Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa đề xuất một số biện pháp nhằm kích cầu tiêu thụ thép sản xuất trong nước, đồng thời hạn chế tác động xấu của thép nhập ngoại.
Điểm đáng chú ý trong các đề xuất của VSA chính là việc giám sát chặt chẽ tình trạng nhập khẩu thép trước lúc thông quan thay cho cách "thông quan trước, hậu kiểm sau" như hiện nay.
Chủ tịch VSA cho biết, đối với thép cuộn xây dựng, VSA đề xuất 3 biện pháp rất cụ thể để tránh tình trạng gian lận thương mại.
Đó là cho tiến hành kiểm hóa lấy mẫu kiểm tra chất lượng 100% trước khi thông quan để tránh hiện tượng khai gian dối là thép que hàn, thép hợp kim để được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu thấp; bắt buộc thép cuộn nhập khẩu phải nhập qua đường chính ngạch để kiểm soát chặt nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm và thép cuộn nhập từ các nước ASEAN sẽ phải nộp thuế 15% theo quy định MFN (quy định Tối huệ quốc).
Sau khi có đủ hồ sơ chứng minh đủ hàm lượng ASEAN (là 40%) mới được hoàn thuế nhập khẩu.
Đề xuất này xuất phát là từ thực tế kinh tế toàn cầu suy thoái, các nước sản xuất thép đang dư thừa lượng thép thành phẩm rất lớn và đang tìm mọi cách xuất khẩu sản phẩm thép.
Tại thị trường Việt Nam, trong những tháng đầu năm 2009, thép cuộn nhập khẩu từ các nước ASEAN và Trung Quốc tăng đột biến với giá bán thấp hơn giá thép sản xuất trong nước nhờ thuế suất thuế nhập khẩu thấp, đã khiến sản xuất thép cuộn trong nước bị đình đốn.
Theo biểu thuế nhập khẩu, thép cuộn nhập từ Trung Quốc và các nước khác ngoài ASEAN, thép các-bon thông thường làm thép xây dựng có mức thuế nhập khẩu từ ngày 1/4/2009 là 15% (trước đó là 12%).
Tuy nhiên, khi đạt hàm lượng 40% sản xuất tại ASEAN, hay đó là thép hợp kim, thép làm lõi que hàn thì thép xây dựng được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0-5%.
Dĩ nhiên, những kẽ hở này đã nhanh chóng được nhiều doanh nghiệp nhập khẩu "vận dụng" để được hưởng mức thuế nhập khẩu thấp, gây thất thu cho ngân sách nhà nước và tạo cạnh tranh không lành mạnh với thép sản xuất trong nước.
Thư kiến nghị của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài gồm Vinakyoei, Vinausteel, SSE Steel, VPS, Sunco gửi tới các cơ quan hữu trách cũng cho hay, các thương gia nhập khẩu thép thành phẩm từ ASEAN, có Form D đã vận dụng mã hàng hóa nhóm 7213 có thuế suất là 0% thay vì phải áp mã hàng hóa thuộc nhóm 7214 có thuế suất là 5%.
Nguyên do là quy định hàng thuộc hai nhóm này bằng tiếng Việt hoàn toàn giống nhau về bản chất, nhưng trong bản có tiếng Anh lại khác nhau. Trong khi đó, nhập khẩu phôi thép từ các nước ASEAN cũng phải chịu thuế 5% nên vô hình trung quy định hiện hành đã tạo ưu ái cho nhập khẩu thép thành phẩm.
Kiến nghị của VSA còn liên quan tới thép cuộn hợp kim khác có mã HS 7227.90.00. Theo VSA, có hiện tượng nước xuất khẩu đưa nguyên tố hợp kim vi lượng (chất Bo) vào thành phẩm thép để được coi là thép hợp kim, hưởng mức thuế suất thuế xuất khẩu thấp (0-5%) trong khi thực tế, loại thép này vẫn chỉ dùng làm thép xây dựng.
Các nước ASEAN thành công trong việc đưa ra các biện pháp đối phó và phối hợp với Hiệp hội Thép Trung Quốc để ngăn chặn nhập khẩu loại thép. VSA cũng đã yêu cầu Hiệp hội Thép Trung Quốc phối hợp và đang tập hợp danh sách các công ty Trung Quốc sản xuất các loại sản phẩm này xuất khẩu sang Việt Nam để phối hợp can thiệp như đã làm với các nước ASEAN.
Cũng để ngăn chặn lách luật của các doanh nghiệp nhập khẩu thép, VSA đã đề xuất, đánh thuế suất thuế nhập khẩu 15% đối với thép cuộn hợp kim khác và chỉ khi nào doanh nghiệp khẩu chứng minh được địa chỉ sử dụng loại thép hợp kim đó vào đúng đối tượng, không phải làm thép xây dựng thì mới được hoàn thuế.
Ngoài ra, sẽ kiểm tra các lô thép cuộn đã nhập khẩu làm thép xây dựng được khai báo là thép hợp kim để truy thu thuế cho Nhà nước, bảo đảm sự công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.
Hiện tại, các sản phẩm thép sản xuất trong nước đều ở tình trạng cung vượt cầu. Công suất lắp đặt thép xây dựng khoảng 7 triệu tấn/năm, nhưng nhu cầu chỉ là 4 triệu tấn/năm. Thép cán nguội có công suất 2 triệu tấn/năm trong khi nhu cầu là 1,2 triệu tấn/năm. Tôn mạ kim loại và sơn phủ màu công suất lắp đặt 1,4 triệu tấn/năm còn nhu cầu là 800.000 tấn/năm. Ống thép hàn đường kính 12,2 - 219mm có công suất lắp đặt 1,2 triệu tấn/năm trong khi nhu cầu là 600.000 tấn/năm.
(Vinanet)