Cuộc khủng hoảng ở châu Âu đang kết thúc, nhưng sự tăng trưởng còn lâu mới xuất hiện.
“Nếu như tôi buộc phải lựa chọn chỉ một sự kiện quan trọng trong năm 2012 thôi, thì tôi chọn sự ổn định tài chính mà chúng ta thấy ở châu Âu, và sự đóng góp to lớn của ông Draghi - Omer Esiner, nhà phân tích chính của Công ty Commonwealth Foreign Exchange Inc. đã bày tỏ ý kiến như vậy – chính Ngân hàng Trung ương châu Âu đã bảo vệ quan điểm hỗ trợ các khoản nợ công, cũng là duy trì đồng euro”. Trái phiếu Hy Lạp bấp bênh bên bờ phá sản trở nên khoản đầu tư “tốt hơn” trong tháng 12 và cả năm 2012 trong số 26 thị trường nợ có chủ quyền khác. Các trái phiếu này tăng giá 30,5% trong tháng 12 và tăng 97,4% kể từ đầu năm 2012. Cổ phiếu của Bồ Đào Nha, theo thứ tự, tăng 3,4% và 57,1%, còn của Italia tăng 0,5%/tháng và 20,8%/năm.
Bài học rút ra từ những thực tế này có ích cho chúng ta trong năm 2013. “Chúng ta cần phải nhớ một câu nói cũ: Đừng cố gắng đi ngược lại FED” - Andrew Slimmon, Giám đốc điều hành chi nhánh Chicago về các giải pháp đầu tư toàn cầu của Morgan Stanley Smith Barney, nói. Đó chính là điều đã xảy ra ở châu Âu. Quá trình chỉnh sửa chỉ mới bắt đầu, và sự tiến bộ chúng ta đạt được từ điểm thấp, sẽ còn phát triển hơn nữa”.
Chiếc gậy quyền lực ở Trung Quốc đã được sang tay sau một thời kỳ khó khăn.
Trong bài phát biểu chúc mừng năm mới đối với nhân dân trước khi rời khỏi vị trí Chủ tịch nước vào tháng 3 tới, ông Hồ Cẩm Đào đã tỏ ý tin tưởng vào các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong việc củng cố nền kinh tế nước này sau 7 quý tăng trưởng chậm lại. Ông Hồ Cẩm Đào dự đoán, kinh tế Trung Quốc năm 2013 sẽ tăng trưởng cân đối và ổn định, và việc thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế sẽ là chủ đề chính của năm nay. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang lưu tâm đến sự bất bình của dân chúng, các vụ bê bối tham nhũng đang nóng lên và khoảng cách ngày càng tăng trong thu nhập của người dân. Hồi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ làm nhẹ quá trình chuyển giao quyền lực cho Tập Cận Bình, người vừa được bầu làm Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc hồi tháng 11 năm ngoái và là người sẽ được bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch sắp tới. Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - Zhou Xiaochuan tuyên bố: “Chúng tôi sẽ duy trì giá cả ổn định và tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế lành mạnh và ổn định… Chúng tôi cũng sẽ tiến hành cải cách tài chính sâu rộng và mở các thị trường tài chính”. Điều đó có thể có nghĩa là, đường lối của chính sách tài chính vẫn như cũ, sau khi có chính phủ mới, và sẽ không quá hưng phấn, nhưng vẫn thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế và tự do hóa thị trường.
Các số liệu sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc cho thấy lĩnh vực này tăng trưởng vào tháng thứ 3 liên tiếp, nhờ đó tăng thêm niềm tin rằng, kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển cả trong năm sau.
Theo Alan Jin, nhà phân tích thị trường bất động sản ở chi nhánh Hongkong của Mizuho Securities Asia Ltd., lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục hồi phục hoặc thậm chí còn tăng tốc trong năm 2013 với mức 10% tăng giá và lượng bán. Công nghiệp hóa và đầu tư rộng lớn vẫn tiếp tục trong quá trình đô thị hóa. Ta có thể hình dung quy mô quá trình và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế khổng lồ này bằng một thực tế đơn giản: hiện nay ở Trung Quốc xây dựng 10 thành phố một năm, và Bắc Kinh tuyên bố dự định xây dựng 20 thành phố mỗi năm trong vòng 20 năm tới.
Đầu cơ trên thị trường chứng khoán Mỹ và nguy cơ tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Cuộc đua mạnh mẽ đầu năm mới đang ẩn chứa mối nguy thực tế là kinh tế sẽ chậm lại ở Mỹ.
