Kim ngạch nhập khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất trong 5 tháng/2017 đạt 53,98 tỷ USD, chiếm 65,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước. Trong đó, có 17/54 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, tăng 1 nhóm hàng so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất 5 tháng/2017 so với cùng kỳ năm 2016.
Các nhóm hàng có biến động mạnh trong 5 tháng/2017 chủ yếu gồm: Hạt điều tăng 125,3%; dầu thô tăng 120,3%, cao su tăng 90,1%; hàng rau quả tăng 79,1%, phế liệu sắt thép tăng 79,1%; than đá tăng 58,3%; bông các loại tăng 49,9%... so với cùng kỳ năm trước.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng xuất xứ từ Hàn Quốc tăng 128,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này trong tháng 5/2017 đạt kim ngạch đạt 3,46 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng này trong 5 tháng/2017 đạt 14,95 tỷ USD, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường cung cấp máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng lớn nhất cho Việt Nam là: Hàn Quốc vẫn giữ ngôi đầu, thay thế Trung Quốc với kim ngạch 4,94 tỷ USD, tăng 128,1% so với cùng kỳ năm trước; đứng thứ 2 là Trung Quốc với 4,41 tỷ USD, tăng 29,3%; Nhật Bản đứng thứ 3 với kim ngạch đạt 1,74 tỷ USD, tăng 6,2%.
Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện: Nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 5/2017 đạt 2,96 tỷ USD, tăng 3,8% so với tháng trước, đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 5 tháng/2014 đạt 13,42 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường cung cấp máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cho Việt Nam 5 tháng/2017 chủ yếu gồm: Thị trường Hàn Quốc với 4,93 tỷ USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm trước; thị trường Trung Quốc với 2,68 tỷ USD, tăng 28,7%; Đài Loan là 1,42 tỷ USD, tăng 26%;…
Điện thoại các loại và linh kiện: Nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng 5/2017 đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 1,3% so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong 5 tháng/2017 đạt 5,12 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước.
Điện thoại các loại và linh kiện nhập về Việt Nam 5 tháng/2017 chủ yếu có xuất xứ từ: Trung Quốc với 2,67 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc là 1,9 tỷ USD, tăng 35,1%;…
Nhóm hàng nguyên phụ liệu cho dệt may, da giầy (bao gồm bông các loại; xơ, sợ dệt các loại, vải các loại; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy): Trong tháng 5/2017 đạt gần 2,08 tỷ USD, tăng 12,8% so với tháng trước, đưa kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong 5 tháng đạt 8,47 tỷ USD.
Nhập khẩu nhóm nguyên phụ liệu này trong 5 tháng/2017 chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với 3,57 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước; từ Hàn Quốc với 1,18 tỷ USD, tăng 5,7%, từ Đài Loan là 992 triệu USD, tăng 5,4%, từ Hoa Kỳ là 775 triệu USD, tăng 72,8%.
Sắt thép các loại: Nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 5/2017 đạt 1,23 triệu tấn, trị giá 769 triệu USD, giảm 14,8% về lượng và 11,2% về trị giá so với tháng trước, đưa lượng nhập khẩu nhóm hàng này trong 5 tháng/2017 đạt 6,83 triệu tấn, trị giá 3,97 tỷ USD, giảm 13,6% về lượng và 18,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Sắt thép các loại nhập khẩu về Việt Nam 5 tháng/2017 chủ yếu có xuất xứ từ: Thị trường Trung Quốc với 1,89 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước; thị trường Nhật Bản đạt 557 triệu USD, tăng 26,2%; thị trường Hàn Quốc đạt 492 triệu USD, tăng 32,5%; thị trường Ấn Độ đạt 407 triệu USD, tăng 22,2 lần.
