Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nhiều tỉnh đã "phớt lờ" quy hoạch của Chính phủ

Mặc dù quy hoạch về phát triển các nhà máy thép đã được Chính phủ phê duyệt với những quy định khá chi tiết, tuy nhiên các địa phương đã không cấp hành và vẫn tràn lan cấp phép cho những dự án có quy mô không đúng với quy định. Điều này đang làm cho gánh nặng dư thừa công suất trong ngành thép tiếp tục nặng hơn, gây lãng phí xã hội rất lớn.

Đó là nhận định của ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam trong buổi nói chuyện với báo chí về Nghị quyết 11 của Chính phủ, cũng như việc cấp các dự án thép tại các tỉnh mới đây.

- Để kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hồi đầu năm Thủ tướng đã ra Nghị quyết 11, trong đó có cắt giảm đầu tư công, hạn chế cho vay bất động sản… Vậy với những chính sách lớn như thế này đã ảnh hưởng thế nào đến ngành thép, thưa ông?

Như tất cả đều biết, ngành thép tiêu thụ chủ yếu sản phẩm cho những công trình xây dựng, trong đó có những dự án như dự án triển khai đầu tư của nhà nước, những dự án về bất động sản, dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, đường xá, cầu cống…

Hiện nay, theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, vừa cắt giảm đầu tư công, vừa là hạn chế đầu tư bất động sản (tức hạn chế vốn cung cấp cho những dự án mà không phải phục vụ cho sản xuất….), điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến nguyên liệu triển khai, mà cụ thể ở đây là sắt thép, xi măng. Có thể nói, sau khi có Nghị quyết 11 của Chính phủ, tiêu thụ thép trong ngành thép đã giảm đi khá rõ rệt, nhất là trong các tháng 4,5,6.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam

- Trong bối cảnh tiêu thụ khó khăn thì biện pháp duy nhất hiện nay là đẩy mạnh xuất khẩu, tuy nhiên theo ngành thép thì việc xuất khẩu cũng đang gặp khó khăn. Vậy khó khăn ở đây là như thế nào và giải pháp sẽ ra sao, thưa ông?

Như chúng ta đều biết, mặc dù Việt Nam mới tham gia vào xuất khẩu, nhưng sự hỗ trợ cho ngành này vẫn chưa nhiều và cũng đã có ý kiến đánh thuế. Mặc dù Thủ tướng chưa có ý kiến về việc đánh thuế những sản phẩm thép xuất khẩu, nhưng Hiệp hội thép đã có những phân tích rất chi về việc này.

Nếu nói ngành thép tận dụng điện giá rẻ để xuất khẩu là không chuẩn, bởi thực chất sản phẩm thép xuất khẩu thì giá điện chỉ chiếm từ 1-1,2% giá thành sản phẩm. Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận tính đủ giá điện cho sản xuất thép theo quy định của Nhà nước, để doanh nghiệp thép có điều kiện phấn đấu giảm sử dụng năng lượng, giảm giá thành, loại bỏ công nghệ lạc hậu để ngành thép phát triển bền vững.

Điều mà doanh nghiệp lo ngại, chỉ là mất điện đột ngột, khi đó ngành thép thiệt hại hơn rất nhiều so với việc tính đủ giá điện.

- Vậy theo ông, việc cắt giảm đầu tư công trong trong bối cảnh này có phải là cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành thép rà soát lại quy hoạch, để có những sản phẩm tốt và chấm dứt tình trạng đầu tư tràn lan như thời gian qua?

Việc tính toán về giá thành sản phẩm nhằm mục đích, để ngành thép có đủ tính cạnh tranh, tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh trong nước cũng như là cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Bởi vì, hiện nay Việt Nam đã hội nhập WTO và hội nhập rất sâu với các nước Đông Nam Á, do vậy nếu sản phẩm của chúng ta không có cái giá thành cạnh tranh, sản phẩm không có đủ chất lượng so với các nước, thì chắc chắn không xuất khẩu được.

Cùng với những vấn đề trên, hiện nay có một điều rất nguy hại là chúng ta phát triển không cân đối, không có kiểm soát về những nhu cầu thực tế, nên các địa phương cấp giấy phép đầu tư thép rất tràn làn.

Do đó, hiện nay sản lượng thép đã gấp đôi nhu cầu trong nước, riêng đối với thép xây dựng là 9 triệu tấn và nếu như tiêu thụ tốt như năm 2010 thì cũng chỉ đạt có 5,6 triệu tấn/năm. Còn đối với sản phẩm cán nguội để mà làm tráng tôn, mạ kẽm có công suất đến 2,7 triệu tấn, mà trong nước chỉ tiêu thụ có 1,3- 1,4 triệu tấn/năm.

Vì vậy, với tình hình như hiện nay, nếu chúng ta mà không xuất khẩu thì chắc chắn sẽ nó dư thừa. Nước nào cũng vậy thôi, khi trong nước dư thừa thì phải xuất khẩu để lấy ngoại tệ nhập nguyên liệu vào, giảm áp lực nhập siêu.

Theo thống kê, nhập siêu trong ngành thép trong năm 2010 lên tới 6 tỷ USD, nếu như năm nay chúng ta cố gắng nhập siêu của nước là 14 – 15 tỷ USD, mà ngành thép vẫn nhập siêu như năm ngoái thì sẽ là một vấn đề khó khăn.

- Vậy đối với các dự án thép được cấp phép tràn lan tại các tỉnh, chúng ta cần có giải pháp thắt chặt như thế nào để hạn chế bớt những dự án thép dư thừa?

Chúng ta đã có quy hoạch mà Thủ tướng chính thức phê duyệt hồi tháng 9/2007, tuy nhiên từ đó đến nay quy hoạch này đã bị vỡ. Bộ Công Thương cũng đã rà soát, báo cáo Thủ tướng và ra chỉ đạo rất chặt chẽ về quy mô công suất như thế nào mới được đầu tư và những điều kiện như thế nào về môi trường, về cung cấp nhiên vật liệu… Tuy nhiên, các địa phương đã không cấp hành, vẫn tràn lan cấp phép cho các dự án có quy mô không đúng với quy định.

Hiện tại, chúng ta không có một quy chế nào để kiểm soát chặt chẽ, cũng như chưa có một chế tài, một kỷ luật nào để giải quyết vấn đề này.

Chính vì vậy, việc phát triển tràn lan không theo quy hoạch đã làm cho gánh nặng dư thừa công suất trong ngành thép vẫn tiếp tục nặng hơn, và tôi cho rằng đó là một lãng phí xã hội rất lớn. Nhiều sản phẩm thép chúng ta phải nhập nhưng lại không được đầu tư, trong khi đó thép xây dựng đang dư thừa vẫn tiếp tục được đầu tư. Rõ ràng, việc điều hành của chúng ta đang có vấn đề.

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn tin: VnMedia

ĐỌC THÊM