Michael Feroli, nhà kinh tế chính của JPMorgan Chase ở New York, nói rằng, “Đòn nặng nhất giáng vào nền kinh tế Mỹ do hiệp ước tài chính, có thể, sẽ xảy ra sau khi hết hạn ưu đãi về thuế tiền lương. Ưu đãi này được nghĩ ra như một biện pháp tạm thời nhằm thúc đẩy nền kinh tế, và sau đó được gia hạn sang năm 2012. Ông Michael Feroli cho rằng, việc bãi bỏ ưu đãi sẽ kéo nền kinh tế chậm lại ít nhất là 0,5% do rút mất 125 tỷ USD ra khỏi hầu bao của người tiêu dùng.
Theo Mark Zandi, chuyên gia phân tích chính của Moody’s Analytics tại West Chester, Pennsylvania, ‘nếu như vẫn được tiến hành, thì việc Chính phủ Mỹ giảm chi tiêu ngân sách liên bang sẽ làm giảm hơn 0,5% tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ”. Các công ty quốc phòng như Northrop Grumman Corp. và Lockheed Martin Corp. sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Mark Zandi nói thêm rằng, việc tăng thuế đối với người giàu sẽ không đem lại hiệu quả lớn, vì tầng lớp thu nhập cao có chiều hướng tiết kiệm phần lớn thu nhập. Một số nhà kinh tế đã tự kiềm chế trước dự đoán lạc quan hơn. Ryan Sweet, cũng là một nhà kinh tế khác của Moody’s Analytics, cho rằng, bi kịch tài khóa diễn ra trong bối cảnh kinh tế được cải thiện. Áp lực tài khóa sẽ lấy đi một phần động lực tăng trưởng, nhưng cho đến khi rõ ràng, vẫn có thể chờ đợi sự tăng trưởng tăng tốc.
Ý kiến trên chứng tỏ thế giới càng thể hiện mong muốn, thực tế càng khắc nghiệt hơn. Tăng trưởng GDP trong quý I/2013 giảm 1% là mức giảm lớn đáng kể khiến người ta phải giảm đáng kể dự đoán về thu nhập của nhiều doanh nghiệp, và, vì thế, kéo thị trường chứng khoán đi xuống. Cuộc thảo luận của quốc hội Mỹ vào tháng 3 sắp tới về những biện pháp mới tiết kiệm ngân sách sẽ làm dấy lên làn sóng mất long tin và như thế, sự điều chỉnh trên thị trường hoàn toàn có thể kéo dài đến mùa hè.
Mối lo ngại về “vách đá tài chính” đã thể hiện trong chi tiêu của người Mỹ. Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Trường đại học Michigan đạt mức thấp nhất kể từ tháng 7/2012 – 72,9, cho dù vừa mới tháng 11/2012 đạt 82,7 điểm.
Sự cô độc giảm phát của Nhật Bản trên ngưỡng cửa thay đổi.
Thoạt nhìn, tại Nhật đang diễn ra tình trạng nghịch lí. Những thông tin xấu về kinh tế đi kèm sự tăng trưởng bùng nổ của thị trường chứng khoán. Chỉ số hoạt động sản xuất PMI Markit/JMMA trong tháng 12/2012 đã giảm xuống 45 điểm, mức thấp nhất trong vòng 3 năm trước đó, nhưng trái lại, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 cùng tháng này lại tăng 12%.
Sản xuất công nghiệp tỏ ra yếu hơn nhiều so với dự đoán của các nhà kinh tế, từ tháng 10/2010 giảm còn 1,7% và chứng tỏ rằng, nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục bị tổn thất do nhu cầu nội địa không ổn định và do sự căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc – thị trường tiêu thụ quan trọng nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản.
Vì sao các nhà đầu tư lại tỏ ra phấn khởi trước những tin xấu như vậy? Các cuộc thảo luận đều thống nhất ở chỗ, rằng sự sụt giảm sản xuất làm tăng cơ hội thực hiện các kế hoạch của Thủ thướng Abe về kích thích kinh tế. Thủ tướng Nhật Bản đang chuẩn bị một chương trình rộng lớn và hung mạnh khởi động lại nền kinh tế nước này.
Trước hết, Thủ tướng Abe sẽ bơm tiền trên quy mô lớn. Chẳng hạn, ông dự định trước 31/3/2013 sẽ chi 10 ngàn tỷ yên (116 tỷ USD) ngân sách bổ sung cho các dự án hạ tầng mới và ưu đãi thuế.
Thứ hai, ông Abe dự định thả tỷ giá đồng yên xuống thấp để hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu. Mới chỉ có tuyên bố về các kế hoạch này đã mang lại hiệu quả. Sau khi thủ tướng tuyên bố vào ngày 26/12/2012, rằng ông sẽ bảo đảm “nới lỏng tiền tệ một cách can đảm”, thì đồng yên đã giảm xuống mức 85 yên/1USD và đạt mức này lần đầu tiên kể từ năm 2010. Thời điểm để chính phủ can thiệp đã đến, vì, cùng với nỗi đau của các nhà xuất khẩu, thâm hụt thương mại của Nhật Bản đang phình ra với con số 6,28 ngàn tỷ yên (73 tỷ USD) trong 11 tháng đầu năm 2012, vượt hơn 2 lần so với mức thâm hụt kỷ lục hồi 1980.
