Gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái đang trở thành mối nguy đối với sản xuất trong nước. Trong đó, tình trạng gian lận thương mại trong ngành sản xuất tôn, thép đang đẩy các doanh nghiệp sản xuất nội địa vào nguy cơ phá sản.
Mất 900 tỷ đồng vì hàng giả, hàng nhái
Thống kê từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho thấy, tại Việt Nam có khoảng 15 công ty lớn và một số cơ sở nhỏ sản xuất tôn thép mạ và phủ màu với tổng năng lực lên tới 4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu năm 2014, ngành tôn thép Việt Nam mới phát huy được khoảng 60% công suất và xuất khẩu hơn 660.000 tấn. Trong khi đó, 9 tháng đầu năm nay, 146 công ty thương mại đã nhập khẩu gần 500.000 tấn tôn các loại, chủ yếu từ Trung Quốc (80%) để tiêu thụ trong nước. Dự kiến, năm 2014, lượng tôn nhập khẩu lên tới 700.000 tấn, tăng 100.000 tấn so với năm 2013.
Thị trường tôn thép mạ, đặc biệt là tôn sơn phủ màu được sử dụng rất rộng rãi trong thời gian gần đây, từ nông thôn tới thành thị. Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA, người tiêu dùng gần như không thể phân biệt được chất lượng của tôn thép mạ và phủ màu như độ dày, chất lượng mạ… Cũng bởi vậy mà tình trạng tôn nhái, tôn giả đã xuất hiện tràn lan, gây nhức nhối trong cộng đồng doanh nghiệp.
Cụ thể, các đối tượng nhập tôn Trung Quốc về, sau đó in, phun nhãn mác, thương hiệu tôn của các doanh nghiệp uy tín trong nước hoặc sản xuất gia công và ăn bớt độ dày của tôn. Ví dụ, trên cuộn tôn ghi độ dày 0,40mm song thực tế, tôn chỉ có độ dày 0,30-0,35mm. Mỗi mét tôn giả, người tiêu dùng sẽ bị thiệt từ 4.000-6.000 đồng. Ước tính, tôn giả, tôn nhái đang chiếm khoảng 20% thị phần, tương đương khoảng gần 350.000 tấn, như vậy số tiền người tiêu dùng bị thiệt hại mỗi năm vào khoảng 400 tỷ đồng. Thiệt hại do lượng tôn thép giả gây ra mỗi năm khoảng 900 tỷ đồng.
Thiếu công nghệ, thiết bị kiểm tra?
Nhiều doanh nghiệp tôn thép trong nước lo ngại, nếu tình trạng tôn nhái, tôn giả tiếp tục hoành hành như hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất tôn thép chân chính trong nước đứng trước nguy cơ đóng cửa hoặc buộc phải… làm hàng kém chất lượng.
Ông Trần Việt Hưng, Phó Đội trưởng Đội 4, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, đối với mặt hàng tôn nhập khẩu, sai phạm chủ yếu được phát hiện là về tên hàng hóa, mã số để gian lận thuế, trốn thuế. “Thuế suất giữa các mặt hàng tôn chênh lệch nhau khá lớn, từ 0% đến 20% nên các doanh nghiệp hay khai sai tên hàng và mã số để gian lận, trốn thuế. Hơn nữa, do việc áp mã để tính thuế còn phức tạp nên dẫn đến khi nhập khẩu, doanh nghiệp khai báo một loại, khi bán ra thị trường lại quảng cáo là loại khác. Đây là kẽ hở tạo điều kiện cho các đối tượng gian lận về chất lượng, chủ yếu là độ dày của tôn thép,” ông Trần Việt Hưng cho hay.
Theo ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, có thực trạng trên một phần do sự dễ dãi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, thị trường sắt thép dù có nhiều cơ quan quản lý nhưng lại không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát chất lượng. Hệ thống đo lường chất lượng thép đã có từ lâu nhưng lại chưa có đủ công nghệ, thiết bị để kiểm tra chất lượng. Đặc biệt, các cơ quan quản lý chưa thực sự sát sao dẫn đến tôn giả, tôn nhái tung hoành như hiện nay. Do vậy, theo ông Lê Thế Bảo, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý. Cùng với đó, các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng phải đồng lòng vào cuộc để bảo vệ uy tín, sự sống còn của mình. “Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái trong ngành tôn thép cần kiên trì và lâu dài, không thể ngày một ngày hai mà xong được” ông Lê Thế Bảo nói.
Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen: Nhiều doanh nghiệp buộc phải đồng lõa làm hàng giả
“Tình trạng gian lận trong sản xuất tôn thép khá phổ biến, đã trở thành mối nguy cho ngành sản xuất trong nước. Nếu các doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước, người tiêu dùng không ý thức được đây là vấn đề nghiêm trọng thì nền kinh tế của chúng ta sẽ mất cơ hội khi hội nhập. Đây là vấn đề của cả nền kinh tế. Khi tình trạng làm ăn gian dối được xóa bỏ, nền kinh tế sẽ lành mạnh, các doanh nghiệp phát triển bền vững và nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên. Người làm ăn chân chính mới yên tâm đầu tư, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp muốn làm ăn đàng hoàng nhưng vì quá nhiều doanh nghiệp làm ăn gian dối vẫn tồn tại và sống khỏe nên một số doanh nghiệp cũng phải gian dối theo”.
Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường: Hàng giả, hàng nhái công khai nhưng khó xử lý
“Việc mua bán tôn thép kém chất lượng đang diễn ra công khai nhưng các cơ quan chức năng chưa phát hiện được những trường hợp gian lận số lượng lớn. Lực lượng quản lý thị trường là chủ công trong việc chống hàng giả, hàng nhái nhưng lại không có chức năng chặn xe hay vào công trường xây dựng để kiểm tra. Việc kiểm tra tại chỗ lại khó phát hiện, lấy mẫu thép đi kiểm định thì cần nhiều thời gian, kinh phí.
Thời gian qua, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, xử lý, tịch thu khoảng 10.000 tấn thép và tôn kém chất lượng, riêng thị trường Hà Nội tịch thu gần 200 tấn tôn nhập khẩu nhái nhãn hiệu của các doanh nghiệp có tiếng trong nước. Nhiều đơn vị nhập khẩu rất tinh vi, họ đặt hàng từ các cơ sở sản xuất nước ngoài dập nhái sản phẩm của các nhãn hiệu tôn thép trong nước. Ban chỉ đạo 389 Bộ Công Thương đang xây dựng “Phương án chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng sắp thép xây dựng”. Từ nay đến cuối năm 2015, lực lượng chức năng sẽ tổng kiểm tra mặt hàng này”.
Cách nhận biết tôn thật, giả
Những tấm tôn kém chất lượng thường ghi độ dày là 0,35 hoặc 0,42 thay vì ghi rõ ràng 0,35mm hoặc 0,42mm. Trên những cuộn tôn giả thường có ký hiệu MSC hoặc MC trong chuỗi mã số ký hiệu in ở mặt sau của tấm tôn. Tôn chính hãng có màu sắc nét hơn tôn nhái. Theo lời khuyên của các doanh nghiệp sản xuất tôn chính hãng, khi mua tôn, người tiêu dùng nên đề nghị cơ sở xuất hóa đơn tài chính, như vậy sẽ hạn chế được phần nào việc làm ăn gian dối.
Nguồn tin: ANTĐ