thấp. Tuy nhiên, mối lo của thép Việt Nam không phải đến từ ASEAN mà chính là Trung Quốc. Trung Quốc sản xuất lớn và có nhiều chính sách tiền tệ, tài chính, thuế quan hỗ trợ rất đắc lực cho thép xuất khẩu.
Riêng thép cán nguội của Trung Quốc, tính đến 15/11 đã có tới 620 nghìn tấn được nhập vào Việt Nam, trong khi đó cả nước tiêu thụ xấp xỉ 1 triệu tấn, do đó sắp tới ngành thép trong nước sẽ phải cạnh trạnh với loại thép này.
Sau 3 đợt giảm giá liên tục, đến giữa tháng 11/2009 giá thép đã bắt đầu tăng trở lại. Đây là tín hiệu vui cho ngành thép, nhưng đồng thời cũng khó tránh khỏi nguy cơ thép ngoại lợi dụng điều này tiếp tục tràn vào nhiều hơn. Ông nghĩ sao?
Trong tháng 10/2009, các doanh nghiệp thép trong nước liên tục giảm giá do sản phẩm không tiêu thụ được, đồng thời phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập ngoại từ Trung Quốc và các nước ASEAN.
Sang tháng 11 thị trường thép đã có dấu hiệu phục hồi thì phải tính đến việc tăng giá để tránh lỗ. Bên cạnh đó, chênh lệch tỷ giá giữa USD và VND, giá phôi thép, thép phế, thép thành phẩm trên thế giới đã tăng trở lại cũng là nguyên nhân khiến cho giá thép trong nước cũng phải tăng theo.
Ngày 17/11, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành thép đã đồng loạt điều chỉnh tăng giá thép lên 200 nghìn đồng/tấn. Mới đây nhất Tổng công ty Thép Việt Nam đã quyết định tăng giá thép thêm 100 nghìn đồng/tấn, đưa tổng mức tăng cả hai lần lên 300 nghìn đồng/tấn. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá thép tăng lên cũng kéo theo mối lo thép ngoại tiếp tục tận dụng cơ hội này tràn vào gây khó khăn cho thép trong nước.
Do đó, trong lúc này các doanh nghiệp thép không nên tăng giá ồ ạt mà cần thận trọng và phải dựa vào khả năng cân đối cung cầu.
(vnEconomy)