Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2016 vừa được các công ty niêm yết công bố cho thấy một bức tranh tương đối sáng sủa, đặc biệt ở nhóm CP đầu ngành. Từ kết quả này, giới đầu tư kỳ vọng nhóm CP này tiếp tục nâng đỡ thị trường trong thời gian tới.
Điểm nhấn CP thép
Đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 600/700 doanh nghiệp trên 2 sàn HOSE và HNX công bố BCTC năm 2016. Nhìn tổng thể đây là một năm kinh doanh khá hiệu quả của các doanh nghiệp nếu xét trên kết quả lợi nhuận. Nhiều điều kiện thuận lợi trong năm qua như giá nguyên vật liệu một số ngành giảm, giá xăng dầu ở mức thấp (trung bình 40USD/thùng), lãi suất và tỷ giá được điều hành linh hoạt, đã góp phần giúp doanh nghiệp trụ vững trước các cơn sóng ảnh hưởng của thị trường quốc tế.
Mỗi năm có một số ngành hoạt động nổi bật và tăng trưởng tạo động lực cho thị trường. Chẳng hạn ngành dầu khí năm 2014, ngân hàng 2015 và ngành tài nguyên cơ bản (thép) 2016.
Có thể nói, hiện tượng của năm 2016 chính là nhóm ngành tài nguyên cơ bản, phân ngành nhỏ hơn là thép đã tạo cơn sóng lớn trong năm vừa qua. Dẫn đầu là CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) với lợi nhuận đạt hơn 6.600 tỷ đồng (tăng 89,4%) và CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đạt hơn 1.700 tỷ đồng (tăng 145%).
Một số doanh nghiệp khác cũng đạt mức tăng trưởng cao trong năm như CTCP Thép Pomina (POM), CTCP Thép Nam Kim (NKG), CTCP Ống thép Việt Đức VG Pipe (VGS), CTCP Đầu tư thương mại SMC (SMC). Mức tăng trưởng lợi nhuận của các công ty thép niêm yết này đạt 11%, gần gấp đôi năm 2015 và gần bằng mức tăng trưởng năm 2014, năm cực thịnh của doanh nghiệp thép.
Theo thống kê của CTCK Sacombank (SBS), dẫn đầu về lợi nhuận năm 2016 là nhóm ngành ngân hàng với trên 25.000 tỷ đồng (chiếm 23% lợi nhuận các ngành). Ngành ngân hàng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 14,6% so với năm 2015 nhờ một số ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu như Ngoại thương Việt Nam (VCB), Công thương Việt Nam (CTG), Á Châu (ACB).
Tuy nhiên, do hoạt động trong năm của khối ngân hàng không có nhiều thông tin nổi bật và tiến trình xử lý nợ xấu còn kéo dài, đã tạo sự hoài nghi cho NĐT. Mặt khác, hoạt động đầu tư của khối ngân hàng ngoại cũng khá yên ắng nên thị giá CP của nhóm ngành này hầu như không biến động nhiều.
Sự chú ý của thị trường tạo cơn sóng giá CP chỉ bắt đầu nhiều hơn vào tháng 12-2016 khi nhiều CP giảm khá sâu và tin tốt về ngân hàng được công bố. Một số mã CP ngân hàng như ACB, STB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín), CTG đã tăng hơn 20% chỉ sau 2 tháng và xu hướng hiện vẫn còn khá lạc quan.
Blue chip hút dòng tiền
Theo thống kê, các doanh nghiệp đứng đầu ngành tăng tưởng lợi nhuận tốt nhất là CTCP Sữa Việt Nam (VNM), TCTCP Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (SAB), VCB, CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG), CTCP Xây dựng Coteccons (CTD), TCTCP Khí Việt Nam (GAS), HPG.
Tỷ suất tăng trưởng lợi nhuận có thể không bằng một số doanh nghiệp cùng ngành, nhưng với thị phần lớn và tỷ lệ tăng trưởng bền vững, đã giúp giá CP luôn giữ ở mức ổn định và thu hút dòng tiền lớn của NĐT tham gia nắm giữ.
Dự báo năm 2017 các doanh nghiệp này vẫn có nhiều dư địa tăng trưởng 10-20% và đây là tiền đề giúp giá CP nâng đỡ thị trường. Theo SBS, nếu loại bỏ một số CP có độ biến động bất thường như ROS (CTCP Xây dựng Faros) và các mã CP có P/E quá cao như STB, EIB (Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam), P/E bình quân thị trường hiện ở mức 16x là chấp nhận được đối với các CP đầu ngành.
Một số cổ phiếu có P/E rất thấp do lợi nhuận tăng trưởng vượt trội năm 2016 như HSG, HPG có P/E dưới 6x hay một số CP nổi tiếng nhưng P/E chỉ khoảng 10x như CTD, CTG, FPT (CTCP Tập đoàn FPT), DPM (TCTCP Phân bón và Hóa chất dầu khí).
Tuy nhiên, trong 600 doanh nghiệp đã công bố BCTC vẫn có khoảng 45 doanh nghiệp báo lỗ năm 2016, trong đó có những doanh nghiệp lỗ lớn, như CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) lỗ 1.621 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Đại dương (OGC) lỗ 727 tỷ đồng, CTCK Agirbank (AGR) lỗ 415 tỷ đồng, CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS) lỗ 361 tỷ đồng, CTCP Khách sạn và Du lịch Đại dương (OCH) lỗ 154 tỷ đồng.
Nguồn tin: ĐTTC