Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nhiều nước phản ứng sắc lệnh 'đòi công bằng' của ông Trump

 Đức, Trung Quốc, Malaysia... đã lên tiếng phản ứng trước sắc lệnh thương mại mới do Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký.

Đòi công bằng cho nước Mỹ

Sắc lệnh của Tổng thống Trump chỉ đạo các quan chức thương mại nước này tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt thương mại ở Mỹ, kiểm tra đánh giá cụ thể đối với từng quốc gia và từng sản phẩm giao thương.

Sắc lệnh thứ nhất, được xem như là một phần trong những nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng chính sách thương mại mà chính quyền Trump cho là không công bằng của các bạn hàng của Mỹ, được công bố ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hai ngày 6-7/4 tới, cũng như cuộc đối thoại kinh tế cấp cao giữa Mỹ và Nhật Bản, dự kiến diễn ra vào giữa tháng Tư tới.

Trung Quốc và Nhật Bản sẽ là hai trong số các đối tác lớn của Mỹ trong diện bị "săm soi" theo sắc lệnh vừa ký.


Trung Quốc bị tố là bên bán phá giá thép chủ yếu ở Mỹ Ảnh: Reuters

Sắc lệnh thứ hai yêu cầu các quan chức đẩy nhanh việc thu thuế chống bán phá giá và các loại thuế cao đã được áp dụng đối với những sản phẩm từ nước ngoài được trợ giá hay trợ cấp một cách bất hợp pháp.

Phát biểu với các phóng viên trước khi ký kết các sắc lệnh, người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định động thái trên sẽ tạo điều kiện cho sự phục hồi mạnh của lĩnh vực chế tạo Mỹ, đồng thời nói: “Chúng ta sẽ bảo vệ ngành công nghiệp của đất nước và tạo ra một sân chơi công bằng cho người lao động Mỹ...”.

Bộ Thương mại và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) sẽ nghiên cứu về mức thuế quan của các nước đối tác, những rào cản phi thuế quan, trợ cấp chính phủ, vấn đề quyền sử hữu trí tuệ cùng những hình thức giao dịch thương mại đi ngược với lợi ích của nước Mỹ và sẽ báo cáo lên Tổng thống trong vòng 90 ngày.

Với những kết quả thu thập được, rất có thể Washington sẽ buộc Trung Quốc, Nhật Bản và những đối tác thương mại khác phải mở cửa thị trường hơn nữa đối với các hàng hóa và dịch vụ đến từ nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chỉ trích

Ngay sau khi Mỹ công bố hai sắc lệnh thương mại mới, Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries đã lên tiếng cho biết, các sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump về thâm hụt thương mại và trốn thuế nhập khẩu là dấu hiệu cho thấy Washington muốn xa rời thương mại tự do và các thỏa thuận quốc tế.

"Chúng ta cần tìm kiếm đối thoại mang tính xây dựng và giải thích rằng các nguyên nhân gây ra thâm hụt thương mại Mỹ không chỉ là ở nước ngoài", bà Zypries nói.

Suốt nhiều năm, Mỹ đã nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Đức hơn là xuất khẩu sang nền kinh tế lớn nhất châu Âu này, do khả năng cạnh tranh mạnh mẽ của các công ty Đức và nhu cầu cao của người tiêu dùng Mỹ với hàng hóa "Made in Germany".

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Đức đã tăng gần gấp đôi trong 10 năm qua từ khoảng 28,8 tỷ euro năm 2006 lên 49 tỷ euro năm 2016.

Ông Peter Navarro, cố vấn thương mại của Trump, từng cáo buộc Đức "bóc lột các nước khác" nhờ đồng euro "được định giá vô cùng thấp". Điều đó khiến Thủ tướng Đức Angela Merkel phản ứng mạnh mẽ, bà cho rằng Ngân hàng trung ương châu Âu chịu trách nhiệm về đồng tiền chung và là một cơ quan độc lập về chính trị.

Về phía Trung Quốc, quốc gia bị coi là nguyên nhân "số 1" dẫn đến thâm hụt mậu dịch Mỹ, như lời Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Russ chỉ trích, cũng đã lên tiếng phản ứng trước động thái của chính quyền Trump.

Reuters ngày 2/4 dẫn lời phát ngôn viên không nêu tên của Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng bất cứ biện pháp thương mại nào của Mỹ cũng phải “tuân thủ quy tắc thương mại quốc tế chung” và hai nước cần giải quyết một cách đúng đắn.

“Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ trên nền tảng bình đẳng và đôi bên cùng có lợi”, phát ngôn viên trên nhấn mạnh.

Cũng trong ngày 2/4, Bộ trưởng thứ hai Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia, ông Ong Ka Chuan tuyên bố nước này không chịu trách nhiệm hay lợi dụng thâm hụt mậu dịch của Mỹ.

Theo ông Ong, các công ty Mỹ ở Malaysia sẽ bị thiệt hại nặng nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump trừng phạt Malaysia chỉ vì chi phí sản xuất thấp.

Sản phẩm điện tử do các công ty Mỹ ở Malaysia sản xuất hiện chiếm 53% tổng sản lượng xuất khẩu của Malaysia sang Mỹ, trong đó có nhiều bán thành phẩm được đưa về Mỹ để lắp ráp, theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia.

“Nếu ông Trump trừng phạt chúng tôi vì điều này, các công ty Mỹ sẽ bị thiệt hại nặng”, ông Ong nhấn mạnh.

Nguồn tin: Đất việt

ĐỌC THÊM