Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Những tín hiệu lạc quan ngành vật liệu xây dựng

Trải qua một năm 2022 đầy biến động, ảnh hưởng nặng nề với các DN, từ sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) tới đầu ra là những dự án. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn tin rằng, ngành VLXD sẽ có những triển vọng tốt hơn trong năm 2023.

Dần phục hồi

Thời điểm năm 2022 được coi là năm của những "cơn áp thấp" như khủng hoảng tiền tệ, cuộc xung đột Nga - Ukraine, lệnh phong tỏa "Zero-Covid" của Trung Quốc… đã gây thiệt hại nặng lên nền kinh tế toàn cầu. Nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng do giá các mặt hàng từ xăng, dầu cho tới quặng sắt, than mỡ luyện cốc...

Với những DN trong ngành thép và xi măng, ảnh hưởng từ thế giới đã tác động không nhỏ tới tình hình sản xuất, kinh doanh, khiến cho hàng loạt nhà máy phải liên tiếp lên kế hoạch giãn hoặc ngừng sản xuất trong nửa cuối năm. Giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất xi măng như xăng, dầu, than… tăng cao. Đặc biệt, giá than nhập khẩu tăng mạnh, nguồn cung khan hiếm. Thị trường bất động sản trong nước trầm lắng do tín dụng của ngành này bị siết chặt, càng góp phần khiến tình hình tiêu thụ tại thị trường nội địa giảm mạnh.

Ngành VLXD sẽ có những triển vọng tốt trong năm 2023. Ảnh: Việt Linh

Ngành VLXD sẽ có những triển vọng tốt trong năm 2023. Ảnh: Việt Linh

Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công chậm đã ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước. Nhiều DN sản xuất VLXD đã phải tạm dừng sản xuất, đóng lò cao. Nhiều dự án đang triển khai hoặc dự định phải dừng, hoãn thi công, làm giảm nguồn thu ngân sách và tác động dây chuyền đến nhiều ngành nghề.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong khi nền kinh tế Việt Nam ghi nhận những điểm sáng với GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước do được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022, thì đối với ngành thép, đây là một năm đầy thách thức. Đó là thị trường tiêu thụ nội địa giảm sút, giá cả nguyên liệu sản xuất thép diễn biến phức tạp, nhiều DN thép rơi vào tình trạng khó khăn, thua lỗ.

Trong tình hình khó khăn chung đó, Chính phủ, Quốc hội cũng như bản thân DN đã liên tục cập nhật, bám sát, phân tích tình hình thị trường trong và ngoài nước. Từ đó, đưa ra những chỉ đạo quyết liệt để kiểm soát giá VLXD, không để tăng giá đột biến nhằm điều hướng, đảm bảo cân đối cung cầu và từ đó nhiều tín hiệu tích cực đã xuất hiện.

Tính riêng ngành thép, trong tháng 12/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,135 triệu tấn, bán hàng thép các loại đạt 2,159 triệu tấn, lần lượt tăng 16,95% và 11,17% so với tháng 11/2022. Với các DN, năm 2022, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNsteel) có tổng sản lượng sản xuất phôi thép ước đạt hơn 1,7 triệu tấn; thép thành phẩm ước đạt 3,3 triệu tấn; tổng sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm ước đạt gần 3,4 triệu tấn. Với Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận quý IV/2022 đạt doanh thu 26.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế âm gần 2.000 tỷ đồng, tiếp tục giảm so với quý III/2022. Lũy kế cả năm 2022, Hòa Phát đạt doanh thu 142.000 tỷ đồng, giảm 5% so 2021. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt hơn 8.400 tỷ đồng, chỉ bằng 24% so với năm 2021.

Tuy doanh thu giảm sút so với năm 2021, đại diện Tập đoàn Hòa Phát nhận định, ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục. Hòa Phát đã và đang theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách linh hoạt, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Sẽ khởi sắc trong năm 2023

Chuyên gia VLXD, thạc sĩ Phạm Ngọc Trung nhận định, có 3 lý do đưa ngành xây dựng tăng trưởng trở lại trong năm 2023 và giải quyết nhiều vấn đề đang vướng mắc, tồn đọng, đưa nền kinh tế "cất cánh" trở lại.

Việc phục hồi ngành xây dựng không thể diễn ra dễ dàng, nhanh chóng ngay trong quý I/2023, vì vẫn chịu ảnh hưởng từ những khó khăn chung (nợ đọng, tồn kho...), các chính sách chưa phát huy ngay tác dụng cho đến quý II năm nay.

Chuyên gia VLXD, thạc sĩ Phạm Ngọc Trung

 

Một là, tác động từ Trung Quốc khi mở cửa nền kinh tế trở lại và tung ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản của nước này. Với việc sản lượng thép tồn kho đã giảm là cơ hội cho các DN thép Việt khi đây là một kênh nhập khẩu lớn nhất.

Hai là, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục được đổ về từ sự ổn định về chính trị, môi trường kinh doanh và sức phát triển tại thị trường nội địa rất lớn khi trong năm 2022, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài FDI đã giải ngân được khoảng gần 22,4 tỷ USD; tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ba là, từ những điều kiện trên, sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản, những dự án như nhà ở bình dân, nhà ở xã hội đang triển khai dở dang, vướng mắc ở giai đoạn trước có khả năng sẽ được khơi thông, giúp thúc đẩy tăng trưởng "hệ sinh thái" đi cùng như xây dựng, VLXD.

Đại diện Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, nhu cầu tại thị trường vật liệu xây dựng trong ngắn hạn vẫn có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lãi suất cao hơn và suy thoái kinh tế nói chung. Vì vậy, các DN tập trung vào mảng tôn mạ và ống thép có khả năng vẫn gặp khó khăn.

Giá thép tại Việt Nam có thể sẽ ổn định khi giá thép trung bình tại Trung Quốc tháng 11 đã phục hồi khoảng 10% so với mức đáy vào cuối tháng 10. Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn lo ngại cho rằng, giá thép khó có thể tiếp tục phục hồi đáng kể vì nhu cầu toàn thế giới còn yếu. Ngoài ra, nhu cầu thấp và mức dư cung lớn ở thị trường trong nước có thể gây áp lực lên giá bán của các nhà sản xuất Việt Nam.

Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị

ĐỌC THÊM