Đồng USD mạnh lên, kinh tế Trung Quốc chững lại, khủng hoảng Châu Âu gia tăng nằm trong số các thách thức dự kiến đối với các chính trị gia, các nhà hoạch định chính sách và các nhà đầu tư trong năm 2011.
Nguồn: stox
Nằm trong quá trình đánh giá những vấn đề quan trọng của năm tới, Economist Intelligence Unit đã đưa ra một số sự kiện hoặc sự phát triển chính sách có thể có tác động tới không chỉ một quốc gia mà cho cả khu vực và toàn cầu.
1. Khủng hoảng Châu Âu
Cuộc khủng hoảng nợ tại Châu Âu sẽ tiếp tục phủ bóng lên khu vực đồng tiền chung Châu Âu và những nghi ngờ xung quanh sự tồn tại của đồng tiền chung EUR trong dài hạn sẽ không dễ dàng được xóa tan. Trong dự báo chính của EIU, khu vực đồng tiền chung Châu Âu sẽ tránh được sự sụp đổ trong năm 2011 nhưng chắc chắc năm này sẽ chứng kiến những biến động tiếp theo của khu vực Châu Âu.
Ví dụ như Tây Ban Nha sẽ cần thu hẹp khoảng 21% số nợ công của quốc gia này trong năm 2011 bên cạnh việc tài trợ thâm hụt ngân sách hơn 7% GDP. Các ngân hàng Tây Ban Nha cũng sẽ đối mặt với những khoản nợ phải trả khổng lồ. Sự lo lắng của thị trường có thể lại nổi lên vì nhiều lý do, đặc biệt xuất phát từ việc các nhà đầu tư về cơ bản được thuyết phục rằng quỹ cứu trợ được lập ra bởi Liên minh Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, về danh nghĩa trị giá 750 tỷ EUR sẽ không đủ để cứu trợ cho những quốc gia cần tới sự giúp đỡ. Tây Ban Nha có thể không cần tới sự cứu trợ nhưng quy mô nền kinh tế của quốc gia này đồng nghĩa với việc bất kỳ một sự nghi ngờ nào về tương lai của quốc gia cũng thể hiện rủi ro đặc biệt tới sự ổn định của khu vực đồng tiền chung Châu Âu.
2. Thắt chặt
Trong khi sự cần thiết của việc giảm bớt thâm hụt ngân sách sẽ vẫn là thách thức hiển nhiên cho rất nhiều quốc gia thành viên khu vực đồng tiền chung Châu Âu, vấn đề này cũng sẽ trở nên đáng ngại đối với các nền kinh tế lớn khác như Mỹ hay Anh.
Trong năm 2011, chính sách thắt chặt sẽ thể hiện rõ khía cạnh kinh tế và xã hội của nó tại các quốc gia Châu Âu như việc cắt giảm dịch vụ công hay giảm bớt lương nhân công. Các điều kiện kinh tế sẽ trở nên khó khăn hơn bởi thực tế những nền kinh tế hiện đang dẫn dắt sự phục hồi toàn cầu sẽ vấp phải những thử thách trong năm 2011.
Câu hỏi ở đây sẽ là liệu những chính sách được đưa ra để chữa trị cho nền kinh tế bệnh tật có tạo ra nhiều tác động tiêu cực hơn tích cực không, thông qua việc làm suy yếu tăng trưởng kinh tế tới mức các hệ số tài chính xấu đi hoặc ít nhất không thể cải thiện được nhiều như các nhà hoạch định chính sách đã hy vọng. Hơn thế nữa, nếu thắt chặt tài chính bắt đầu gây nguy hại tới sự phục hồi, điều này có thể làm cho các chính phủ trì hoãn việc thực hiện các biện phát thắt chặt cần thiết.
Nước Mỹ cho tới giờ là quốc gia tiên phong trên thế giới khi chính quyền tiếp tục thực hiện một chu kỳ kích thích tài chính mới. Nhưng những lo ngại về sự vững chắc tài chính của nước Mỹ có thể nhanh chóng xấu đi nếu Quốc Hội thất bại trong việc xây dựng một kế hoạch trung hạn đáng tin cậy để đưa chi tiêu của chính phủ trở về tầm kiểm soát.
3. Thị trường trái phiếu
Lợi suất đã tăng vọt trong hai tháng trở lại đây tại các thị trường trái phiếu của các quốc gia phát triển. Mặc dù lợi suất vẫn ở dưới ngưỡng lịch sử, vấn đề nằm ở chỗ liệu sự gia tăng của lợi suất có là dấu hiệu cho thấy sự kết thúc của thị trường trái phiếu sôi động của nước Mỹ. Nếu vậy, điều này sẽ có tác động thế nào tới các thị trường tài sản rủi ro hơn? Liệu khi giá trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ sụt giảm, đẩy lãi suất lên cao, các chính phủ tại các quốc gia mới nổi sẽ chứng kiến chi phí vay nợ của quốc gia mình cũng như chi phí kinh doanh gia tăng?
Lợi suất tăng cao của trái phiếu chính phủ Mỹ cũng sẽ làm suy yếu hoạt động đầu tư vào chứng khoán và hàng hóa cơ bản. Những khó khăn trong việc hiểu được biến động của thị trường trái phiếu chính phủ sẽ bổ sung thêm cho sự không chắc chắn sẵn có của thị trường, khi lợi suất cao hơn có thể phản ánh niềm tin gia tăng vào sự phục hồi của nền kinh tế nhưng cũng có thể phản ánh những lo ngại về khả năng thanh toán của chính phủ quốc gia đó.
