Nhu cầu tiêu thụ thép ở các thị trường lớn sẽ tiếp tục vững chắc về cuối năm nếu không có những yếu tố tiềm ẩn tác động lớn.
Bộ Công Thương cho biết, thị trường thép xây dựng nội địa tháng 10 trầm lắng, tình hình thời tiết không thuận lợi như triều cường, mưa nhiều tại một số khu vực đã ảnh hưởng tới việc tiêu thụ thép tại thị trường xây dựng dân dụng; tiêu thụ thép tại khu vực công trình cũng chậm do phần lớn các công trình đang vào giai đoạn hoàn thiện, ít dự án mới khởi công.
Sức tiêu thụ chậm nên phần lớn nhà sản xuất thép phía Bắc áp dụng các các chương trình chiết khấu sản lượng để khuyến khích tiêu thụ. Do vậy giá trên thị trường phía Bắc giảm phổ biến khoảng 100.000 – 150.000 đồng/tấn so với tháng trước tùy theo chủng loại sản phẩm. Trong khi đó giá thép tại thị trường phía Nam tương đối ổn định, nguồn cung đảm bảo.
Trong những tháng qua, ngành thép tiếp tục phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam. Đặc biệt là ngành thép phải đối mặt với nhiều vụ điều tra bán phá giá từ các nước nhập khẩu khiến xuất khẩu thép gặp nhiều khó khăn.
Nhu cầu tiêu thụ thép ở các thị trường lớn sẽ tiếp tục tăng vững chắc.
Trong đó, các thị trường quen thuộc trong ASEAN như Thái Lan, Malaysia cũng đã khởi xướng các vụ kiện điều tra chống bán phá giá, đối với một số sản phẩm sắt thép có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đang là thực trạng đáng lo ngại đối với ngành thép Việt Nam.
Vì vậy, cùng việc hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ việc điều tra, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, cần tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất ngay trong nước. Đồng thời nỗ lực khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất, để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ các nước nhằm giảm đến mức thấp nhất việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế.
Theo nhận định của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng sản xuất và doanh số bán hàng các sản phẩm thép đều có mức tăng trưởng tốt trong 10 tháng qua. Dự báo, nhu cầu tiêu thụ thép ở các thị trường lớn sẽ tiếp tục tăng vững chắc về cuối năm nếu không có những yếu tố tiềm ẩn tác động lớn.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch VSA, các yếu tố có khả năng tác động đến tiêu thụ thép thế giới có thể kể đến như việc Mỹ sẽ nới lỏng thuế quan với Thổ Nhĩ Kỳ hay không; Mức độ cắt giảm sản lượng mùa Đông sẽ được thực thi tại Trung Quốc và những tác động từ tranh chấp thương mại Trung - Mỹ đối với nền kinh tế Trung Quốc...
Đặc biệt là nhu cầu thép của châu Âu được dự báo sẽ tăng 2,2% trong năm nay, nhờ vào nhu cầu ô tô và xây dựng mạnh mẽ. Một chương trình thay thế cơ sở hạ tầng ở châu Âu cũng sẽ giúp cho nhu cầu thép ổn định trong năm tới.
Cũng theo ông Sưa, tại thị trường trong nước, sản xuất và bán hàng thép đang có mức tăng trưởng cao và dự kiến sẽ tiếp tục giữ được đà tăng về cuối năm. Dự kiến, giá phôi thép hiện ở mức 505-507 USD/tấn, giảm 15 USD/tấn so với đầu tháng 10 và giảm khoảng 20 USD/tấn so với đầu năm 2018. Do đó, trong tháng 10, giá bán thép trong nước được giữ tương đối ổn định.
Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, mặc dù tình hình thời tiết tháng 10 mưa nhiều, ảnh hưởng tới việc xây dựng các công trình, song tiêu thụ thép trong nước vẫn tăng mạnh. Điều này chứng tỏ, sản phẩm thép Việt đã có sức cạnh tranh rất tốt ở thị trường nội địa./.
Nguồn tin: VOV