Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nhìn lại những vấn đề "tốn giấy mực" ngành Công Thương năm 2016

 Những dự án nghìn tỷ thua lỗ của các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương, bê bối liên quan đến nhân sự, các hoạt động thanh kiểm tra các công ty bán hàng đa cấp… là những vấn đề được dư luận quan tâm trong năm 2016 vừa qua.

Năm 2016 sắp khép lại, cùng BizLIVE điểm lại những vấn đề “nóng” của ngành Công Thương trong năm vừa qua.

12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, “đắp chiếu”

Bên cạnh 5 đại dự án của Bộ Công Thương đang thua lỗ lớn đã được Quốc hội nêu lên tại Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 vừa qua là nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và nhà máy đạm Ninh Bình còn 7 nhà máy, dự án khác.

Cụ thể là đạm Hà Bắc, đạm DAP 1 Lào Cai , DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai cũng đang thua lỗ, kém hiệu quả.

Như vậy, trong số 12 dự án được “điểm danh”, thì có tới 5 dự án thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam PVN và 4 dự án thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Với dự án Ethanol Dung Quất, Thanh tra Chính phủ cho biết đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng dự án nhiên liệu sinh học Dung Quất có dấu hiệu cố ý làm trái hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng, trong chỉ định thầu, trong ký kết và thực hiện các hợp đồng EPC dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên "đắp chiếu" chờ nhà thầu Trung Quốc 

Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên, sau 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng nhà máy vẫn chỉ là đống sắt gỉ “đắp chiếu”. Nhà máy Đạm Ninh Bình với vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng, thua lỗ 2.000 tỷ đồng sau 4 năm…

Hàng loạt bê bối nhân sự

Trong tháng 10/2016 có 2 lãnh đạo PV Power, Vinachem xin nghỉ “đi nước ngoài” với lý do học khoá dự bị MBA và chữa bệnh. Trước đó, hồi tháng 9, 4 cựu cán bộ chủ chốt tại PVC cũng bị tạm giam, hồi tháng 6, VAFI đã chất vấn Bộ Công Thương về các quyết định bổ nhiệm nhân sự tại Sabeco

Liên quan đến nhân sự tại Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), mới đây ngày 22/12, Bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco đã có báo cáo gửi Bộ Công Thương về việc ông Nguyễn Quang Hải có đơn gửi HĐQT Sabeco xin từ nhiệm thành viên HĐQT.

Trước đó, thông tin về việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải, Phó tổng Sabeco đã được Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nêu ra tại hàng loạt các văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ…

Cũng tại doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương, ngày 15/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) đã khởi tố vụ án hình sự “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cùng ngày cũng đã khám xét, tạm giam 4 cựu cán bộ chủ chốt của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tổng công ty PVC) là ông Vũ Đức Thuận (ủy viên HĐQT kiêm tổng giám đốc), Nguyễn Mạnh Tiến (phó tổng giám đốc), Trương Quốc Dũng (phó tổng giám đốc), Phạm Tiến Đạt (kế toán trưởng).

Trong tháng 10/2016, tại PV Power, Vinachem đã ghi nhận 2 trường hợp lãnh đạo ra nước ngoài với ký do học khoá dự bị MBA và chữa bệnh đến nay chưa trở lại Việt Nam.

Cụ thể, ông Lê Chung Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Dầu khí (đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam), nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC), dù PV Power đã không chấp nhận đơn xin nghỉ và nhiều lần liên hệ qua điện thoại, email cũng như các văn bản nhưng ông Dũng vẫn chưa trở lại Tổng công ty làm việc.

Trường hợp khác là ông Vũ Đình Duy, Thành viên HĐTV Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), nguyên Tổng giám đốc CTCP Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), đã vắng mặt tại cơ quan từ 24/10/2016. Hiện, ông Duy đã bị buộc thôi việc.

Xoá sổ hàng chục công ty đa cấp

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, từ tháng 6/2015 đến tháng 11/2016 Bộ Công Thương đã kiểm tra, khởi xướng điều tra 65 vụ việc đối với các công ty bán hàng đa cấp, xử phạt 64 trường hợp với tổng tiền phạt là 11 tỷ đồng. Bộ Công Thương cũng đã tiến hành thu hồi giấy chứng nhận và chấm dứt, tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp đối với 25 doanh nghiệp.

