Theo Bộ Công Thương, hoạt động thương mại đang là một trong những điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế Việt Nam, khi tăng trưởng xuất khẩu đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua, trong khi đó nhập khẩu được kiểm soát và cán cân thương mại đạt mức thặng dư khá lớn.
Xuất khẩu nhiều mặt hàng tăng ấn tượng
Theo Bộ Công Thương, trong tháng 11/2017, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 200 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất siêu của Việt Nam trong 11 tháng năm 2017 lên mức 2,76 tỷ USD, chiếm 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Liên quan đến thị trường xuất khẩu, trong 11 tháng đầu năm, nhiều nhóm hàng tăng trưởng ấn tượng. Theo đó, về xuất khẩu gạo, trong 11 tháng năm 2017 ước đạt 5,5 triệu tấn, tăng 24,1% so với cùng kỳ 2016, trị giá đạt 2,5 tỷ USD, tăng 24,9%.
Đáng chú ý, mặc dù gặp nhiều khó khăn khi nhiều quốc gia chuyển sang chính sách tự cung tự cấp lương thực, tuy nhiên, xuất khẩu gạo của nước ta vẫn tăng trưởng mạnh (11 tháng tăng 24,1% về lượng và 24,9% về trị giá so với cùng kỳ 2016), do tác động của biến đổi khí hậu khiến nguồn cung gạo tại một số nước giảm qua đó làm tăng nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường tiêu thụ chính như: Trung Quốc, Malaysia, Philippin, Hàn Quốc… Đặc biệt việc mở rộng xuất khẩu gạo tới các thị trường mới như: Bangladesh, Irắc… cũng góp phần đưa xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh vượt kỳ vọng trong năm nay.
Theo Bộ Công thương, cơ cấu gạo xuất khẩu tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực. Xuất khẩu giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình và cấp thấp, nhưng tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp, các loại gạo chất lượng cao, giá trị cao (gạo nếp, japonica, gạo lứt), phù hợp với định hướng phát triển thị trường xuất khẩu.
Hoạt động thương mại đang là một trong những điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh minh họa
Trong đó, lượng gạo thơm xuất khẩu tăng mạnh do Irắc đẩy mạnh nhập khẩu với 30 nghìn tấn gạo thơm và Ả Rập Xê út nhập khẩu 18,78 nghìn tấn gạo thơm của Việt Nam. Tương tự, gạo lứt xuất khẩu tăng là do Hàn Quốc đẩy mạnh nhập khẩu với 12 nghìn tấn gạo lứt trong tháng 10/2017.
Đối với xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đều đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Trong đó, những mặt hàng có kim ngạch cao là mặt hàng máy tính, linh kiện điện tử và điện thoại, linh kiện điện thoại.
Trong 11 tháng năm năm, máy tính, linh kiện điện tử và điện thoại, linh kiện điện thoại là hai mặt hàng có đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch xuất khẩu (tăng khoảng 16 tỷ USD so với 11 tháng năm 2016).
Điện thoại các loại và linh kiện: đạt 41,29 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ, tương đương mức tăng tuyệt đối 9,7 tỷ USD. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: đạt 23,6 tỷ USD, tăng 38,1% so với cùng kỳ, tương đương mức tăng tuyệt đối 6,5 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương cũng cho biết, các thị trường xuất khẩu chính có mức tăng tương đối mạnh. Thị trường Châu Á là thị trường cũ, tuy nhiên ước xuất khẩu 11 tháng có mức tăng khá với cùng kỳ năm 2016 (30,8%), chiếm tỷ trọng 52,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong khi đó, thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch nhập khẩu trong 11 tháng năm 2017 tăng đáng kể so với cùng kỳ, xấp xỉ 21%, thị trường Châu Á có mức tăng mạnh 22,2% và chiếm 81% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Tiếp tục bám sát thị trường để có các phương án sản xuất tối ưu
Theo dự báo của Bộ Công Thương, tình hình sản xuất các mặt hàng nguyên vật liệu và lương thực, thực phẩm thiết yếu gặp khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh. Dự báo giá cả của nhóm hàng sẽ tăng nhẹ trong tháng 12.
Bên cạnh đó, một số hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quản lý giá tiếp tục điều chỉnh theo lộ trình. Trong tháng cuối năm, sức mua sẽ tăng trưởng cao hơn những tháng đầu năm do chuẩn bị cho lễ tết...; các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, các hoạt động hưởng ứng "Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam" tiếp tục được triển khai rầm rộ hơn, nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá được thực hiện...
Đưa ra các giải pháp trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng cho biết, sẽ khẩn trương và tích cực tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty trong các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế để khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh lớn của nền kinh tế.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo để tái cơ cấu mạnh mẽ hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất lớn của nền kinh tế như sản xuất đồ uống, hóa chất, điện lực, than khoáng sản, dầu khí... Đây vừa là giải pháp mang tính trước mắt nhằm tiết giảm chi phí quản trị, nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh vừa là giải pháp mang tính lâu dài để bảo đảm sự phát triển bền vững, phục vụ cho tăng trưởng bền vững của nền kinh tế trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, tiếp tục bám sát diễn biến của thị trường để có các phương án sản xuất kinh doanh tối ưu nhằm đóng góp tốt hơn cho tăng trưởng GDP.
Bên cạnh các lĩnh vực trong ngành khai khoáng như dầu thô, than đá..., cần bám sát diễn biến của thị trường để có phản ứng chính sách cũng như điều tiết cụ thể trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất trong nước bảo đảm hiệu quả tối ưu và đóng góp tốt hơn cho tăng trưởng GDP.
Ngoài ra, tiếp tục bám sát thị trường, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước (đặc biệt là các ngành như: thép, ô tô, phân bón, hóa chất...) để tiếp tục gia tăng sản lượng, giải phóng lực lượng sản xuất gắn liền với đổi mới cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh…
Nguồn tin: vnMedia