9 doanh nghiệp lãi trên nghìn tỷ trong 9 tháng đầu năm đã tạo ra tổng cộng gần hơn 25 nghìn tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Mùa báo cáo tài chính quý 3 đang diễn ra và ngày càng nhiều doanh nghiệp công bố lợi nhuận biến động mạnh so với cùng kỳ. Có nhiều doanh nghiệp một đồng vốn sinh một đồng lãi và cũng có một số doanh nghiệp vẫn loay hoay với lỗ. Bài viết này chúng tôi đề cập tới những doanh nghiệp trên sàn chứng khoán (không tính các ngân hàng thương mại) tạo ra hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2016.
Đầu tiên phải kể đến Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk-mã chứng khoán VNM). Doanh nghiệp hàng đầu ngành sữa này đạt mức tăng trưởng doanh thu đáng mơ ước đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh trong 9 tháng đầu năm nay. Sự bứt phá ở thị trường nước ngoài là thị trường mà Vinamilk kỳ vọng là động lực thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp trong nhiều năm tiếp theo cũng là nhân tố giúp Vinamilk thành công trong 9 tháng đầu năm.
9 tháng đầu năm 2016, Vinamilk đạt tăng trưởng doanh thu 18% so với 9 tháng năm 2015. Lợi nhuận sau thuế đạt 7.535 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, Vinamilk đạt EPS (thu nhập trên mỗi cổ phần) 4.697 đồng/cổ phiếu và sắp sửa cán đích lợi nhuận sau thuế cả năm 2016 mà Đại hội cổ đông giao phó.
Vinamilk hiện đứng đầu về con số lợi nhuận trong khối doanh nghiệp tư nhân niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tiếp đến là một cái tên trong ngành thép-Hòa Phát (mã chứng khoán HPG). Năm 2016 là năm đánh dấu sự bứt phá mạnh mẽ của doanh nghiệp này khi mà doanh thu thuần 9 tháng đầu năm đã vượt ngưỡng tỷ đô còn lợi nhuận sau thuế tăng 58% so với cùng kỳ, lên 4.656 tỷ đồng. Hòa Phát đạt EPS 5.521 đồng cho kỳ 9 tháng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Hòa Phát vượt mốc 4.000 tỷ lợi nhuận ròng chưa đầy một năm.
Thành công này của Hòa Phát có được phần lớn là nhờ nhóm ngành sản xuất kinh doanh thép của công ty bao gồm hai sản phẩm chiến lược là thép xây dựng và ống thép có mức tăng trưởng khá so với năm trước.
Giá dầu sau khi lao dốc không phanh trong những tháng cuối năm 2015 đã tạo đáy vào đầu năm nay. Giá dầu Brent từ mức đáy 35 USD/thùng đã tăng trở lại gần 50%, hiện dao động quanh mức 50 USD/thùng. Giá dầu là yếu tố lớn nhất tác động đến kinh doanh của PV Gas (mã chứng khoán GAS). PV Gas từng là “ông vua” trên sàn chứng khoán với hàng loạt cái nhất nhưng nay lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. 9 tháng đầu năm 2016, PV Gas lãi sau thuế 4.461 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2015. Dù sụt giảm sâu, lợi nhuận mà PV Gas đạt được cũng đứng thứ 3 sàn niêm yết.
Là một tập đoàn đa ngành, Masan (mã chứng khoán MSN) đạt 30.148 tỷ đồng doanh thu thuần – tăng 58% so với cùng kỳ cho kỳ kinh doanh 9 tháng đầu năm 2016. Trong đó, doanh thu từ thức ăn chăn nuôi đạt hơn 17.570 tỷ đồng – tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
Masan đạt lợi nhuận sau thuế 2.533 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2016, tăng 17% so với cùng kỳ trong đó phần lợi nhuận chia cho cổ đông công ty mẹ đạt 1.847 tỷ đồng.
Masan đứng thứ 4 về lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm trong khối doanh nghiệp tư nhân niêm yết.
Hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, 9 tháng đầu năm nay, FPT không đạt tăng trưởng doanh thu do mảng sản xuất, phân phối, bán lẻ sản phẩm công nghệ là mảng chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất (khoảng 50-60% doanh thu thuần) bị sụt giảm 14% so với cùng kỳ. Doanh thu thuần 9 tháng đầu năm của FPT đạt 27.180 tỷ đồng, giảm hơn 300 tỷ so với cùng kỳ năm 2015.
Dù doanh thu thuần sụt giảm nhưng FPT vẫn đứng thứ 5 sàn niêm yết về lợi nhuận với 1.744 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2015, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2015.
Vingroup (mã chứng khoán VIC) cũng là doanh nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng rất cao cho kỳ kinh doanh 9 tháng đầu năm 2016. Sự đóng góp của những ngành nghề kinh doanh mới bên cạnh ngành “truyền thống” là bất động sản đã giúp Vingroup đạt mức tăng trưởng doanh thu 80% so với cùng kỳ.
Cùng với sự tăng trưởng mạnh về doanh thu, Vingroup đạt lợi nhuận sau thuế 3.094 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2015 trong đó LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.719 tỷ đồng.
Ngoài 6 doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao trên 1.500 tỷ đồng kể trên thì còn khá nhiều doanh nghiệp cán đích lợi nhuận nghìn tỷ như Kido (mã chứng khoán KDC); “ông vua” ngành bán lẻ hàng công nghệ Thế giới di động (mã chứng khoán MWG). Ngoài ra, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) cũng đạt lợi nhuận 1.050 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2016.
Khá nhiều doanh nghiệp xấp xỉ ngưỡng nghìn tỷ là Đạm Phú Mỹ (DPM) và Coteccons (mã chứng khoán CTD).
Nguồn tin: Cafebiz