Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Những dự án thép hàng tỉ đô la Mỹ trở lại

Sau hơn hai năm tạm ngưng triển khai các dự án thép có quy mô lớn hàng tỉ đô la Mỹ giờ đây các nhà đầu tư đang trở lại để triển khai; đồng thời các nhà đầu tư mới tiếp tục đến với các dự án thép có quy mô lớn khác. Với khá nhiều dự án thép được cấp phép tính đến thời điểm này, tổng công suất đã vượt gấp đôi quy hoạch.

Thêm nhà đầu tư mới nhảy vào

Mới đây, Công ty chế tạo thép Nhật Bản Kobe Steel cho biết vừa được Chính phủ cho phép triển khai dự án đầu tư nhà máy thép với tổng vốn 1 tỉ đô la Mỹ tại tỉnh Nghệ An. Nhà máy sẽ sử dụng nguồn nguyên liệu được khai thác từ quặng sắt ở mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh. Dự án có tổng công suất là 2,4 triệu tấn/năm.

Kobe Steel có kế hoạch bán các sản phẩm của nhà máy tại Việt Nam, xuất khẩu trở lại Nhật Bản và mở rộng ra thị trường các nước châu Á khác. Dự kiến tháng 1-2011, Kobe sẽ khởi công xây dựng nhà máy đầu tiên tại khu công nghiệp Hoàng Mai và năm 2013, nhà máy sẽ đi vào hoạt động.

Vị trí đặt quảng cáo

Không chỉ có Kobe Steel mới đến, tập đoàn Danieli, nhà sản xuất cung cấp thiết bị lớn cho ngành thép đến từ Ý, giờ đây cũng chính thức bước chân vào ngành sản xuất thép Việt Nam với vai trò là nhà đầu tư sau khi tham gia góp vốn vào một dự án hàng trăm triệu đô la Mỹ dự kiến được xây dựng tại khu công nghiệp Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo đó, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) vừa hoàn tất việc chuyển nhượng 19,5% cổ phần của mình trong dự án thép tấm cán nóng công suất 2 triệu tấm/năm cho Industrielle Beteilingungs SA, một thành viên của tập đoàn Danieli.

Nhà máy cán thép tấm nóng đầu tiên tại Việt Nam có tổng mức đầu tư 550 triệu đô la Mỹ. Dự kiến nhà máy này sẽ được khởi công vào cuối năm nay và hoàn thành đưa vào sản xuất sau 36 tháng.

VNSteel cũng ký biên bản ghi nhớ với TATA Steel (Ấn Độ) về hợp tác xây dựng dự án nhà máy thép liên hợp quy mô 4,5 - 5 triệu tấn thép/năm, với vốn đầu tư vào khoảng 4 tỉ đô la Mỹ tại tỉnh Hà Tĩnh. Nhà đầu tư TATA vẫn cam kết theo đuổi kế hoạch đầu tư dự án này.

Trong khi đó, Tập đoàn JFE – nhà sản xuất thép lớn thứ hai Nhật Bản cũng đang nghiên cứu để phát triển dự án nhà máy thép liên hợp tại khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Dự kiến nhà máy được đầu tư có tổng công suất 6 - 10 triệu tấn thép thô/năm, vốn đầu tư khoảng 5 tỉ đô la Mỹ.

Sản xuất tại một nhà máy thép -Ảnh: Quốc Hùng

Và nhà đầu tư cũ trở lại

Tương tự, sau một thời gian dài ngưng triển khai dự án do khó khăn về vốn bởi ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế, một số nhà đầu tư đã có dự án được cấp phép giờ đây cũng đang quay trở lại để tiếp tục thực hiện.

Công ty TNHH Guang Lian Steel Việt Nam, chủ đầu tư dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất, cho biết sẽ tiến hành thực hiện công trình tại khu kinh tế Dung Quất sớm trong năm nay.

Ông Hsueh Hung Yi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Guang Lian Steel Việt Nam đã khẳng định như trên với đoàn công tác của Bộ Công Thương gần đây.

Đây là liên doanh giữa hai doanh nghiệp Đài Loan gồm Tycoons và E-United đầu tư. Công trình có vốn đầu tư 3 tỉ đô la Mỹ này (dự kiến sẽ tăng vốn lên thành 4,5 tỉ đô la Mỹ trong thời gian tới) có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 3 triệu tấn/năm và 5 triệu tấn/năm cho giai đoạn 2.

