Trước vấn nạn tôn, thép giả, nhái đang hoành hành, ngày 26/11, các doanh nghiệp thép cùng các hiệp hội, cơ quan chức năng đã bàn bạc, tìm giải pháp quyết chiến với vấn nạn này.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng kể, ông đã từng mục sở thị lô thép giả, thấy có cây thép chịu lực trong xây dựng mà vết nứt ngang thân quá nửa. “Điều gì sẽ xảy ra cho tuổi thọ và an toàn công trình xây dựng từ những vật liệu kém chất lượng như vậy?”, ông Hùng lo lắng.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Văn Sưa, bằng mắt thường rất khó xác định chất lượng mạ, phủ, độ dày của tôn, thép. Lợi dụng đặc điểm này, các đối tượng làm ăn gian dối đã in nhãn mác giả, lấy cắp thương hiệu của các doanh nghiệp uy tín để in lên hàng nhái, kém chất lượng hoặc “đôn rem” độ dày tôn từ 2,8 mm lên thành 3,5 mm, bớt đường kính của thép đi 0,5-0,8 mm...
"Tôn, thép giả, nhái đang gây nhiều hệ lụy cho Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng. Vì vậy, cả xã hội cần chung tay ngăn chặn vấn nạn này“. Ông Nguyễn Văn Sưa Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam |
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen thông tin thêm: “Cuộn tôn bị “đôn rem” thường có ký hiệu MSC hoặc MC trong chuỗi ký hiệu in mặt sau tấm tôn; Tôn có chất lượng thường viết đầy đủ độ dày là 0,35 mm hoặc 0,4 mm, còn hàng “đôn rem” thường chỉ ghi 0,35 hoặc 0,4. Thế nhưng, ít người tiêu dùng chú ý đến điều này, mà chỉ quan tâm đến giá cả”, ông Vũ nói.
Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen tính toán, mỗi mét tôn giả, người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại 4 - 6 nghìn đồng. Giả sử 20% thị phần tôn trên thị trường là hàng giả, nhái, số tiền người tiêu dùng bị móc túi lên đến 394 tỷ đồng. Cộng với thiệt hại cho ngành Thép ước khoảng 906 tỷ đồng, tiền thất thoát thuế... thì tôn thép giả đang gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
“Cứu mình” không xuể
Các doanh nghiệp ngành Thép cho biết, họ cũng đã tự “cứu mình” trước vấn nạn hàng giả nhưng không xuể. Ông Trịnh Đình Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tôn mạ VNSteel Thăng Long cho biết, Công ty đã áp dụng nhiều giải pháp như: Tăng cường quảng bá, xúc tiến cho người tiêu dùng phân biệt hàng chính hãng với hàng giả; Thực hiện bảo hành sản phẩm; Xây dựng hệ thống phân phối, thường xuyên cải tiến in ấn sản phẩm như in thương hiệu cả hai bên mép dọc chiều dài cuộn tôn, trong đó có một bên in chìm không thể tẩy xóa... nhưng “những cố gắng trên chỉ làm giảm mức độ hàng nhái, hàng giả, chứ chưa giải quyết được triệt để”.
Ông Lê Phước Vũ cũng cho hay, hàng nhái, giả rất tinh vi, doanh nghiệp cứ “xoay” cách này thì vài hôm sau đã bị bắt chước y hệt. “Cần xây dựng khối liên minh vững chắc giữa các doanh nghiệp chân chính, người tiêu dùng và cơ quan quản lý Nhà nước mới có thể đẩy lùi vấn nạn này”, ông Vũ đề xuất.
Thừa nhận việc đấu tranh với tôn, thép giả khá khó khăn do cơ sở kinh doanh thường giấu hàng nhái, giả trong kho; Lực lượng chức năng thiếu công nghệ, thiết bị kiểm tra... Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nguyễn Trọng Tín cũng đề xuất, cần tăng cường phối hợp giữa hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất tôn, thép với cơ quan chức năng để ngăn chặn vấn nạn này.