4. Chính sách của Trung Quốc
Những nhu cầu sôi động tại Trung Quốc đã giúp cho sự phục hồi của kinh tế toàn cầu năm 2010 nhưng tăng trưởng của Trung Quốc đã bắt đầu chững lại khi áp lực lạm phát gia tăng. Giá tiêu dùng trong tháng 11 đã tăng 5,1% so với năm trước đó, mức tăng cao nhất trong vòng 28 tháng trở lại đây. Vấn đề lớn đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay chính là quyền lực chính trị giờ nằm trong khả năng tạo sự tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, các nhà lãnh đạo cũng không thể tiếp tục chứng kiến mức lạm phát quá lớn, nhận thức được rằng lạm phát ở mức lịch sử như hiện nay sẽ tác động xấu tới các biến động chính trị và xã hội. Do đó, chính phủ Trung Quốc phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn trong việc cân đối giữa những đòi hỏi duy trì lạm phát trong tầm kiểm soát trong khi vẫn giữ tăng trưởng GDP ở mức 8 – 9%. Đo lường những phản ứng chính sách trở nên phức tạp khi chính phủ ngày càng dựa vào hạn mức tin dụng nhiều hơn là lãi suất. Ngoài những tác động ngay lập tức tới nhu cầu toàn câu, xu hướng kinh tế vĩ mô của Trung Quốc có thể tác động lớn hơn tới chuỗi cung ứng trong năm 2011 nếu mức lương nội địa gia tăng nhanh chóng khuyến khích các nhà sản xuất hàng hóa giá rẻ chuyển hướng sang các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia Châu Á.
5. Hàng hóa cơ bản
Hai câu hỏi lớn đặt ra cho thị trường hàng hóa cơ bản trong năm 2011 sẽ là liệu sự chững lại của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ làm giảm nhu cầu thế giới về nguyên liệu thô và năng lượng? Và liệu đồng USD có tiếp tục xu hướng phục hồi gần đây? Giá của các nguyên liệu thô đã tăng hơn 40% trong năm 2010, phần lớn xuất phát từ nhu cầu của thị trường Trung Quốc.
Nếu nền kinh tế Trung Quốc chậm lại nhiều hơn dự kiến, như một kết quả của các chính sách hạ nhiệt thị trường bất động sản, nó sẽ là một cú shock lớn tới giá năng lượng và kim loại. Hơn thế nữa, khi chu kỳ tích trữ đối với nhiều hàng hóa cơ bản đã được hoàn thành tại các quốc gia OECD, sẽ càng khó khăn hơn để thị trường tìm kiếm lực cầu bù đắp cho sự chững lại trong nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc. Sự biến động của đồng USD cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trên thị trường hàng hóa toàn cầu năm tới. Sự tăng giá của đồng USD thường có xu hướng làm sụt giảm giá hàng hóa cơ bản tính theo USD. EIU cho rằng đồng USD đã bắt đầu phục hồi trở lại so với đồng EUR nhưng giá hàng hóa cơ bản tính theo USD nói chung sẽ vẫn tăng trong năm 2011.
Giá thực phẩm, đặc biệt là các hàng hóa chủ lực như ngũ cốc hay đường sẽ tăng mạnh trong năm 2011. Điều này sẽ có tác động lạm phát trên toàn thế giới và sẽ tạo căng thẳng cho các chính phủ thực hiện trợ cấp giá lương thực cơ bản. Nếu đồng USD tăng mạnh hơn dự kiến, giá hàng hóa cơ bản có thể sụt giảm. Tuy nhiên, sự thiếu hụt từ phía cung của hàng hóa cơ bản, đáng chú ý là đồng, chắc chắn sẽ xảy ra.
6. Tình hình thất nghiệp của Hoa Kỳ
Liệu cuối cùng các công ty Mỹ có đủ niềm tin để bắt đầu thuê nhân công trong năm 2011 và theo đó tạo đầu ra cho tỷ lệ thất nghiệp cao của nước Mỹ? Sự miễn cưỡng của các công ty trong việc thuê mướn nhân công, bất chấp những dòng tiền mặt lớn, đã trở thành một trong những nghịch lý của sự phục hồi kinh tế Mỹ trong năm 2010. Một phần xuất phát từ hoạt động cắt giảm chi phí của các công ty nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính và một phần bởi những kích thích tài chính và hoạt động tích trữ đã thúc đẩy nhu cầu vào cuối năm 2009, nửa đầu năm 2010, lợi nhuận của các hãng kinh doanh tại Mỹ đã tăng đột biến. Các hãng kinh doanh có đủ tiền để lại đầu tư và thuê mướn nhân công, nhưng tâm lý thận trọng đã ngăn lại hoạt động này. Liệu các công ty có cảm thấy đủ tự tin để gia tăng số lượng nhân viên sẽ mang ý nghĩa quan trọng đối với sự phục hồi của kinh tế Mỹ trong năm 2011.
Đáng buồn thay, những dự báo của EIU vẫn cho rằng tỷ lệ thất nghiệp của nước Mỹ sẽ duy trì ở mức trên 9% trong năm tới. Thông thường, các quốc gia phải có khả năng tạo ra nhiều việc làm hơn những gì thực tế đang diễn ra hiện nay trong giai đoạn phục hồi. Nhưng sự nghiêm trọng của lần khủng hoảng này cho thấy những mô hình kiểu mẫu có thể không còn luôn luôn đúng.