Trên trang Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), đơn vị này liên tục đăng tải  thông tin về việc chấm dứt hoạt động của các công ty đa cấp thời gian vừa qua. Mới đây nhất, Cục Quản lý cạnh tranh thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của CTCP Japan Life Việt Nam, công ty đa cấp mà người tham gia từng tin tưởng chi hàng tỷ đồng mua sắm các sản phẩm với giá cắt cổ như: 290 triệu đồng một chiếc áo, 16 triệu đồng chiếc gối, 160 triệu đồng một chiếc đệm…

Trong năm 2016, đoàn kiểm tra Bộ Công Thương đã phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cáp đối với 7 “ông lớn” đa cấp là Công ty TNHH Amway Việt Nam, Công ty TNHH Unicity Marketing, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, CTCP Liên minh tiêu dùng Việt Nam, CTCP Liên kết tri thức, CTCP Tập đoàn liên kết Việt Nam và Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long.

Kết quả thanh kiểm tra Thiên Ngọc Minh Uy vẫn chưa được công bố  

Theo đó, đã phát hiện hàng loạt các sai phạm tại các công ty này như ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp không theo mẫu hợp đồng đã được sửa đổi, bổ sung; nội dung quảng cáo sai lệch về thành phần, công dụng so với xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và nhãn đã được Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cấp…

Đến thời điểm hiện tại, mặc dù đã có kết quả thanh tra Công ty TNHH Amway Việt Nam, tuy nhiên chưa thể công bố vì chờ kết quả thanh tra đối với công ty khác là Thiên Ngọc Minh Uy.

“Cải cách chưa từng có”: Bãi bỏ 15 thủ tục, đơn giản hoá 108 thủ tục

Bộ trưởng Bộ Công Thương mới đây đã ký quyết định phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước năm 2017.

Theo đó, Bộ Công Thương bãi bỏ 15 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 108 thủ tục trong tổng số 443 thuộc phạm vi Bộ quản lý. “Đây được xem là cuộc cải cách chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương nhiều năm nay”, báo cáo của Bộ Công Thương nêu.

Các lĩnh vực đơn giản hoá gồm kiểm tra chất lượng thép sản xuất, nhập khẩu (5 thủ tục), thương mại quốc tế (3 thủ tục), công nghiệp nặng (2 thủ tục), sản xuất kinh doanh thuốc lá (6 thủ tục), kinh doanh khí (18 thủ tục), kinh doanh rượu (19 thủ tục), xăng dầu (15 thủ tục), an toàn thực phẩm (12 thủ tục), xuất nhập khẩu (8 thủ tục), xúc tiến thương mại (5 thủ tục)...

Quy hoạch ngành thép

Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương cho biết, qua quá trình rà soát Quy hoạch ngành thép cho thấy, đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025, thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn thép thô, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

Mới đây, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký phê duyệt nhiệm vụ và đề cương đánh giá Dự thảo Quy hoạch Hệ thống Sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, căn cứ trên kiến nghị của Vụ Công Nghiệp nặng, giao cho Vụ Công nghiệp Nặng là đơn vị chủ trì. Đơn vị thực hiện là Công ty tư vấn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Thông điệp mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra là không đánh đổi môi trường lấy dự án. “Quy chế giám sát tới đây sẽ rất chặt chẽ. Không chỉ cơ quan quản lý Nhà nước, mà các tổ chức xã hội, truyền thông, dư luận, người dân cũng sẽ cùng tham gia giám sát các dự án này”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Trước đó, trả lời chất vấn trước Quốc hội, trước vấn đề đặt ra liên quan đến dự án thép Hoa Sen Cà Ná, Bộ trưởng từng khẳng định: “Liên quan dự án thép Cà Ná. tôi có thể khẳng định công khai trên diễn đàn Quốc hội, chúng ta không đánh đổi môi trường lấy các dự án công nghiệp bằng mọi giá”.

Nguồn tin: Bizlive

ĐỌC THÊM