Hạt điều: Cùng với sự tăng trưởng của hạt điều xuất khẩu là nhập khẩu hạt điều nguyên liệu cũng tăng mạnh. Trong tháng 5/2017, kim ngạch nhập khẩu hạt điều đạt 156 nghìn tấn, trị giá 292 triệu USD, tăng 57,2% về lượng và 54,4% về trị giá so với tháng trước. Qua đó đưa kim ngạch nhập khẩu hạt điều trong 5 tháng/2017 đạt 428 nghìn tấn, trị giá 835 triệu USD, tăng 74,6% về lượng và tăng 125% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường cung cấp hạt điều cho Việt Nam trong 5 tháng/2017 chủ yếu gồm: Tanzania với 101 nghìn tấn, trị giá 216 triệu USD, tăng 201,8% về lượng và tăng 292,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; đứng thứ 2 là Campuchia với 84 nghìn tấn, trị giá 168 triệu USD, tăng 14,6% về lượng và 53,3% về trị giá; tiếp theo là Bờ Biển Ngà với 81 nghìn tấn với trị giá 156 triệu USD, tăng 37,6% về lượng và 81,7% về trị giá…
Ô tô nguyên chiếc các loại: Lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại trong tháng 5/2017 đạt 9,9 nghìn chiếc, đạt trị giá 216 triệu USD, tăng 42,7% về lượng và tăng 27,3% về trị giá so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc loại trong 5 tháng/2017 đạt 43,3 nghìn chiếc, trị giá 878 triệu USD, tăng 5,3% về lượng, giảm 10,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Trong 5 tháng/2017, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan với 15,9 nghìn chiếc, trị giá 288 triệu USD, tăng 27,2% về lượng và 27,4% về trị giá; có xuất xứ từ Indonesia với 8,7 nghìn chiếc, trị giá 150 triệu USD, tăng 6,1 lần về lượng và 8,8 lần về trị giá; xe ô tô nguyên chiếc các loại xuất xứ Trung Quốc (chủ yếu là xe tải các loại) đạt 2,7 nghìn chiếc, trị giá 105 triệu USD, giảm 52,2% về lượng và 52,2% về trị giá…
Về loại xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi đạt 23,3 nghìn chiếc, trị giá 831 triệu USD, tăng 37,8% về lượng, và 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; ô tô tải là 15,8 nghìn chiếc, trị giá 313 triệu USD, giảm 12,5% về lượng và giảm 16,8% về trị giá.
Ô tô dưới 9 chỗ ngồi xuất xứ từ Inđônêxia trong 5 tháng/2017 với 7,2 nghìn chiếc tăng mạnh so với con số hơn 100 chiếc của cùng kỳ năm 2016; xuất xứ từ Thái Lan với 5,8 nghìn chiếc tăng 90,5%, xuất xứ từ Ấn Độ đạt 4,9 nghìn chiếc...
Xăng dầu các loại: Kim ngạch nhập khẩu xăng dầu các loại trong tháng 5/2017 đạt 1,12 triệu tấn, trị giá 551 triệu USD, tăng 6,9% về lượng và tăng 1,5% về trị giá so với tháng trước, đưa kim ngạch nhập khẩu xăng dầu các loại trong 5 tháng/2017 đạt gần 5,1 triệu tấn, trị giá gần 2,7 tỷ USD, giảm 4,6% về lượng, nhưng tăng 30,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Xăng dầu các loại được nhập khẩu về Việt Nam trong 5 tháng/2017 chủ yếu có xuất xứ từ Singapore với 2,12 triệu tấn, trị giá 1,05 tỷ USD, giảm 0,6% về lượng nhưng tăng 34,8% về trị giá; xuất xứ từ Hàn Quốc với 1,2 triệu tấn, trị giá 728 triệu USD, tăng 74,6% về lượng, tăng 111,8% về trị giá; xuất xứ Malaysia đạt hơn 1 triệu tấn, trị giá 465 triệu USD, giảm 33% về lượng và giảm 14,9% về trị giá…
Nguồn tin: Hải quan