Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Những cái chết được báo trước

- Trong 5 tháng gần đây, nhờ những chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ của Chính phủ, thị trường thép Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, ngành thép phát triển rất khả quan, tăng trưởng ở hầu hết các mặt hàng thép sản xuất trong nước.

Có thể nói, ngành thép đã qua cơn hiểm nghèo và đang trên đà tăng trưởng. Khi giá thép liên tục tăng. Sự tăng trưởng liên tục, mạnh mẽ với giá thép ngày một tăng lại là liều thuốc kích thích cho nhiều dự án thép và nguy cơ mất cân đối giữa sản xuất với tiêu thụ thép đang hiện ra rõ mồn một trước các nhà quản lý. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VFA), nhu cầu thép cho giai đoạn 2009- 2010 chỉ khoảng 4 triệu tấn nhưng đến nay tổng công suất của các nhà máy thép trong nước đã đạt 7 triệu tấn. Như thế, hoặc là các nhà máy sẽ phải hoạt động với chỉ 60% công suất hoặc là phải tìm cách bán 3 triệu tấn thép dư thừa ra ngoài nước mà phương án thứ hai khó khả thi vì chi phí sản xuất phôi thép ở Việt Nam cao gần gấp 2 lần thế giới.

Thực ra, chuyện cung vượt cầu về thép đã được cảnh báo từ khi câu chuyện các dự án thép tăng vọt, nhất là dự án ngoài quy hoạch. Đến thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng 100 dự án ngành thép đã được cấp phép và nếu tất cả các dự án đang đăng ký đi vào hoạt động hết công suất thì Việt Nam có tới 40 triệu tấn thép mỗi năm, gấp 10 lần khả năng tiêu thụ trong nước hiện nay.

Cái đáng buồn là 40% các dự án thép và phôi thép có quy mô nhỏ dưới 100.000 tấn/năm với công nghệ cũ kỹ, lạc hậu. Xem ra bài học từ các dự án  xi măng lò đứng hay nhà máy đường trước đây chưa được các địa phương chịu học.

Nói là địa phương vì theo quy định các dự án có quy mô từ 1.500 tỷ đồng trở lên do Chính phủ cấp phép còn các dự án quy mô dưới mức này do tỉnh thẩm định cấp phép. Lợi dụng quy định này, các chủ đầu tư triển khai các dự án dưới 1.500 tỷ đồng để địa phương cấp phép và tình trạng các giấy phép loại này vượt quá quy hoạch là dễ hiểu. Vì quy mô nhỏ, đầu tư ít nên công nghệ lạc hậu. Nhiều trường hợp công nghệ Trung Quốc không còn sử dụng lại được doanh nghiệp nhập về. Doanh nghiệp địa phương nhập về các lò điện công suất 20-30 tấn/mẻ và lò cao 200-300 m3 trong lúc đó loại này Trung Quốc thải ra để thực hiện quy định lò điện công suất phải 50 tấn/mẻ và lò cao 1.000 m3 trở lên mới được xây mới. Các lò thép công suất nhỏ doanh nghiệp nhập về thường tiêu tốn điện, nhiên liệu nhiều hơn lò tiêu chuẩn. Lượng than tiêu hao gấp 2 lần lò tiêu chuẩn. Lượng dầu tiêu thụ cho mỗi tấn thép cán cũng gấp 2 lần lò tiêu chuẩn… Theo đánh giá của VSA, có khoảng 30% doanh nghiệp thép đang sử dụng công nghệ lạc hậu, 40% dùng công nghệ trung bình và chỉ có 20% dùng công nghệ hiện đại. Chỉ 5 năm nữa thôi các nhà máy sử dụng công nghệ lạc hậu không thể cạnh tranh được và bị loại khỏi cuộc chơi.

Một điểm rất đáng chú ý nữa là ngành luyện thép rất ô nhiễm môi trường, tiêu thụ điện năng lớn. Vì thế việc tiếp nhận các dự án nhỏ, công nghệ lạc hậu sẽ làm tăng ô nhiễm, tiêu hao nhiều điện, nước.

Cũng giống như sự phát triển sân golf vừa qua ở nước ta, ngành thép thiếu một sự điều khiển thống nhất từ trên xuống cho một mục tiêu phát triển bền vững. Tình trạng ồ ạt cấp phép cho các dự án thép bất chấp quy hoạch cũng chẳng khác gì số sân golf mọc lên tràn lan gấp hàng chục lần bình quân của thế giới cho thấy công tác kế hoạch đầu tư của ta thực sự có vấn đề.

Rồi cũng như sân golf, sẽ có các dự án thép phải xóa bỏ càng sớm càng tốt vì nếu không khi cung lớn hơn gấp nhiều lần cầu về thép thì sự đóng cửa nhà máy sẽ là tất yếu. Chỉ e lúc đó chỉ thu về những đống… gỉ mà thôi. Và cái chết của những nhà máy thép ấy là những cái chết được báo trước.

(KT&ĐT)

ĐỌC THÊM