Với tình cảnh lạm phát, xung đột địa chính trị kéo dài, sản xuất thép tại Trung Quốc liên tục gián đoạn, trong khi xuất khẩu thép tại Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực từ bảo hộ thương mại, đang cản trở sự phục hồi ngành thép trong nước và trên thế giới.
Lạm phát đe dọa khối ASEAN
Theo S&P Global Commodity Insights, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine và lạm phát leo thang, triển vọng thị trường thép càng thêm bất định khi hoạt động xây dựng tiếp tục đình trệ vì Covid-19, cũng như khi tăng trưởng ngành ô tô chững lại.
Lạm phát nổi lên như một "hòn đá" cản trở đà phục hồi kinh tế của khu vực ASEAN trong năm 2022 và dự kiến trong vài năm tới.
Trong báo cáo tháng 6/2022 về triển vọng kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, trong 4 tháng đầu năm, tỷ lệ lạm phát ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đã tăng lên 9,37% so với mức 4,23% của cùng kỳ năm trước.
"Tỷ lệ lạm phát trung bình ở các nước ASEAN tăng từ 0,9% vào tháng 1/2021 lên 3,1% vào tháng 12/2021, và sau đó lên 4,7% vào tháng 4/2022" - ông Sithanonxay Suvannaphakdy - nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS Yusof Ishak, cho hay.
Do các cú sốc lớn trong năm 2022, hoạt động kinh tế toàn cầu năm 2023 khó có thể phục hồi mạnh. Do vậy, tăng trưởng kinh tế năm 2023 được dự báo chỉ nhích khoảng 3% vì vẫn còn những lực cản, như giá hàng hoá tăng cao và chính sách tiền tệ tiếp tục bị thắt chặt.
"Tỷ lệ lạm phát tăng cao cùng với sự chững lại của tăng trưởng kinh tế dấy lên lo ngại, rằng nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ bước vào thời kỳ lạm phát đình trệ như những năm 1970" - báo cáo của WB phân tích.
Viện Sắt và Thép Đông Nam Á (SEAISI) cũng cảnh báo, các DN ngành thép trong khu vực sẽ phải tìm kiếm những nguồn cung thép bán thành phẩm và than luyện cốc mới vì xung đột Nga - Ukraine khiến lượng hàng nhập khẩu từ 2 nước này giảm mạnh.
WB cho biết: "Nga và Ukraine chiếm một tỷ trọng nhỏ, cụ thể là dưới 3% trong xuất khẩu hàng hóa của thế giới. Tuy nhiên, nhiều ngành công nghiệp lại phụ thuộc vào nguồn cung hàng hóa được khai thác tại 2 nước, đặc biệt là Nga".
Hiệp hội Thép thế giới (WSA) dự báo năm 2022, nhu cầu tiêu thụ thép của của ASEAN đạt khoảng 76,1 triệu tấn, tăng 4,8% so với mức 72,6 triệu tấn vào năm 2021. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mốc 80,3 triệu tấn của năm 2019, tức trước khi đại dịch bùng phát.
WSA cũng cho rằng nhu cầu tiêu thụ thép của ASEAN sẽ trở lại mức trước đại dịch vào năm 2023, với khoảng 80,8 triệu tấn. Chuyên gia của WSA nhận định, dự báo nhu cầu thép năm 2022 và 2023 của ASEAN được đưa ra dựa trên một số kịch bản nhất định và đi kèm rủi ro suy yếu.
Thép Trung Quốc tiếp tục suy yếu
Theo Reuters, sản lượng thép thô của Trung Quốc trong tháng 6/2022 giảm 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 90,7 triệu tấn - giảm 6% so với tháng 5, do thời tiết xấu ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng.
Kể từ tháng 6, Trung Quốc hứng chịu các đợt nắng nóng khắc nghiệt trên 40 độ C ở miền Bắc và miền miền Trung. Trong khi đó, tại miền Nam liên tục xảy ra các đợt mưa lũ. Một số nhà máy sản xuất thép tại Trung Quốc đã phải tạm ngừng hoạt động ở một số cơ sở, hoặc giảm công suất để bảo dưỡng sớm hơn bình thường do biên lợi nhuận thấp và hàng tồn kho cao.
Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 6 cũng giảm so với một năm trước đó, do nhu cầu thấp vì các nhà máy thép vẫn đang giảm sản lượng và chịu lỗ. Theo khảo sát mới nhất của Công ty My Steel, công suất thực tế của 247 nhà máy thép Trung Quốc trong tháng 7/2022 chỉ đạt khoảng 85%.
Ông Alistair Ramsay - Phó Chủ tịch Rystad Energy, cho rằng sự gián đoạn gây ra bởi thời tiết chỉ là tạm thời. Về dài hạn, tình hình sản xuất thép của Trung Quốc vẫn khá tích cực.
“Chúng tôi dự báo sản lượng thép phục hồi trong quý III đạt khoảng 276,6 triệu tấn, và sau đó giảm xuống còn 261,7 triệu tấn trong quý IV do chịu tác động bởi các chính sách kiểm soát môi trường” - ông Alistair Ramsay nói.
Trong nửa đầu năm 2022, sản lượng thép của Trung Quốc đạt gần 527 triệu tấn, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường Việt Nam kỳ vọng trở lại
Theo báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm, VnDirect kỳ vọng việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư công thực hiện tăng và sự nóng lên của thị trường bất động sản, sẽ giúp sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam tăng 5 - 10% so với cùng kỳ.
Theo đó, giá bán thép xây dựng sẽ giảm dần về mức trung bình trong dài hạn, đạt 16,1 triệu đồng/tấn, và về mức 14,5 triệu đồng/tấn trong năm sau. Giá thép xây dựng giảm hạ bớt gánh nặng cho nhiều DN xây dựng khi thép thường chiếm khoảng 20 - 30% chi phí mỗi công trình.
Suốt thời gian dài, biên lợi nhuận của ngành thép chịu nhiều áp lực khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, kèm theo đó là thị trường bất động sản trầm lắng và đầu tư công chưa đạt kỳ vọng.
Tuy nhiên, kênh xuất khẩu vẫn có xu hướng chững lại trong những tháng gần đây, đặc biệt trong mảng tôn mạ, với sản lượng hàng tháng thấp hơn khoảng 30% so với mức đỉnh trong quý IV/2021.
Theo SSI Research, sự sụt giảm về sản lượng như vậy do nhu cầu giảm ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt (đặc biệt là Mỹ và EU). Đây là những thị trường mà trong điều kiện thuận lợi từng chiếm 60 - 70% sản lượng xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam.
Thêm vào đó, xuất khẩu trong nửa cuối năm 2022 cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực từ các biện pháp bảo hộ mà EU áp đặt. EU gần đây đã bổ sung Việt Nam vào nhóm “các nước khác” với hạn ngạch nhập khẩu dành cho nhóm này là 2,1 triệu tấn thép mạ kẽm nhúng nóng (HDG) từ ngày 1/7/2021 - 30/6/2022, và tăng 4%/năm trong 2 năm tới.
Để khắc phục điều này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo những đơn vị, cơ quan thuộc bộ nghiên cứu rà soát và thực hiện việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; Chủ động tiến hành triển khai nhiều giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.
Tính đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp dụng tổng cộng 25 vụ việc phòng vệ thương mại. Những mặt hàng điều tra đa dạng gồm: Các sản phẩm kim loại cơ bản (nhôm, thép, vật liệu hàn), hóa chất (sorbitol, sợi filament, màng BOPP). Trong đó nhiều sản phẩm có mối quan hệ mật thiết và đặc biệt quan trọng tới đời sống của người nông dân (sản phẩm đường, bột ngọt (liên quan tới cây mía), bột ngọt (liên quan tới cây sắn).
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác cuối năm, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Lê Triệu Dũng chia sẻ: “Cứ 2 tuần, chúng ta lại phải ứng phó với một vụ việc phòng vệ thương mại mới của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Không chỉ những mặt hàng có kim ngạch lớn mà các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ có ảnh hưởng tới đời sống của người dân cũng bị điều tra phòng vệ thương mại”.
“Nguyên nhân chính do phòng vệ thương mại là lĩnh vực mới đối với hầu hết DN Việt Nam. Phần lớn DN Việt là vừa và nhỏ, trong khi phòng vệ thương mại là lĩnh vực phức tạp, mang tính pháp lý cao đòi hỏi nhiều nguồn lực để xử lý…” - đại diện Cục Phòng vệ thương mại thông tin.
Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị