Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nhiều nước "tự vệ" với thép Trung Quốc

(HQ Online)- Bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng điều tra Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) nhận định, khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, người tiêu dùng ít nhiều chịu thiệt hại. Nhưng về lâu dài, nếu không có sự bảo vệ nào thì với “đại công trường” Trung Quốc sẽ không có ngành công nghiệp nào của Việt Nam có thể trụ vững.

“Việt Nam là thị trường “béo bở” nhất mà Trung Quốc muốn “đẩy” lượng thép dư thừa”. Ảnh internet.

Việt Nam- thị trường "béo bở"

Tại hội nghị “Tổng kết thực thi pháp luật phòng vệ thương mại và đề xuất giải pháp” ngày 2-6, bà Phạm Châu Giang cho biết, 5 năm gần đây, sản phẩm thép chiếm tới 80% các vụ điều tra phòng vệ thương mại. Nguyên nhân là do kinh tế Trung Quốc suy thoái, nhu cầu sử dụng thép giảm trong khi công suất hoạt động của các nhà máy không giảm.

Mỗi năm Trung Quốc dư thừa 300 triệu tấn thép, trong khi tổng dung lượng thị trường của Việt Nam chỉ chưa đến 100 triệu tấn/năm. Khi dư thừa, Trung Quốc sẽ tìm đến nước nào gần nhất để xuất khẩu. “Việt Nam là thị trường “béo bở” nhất mà Trung Quốc muốn “đẩy” lượng thép dư thừa”, bà Giang khẳng định.

Trên thực tế, Việt Nam mới chỉ 6 lần áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có 2 vụ chống bán phá giá, 4 vụ liên quan đến biện pháp tự vệ. Đáng chú ý, có đến 5 vụ điều tra liên quan đến mặt hàng thép. Cách đây vài ngày, Cục Quản lý cạnh tranh cũng nhận được đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ với mặt hàng thép. Bà Giang cho biết thêm, có đến 90% doanh nghiệp tìm đến Cục Quản lý cạnh tranh để tham vấn là doanh nghiệp thép.

Bổ sung thêm thông tin, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam kiện nhiều nhất mặt hàng thép là tin vui bởi phù hợp với guồng quay của thế giới. Từ xưa, thép đã là đối tượng bị kiện, Nhật Bản từ lâu đã bị kiện chống bán phá giá. Năm 2015, cả thế giới có 41 vụ kiện phòng vệ thương mại với mặt hàng thép. Tuy nhiên, tin không vui là Việt Nam chủ yếu kiện thép thành phẩm và chủ yếu điều tra thuế tự vệ.

Điều tra tự vệ dễ hơn biện pháp chống bán phá giá bởi chỉ cần chứng minh thông tin số liệu từ phía mình. Do vậy, doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn. Tuy nhiên, biện pháp tự vệ mang tính bảo hộ rõ ràng nên thời gian áp dụng ngắn, phải trả giá, đền bù cho đối tác”, bà Trang nói.

Được biết, vừa qua, Chính phủ Anh cũng phải gặp Chính phủ Trung Quốc để phán ánh về việc thép Trung Quốc đang tràn vào, nếu Trung Quốc không tự hạn chế thì Anh cấm nhập khẩu toàn bộ thép Trung Quốc vào Anh. Bỉ cũng có vụ công nhân đình công phản đối việc thép Trung Quốc giá rẻ.

"Van an toàn" cuối cùng

Theo bà Giang, trong việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, phía cơ quan quản lý cũng rất “lúng túng”. Vị này dẫn chứng, trong vụ việc áp thuế tự vệ mặt hàng phôi thép, trước khi áp thuế, có lúc chúng tôi nhận được 10 cuộc phỏng vấn của báo chí, doanh nghiệp nói về việc “kêu cứu”, cần áp dụng biện pháp tự vệ. Tuy nhiên, đến tháng 3 sau khi áp thuế tự vệ, chỉ 1 tuần sau giá thép trong nước tăng 20%. Nhiều ý kiến lại cho rằng, tại sao lại bảo hộ một nhóm doanh nghiệp. 

“Biện pháp phòng vệ thương mại không bao giờ đạt được sự hài lòng giữa các bên. Khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, người tiêu dùng ít nhiều chịu thiệt hại. Nhưng về lâu dài, nếu không có sự bảo vệ nào thì với “đại công trường” Trung Quốc sẽ không có ngành công nghiệp nào của Việt Nam có thể trụ vững”, bà Giang nói.

Hơn thế, thời kỳ thế giới phẳng, Việt Nam ký nhiều hiệp định thương mại tự do, bên cạnh mặt tích cực (thuế giảm, tăng cường xuất khẩu) còn có mặt tiêu cực. Khi thuế giảm, khi công cụ hỗ trợ của Nhà nước không còn nhiều thì biện pháp phòng vệ thương mại là điều mà doanh nghiệp cần quan tâm đến. 

Có thể coi, công cụ phòng vệ thương mại là “van an toàn” cuối cùng cho doanh nghiệp trong xu hướng hội nhập quốc tế. Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, đến nay trên thế giới và rất nhiều doanh nghiệp lớn đều cho rằng, biện pháp phòng vệ là một trong những chiến lược trong kinh doanh, chứ không còn là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước nữa. Nếu áp dụng thành công biện pháp này thì đây là “con bài” tốt để chiếm lĩnh, phát triển thị trường.

Tuy nhiên, sự hợp tác của doanh nghiệp khi sử dụng công cụ này còn hạn chế. Ông Nam dẫn chứng: “Năm ngoái chúng tôi có dẫn đoàn đến hỗ trợ doanh nghiệp trong vụ gà Mỹ nhập khẩu với giá rẻ vào Việt Nam. Chúng tôi rất muốn “chiến đấu”.  Doanh nghiệp lúc đó hừng hực khí thế, nhưng tiếc rằng, khi chúng tôi bàn chuyện cùng nhau kiện thì doanh nghiệp đùn đẩy cho nhau. Đã thế, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam lại bảo đừng kiện với lý lẽ “kiện không thắng được đâu”.

Với nguồn nhân lực còn hạn chế (18 người làm cả 2 mảng kháng kiện và khởi kiện), Cục Quản lý cạnh tranh mong doanh nghiệp hợp tác với cơ quan quản lý chặt chẽ hơn nữa để có thể sử dụng thành công công cụ bảo hộ này.

Nguồn: Báo Hải Quan Online

ĐỌC THÊM