Không chỉ nhà đầu tư chưa triển khai dự án mà ngay cả nhà đầu tư đã có nhà máy lại tiếp tục đổ vốn vào thép ở Việt Nam. Cụ thể như tập đoàn Posco (Hàn Quốc) dự kiến triển khai một dự án sản xuất thép cao cấp, có thể dùng cho công nghiệp đóng tàu, sản xuất máy bay... tại tỉnh này.

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 700 triệu đô la Mỹ và đang trong quá trình thẩm định. Nếu được thông qua, đây sẽ là dự án thứ hai của Posco tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tháng 10-2009, tập đoàn này đã khánh thành nhà máy thép cán nguội lớn nhất Đông Nam Á tại đây với công suất 1,2 triệu tấn/năm.

Vượt gấp đôi quy hoạch

Với những động thái trên, chứng tỏ các nhà đầu tư mới và cũ đang quay trở lại Việt Nam để thực hiện dự án thép hàng tỉ đô la Mỹ mà vốn trước đây các chuyên gia dự báo là Việt Nam đang bị quá tải các dự án thép với nguy cơ khủng hoảng thừa và ảnh hưởng đến môi trường sống.

Theo các chuyên gia, trong 3 năm qua, Việt Nam thu hút rất nhiều dự án thép với mỗi dự án lên đến hàng tỉ đô la Mỹ và khi cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu diễn ra, thì những dự án này được xem là bị tác động tức thì. Một số chủ đầu tư dự án lập tức cho ngưng triển khai dự án vì khó huy động được vốn. Điều đó được Bộ Công Thương chứng minh là hàng loạt dự án thép được cấp phép đã bị chậm triển khai đến 2-3 năm trong đó lỗi một phần do chậm khâu giải phóng mặt bằng, nhưng vấn đề then chốt dẫn đến việc ì ạch triển khai là thiếu vốn.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong thời gian qua, ngoài các nguyên nhân thiếu vốn, thiếu mặt bằng, một nguyên nhân sâu xa khác dẫn đến việc các dự án thép lớn bị chậm tiến độ chính là các địa phương chạy theo thành tích thu hút vốn đầu tư, không thẩm tra, đánh giá đúng năng lực tài chính, kinh nghiệm chuyên môn thực sự của các chủ đầu tư trước khi cấp phép. Có trường hợp một số nhà đầu tư có được giấy phép không có khả năng thực hiện đã chuyển nhượng hoặc bán dự án lại cho nhà đầu tư khác.

Căn cứ vào tốc độ tăng nhu cầu tiêu thụ thép của nền kinh tế Việt Nam được nêu trong quy hoạch ngành thép giai đoạn 2007-2015 (có xét đến năm 2025) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007, thì tới năm 2020 Việt Nam cũng mới chỉ đặt mục tiêu sản xuất 15 - 18 triệu tấn thép/năm.

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), quy hoạch phát triển ngành thép đến năm 2025 với tổng công suất 20 triệu tấn/năm, tuy nhiên tính đến thời điểm này, số lượng dự án thép được cấp phép trên cả nước đã có tổng công suất lên đến 40 triệu tấn/năm, vượt gấp đôi so với quy hoạch.

“Điều đáng lo ngại nhất là việc cấp phép dự án thép tràn lan đã vượt quá công suất trong quy hoạch ngành thép, thiếu sự nghiên cứu kỹ lưỡng kết hợp cân đối giữa sự phát triển của các ngành khác như điện, nước, cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, cảng biển”, ông Nghi nhận định.

Một vấn đề quan trọng nữa, theo các chuyên gia lo ngại là công nghệ sản xuất. Vấn đề thẩm định công nghệ sản xuất cần phải nghiên cứu rất kỹ để Việt Nam tránh phải gánh chịu công nghệ thiết bị lạc hậu và ô nhiễm môi trường. Điều này cần phải có các thủ tục thẩm định kỹ càng và các cơ quan quản lý ngành, các chuyên gia cần đưa ra ý kiến phản biện để tránh tình trạng cấp phép đầu tư ồ ạt, chạy theo số lượng mà không quan tâm đến chất lượng dự án, phá vỡ cân đối tổng thể về cung cấp năng lượng nguyên liệu và thị trường vốn đã được tính toán rất chi tiết trong quy hoạch phát triển ngành thép.

(TBKTSG Online)

ĐỌC THÊM