Thứ ba, chỉ mới vừa nhậm chức, ông Abe đã yêu cầu Ngân hàng Nhật Bản mở kho bạc. Để bắt đầu, ông Abe yêu cầu Ngân hàng Nhật Bản tăng gấp đôi chỉ tiêu lạm phát so với mức 1% hiện tại. Ngoài ra, chắc chắn ngân hàng này sẽ tiếp tục chương trình mua cổ phiếu và phát hành tín dụng.
Số liệu kém về sản xuất là cơ sở để tân Thủ tướng áp dụng các biện pháp mới về chi tiêu và nới lỏng tiền tệ nhằm kéo nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này ra khỏi tình trạng giảm phát hàng chục năm và nạn suy thoái hiện nay. Khác với những thời kỳ trước, là khi Nhật Bản thảnh thơi trên vòng nguyệt quế của sự thịnh vượng và chiếm ưu thế ở nước này lúc đó là sự giáo điều của chủ nghĩa bảo thủ về tài chính, ngày nay tình hình đã thay đổi. Trước hết, cử tri Nhật Bản và các thị trường tài chính hoan nghênh lập trường mạnh mẽ của Chính phủ Abe. Chỉ số chứng khoán đã lên đến mức chỉ có được trước nạn sóng thần hồi tháng 3/2011. Thứ nữa, sự cạnh tranh với Trung Quốc giành vị trí đứng đầu về kinh tế trong khu vực thúc đẩy phải tìm những hướng phát triển mới và buộc phải đối mặt với rủi ro bất thường. Và, cuối cùng, vấn đề nợ công ngày càng trở nên cấp thiết hơn. Chính phủ Nhật Bản đang chi phí nhiều tiền gấp đôi so với thu nhập. Các khoản chi trực tiếp cho dịch vụ nợ chiếm đến một nửa toàn bộ các khoản thu về thuế. Chính phủ Nhật Bản cần sự tăng trưởng kinh tế như cần không khí. Một trong những giải pháp là tạo điều kiện lãi suất thực tế âm khi lợi nhuận trái phiếu chính phủ thấp hơn tốc độ lạm phát. Lãi suất âm sẽ hoạt động như một loại “thuế” tiết kiệm. Một mặt, loại “thuế” này sẽ làm giảm áp lực của nợ trong tương lai lên ngân sách. Mặt khác, sẽ khuyến khích những người tiết kiệm tiến đến những loại hình đầu tư rủi ro hơn – cổ phiếu và trái phiếu, mà điều đó sẽ đưa đến gia tăng hoạt động kinh tế và đầu tư.
Chính sách mới và thị trường chứng khoán tăng trưởng sẽ khiến hệ thống tài chính trở nên dễ bị tổn thương hơn trước việ giá trái phiếu chính phủ của Nhật Bản giảm. Bơm thêm tiền mặt là một trong những phương thức giảm áp lực. Bởi vậy, rất rõ một điều là, thống đốc mới của Ngân hàng Nhật Bản (sẽ nhậm chức vào tháng 4/2013) sẽ theo đuổi chính sách giảm giá đồng yên bằng cách mua trái phiếu nước ngoài. Yếu tố này tiếp tục thúc đẩy thị trường chứng khoán và các chỉ số kinh tế. Vấn đề còn lại chỉ có một: liệu sự bùng nổ ngắn hạn có trở thành dài hạn được không. Cho đến nay, vẫn chưa có tuyên bố gì về các chương trình thay đổi cơ cấu.
Cuộc chiến giành vị trí đứng đầu về kinh tế ở Đông Nam châu Á. Đồng yên, NDT và các đồng tiền châu Á.
Năm 2010, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. ¼ xuất khẩu của Hàn Quốc và 27% tổng xuất khẩu của Đài Loan, theo thống kê hải quan của những nước này, là xuất sang Trung Quốc. Nhật Bản còn ở xa phía sau, chiếm chưa đến 10% xuất khẩu của những nước này.
Phân tích tương quan cho thấy, trong năm trước, các đồng tiền châu Á biến động đồng bộ với NDT hơn là với đồng yên. Hệ số tương quan giữa NTD (đôla Đài Loan) và NDT trong năm trước đạt 0,36 so với chỉ 0,13 với đồng yên. Con số hệ số cao hơn có nghĩa là mối quan hệ của đồng tiền này với đồng tiền khác gần gũi hơn.
Ngân hàng trung ương của các nước châu Á không dừng lại trên con đường làm tăng trị giá đồng bản tệ so với đồng yên. Đồng NDT đối với họ, trở thành đơn vị có ảnh hưởng hơn, và vai trò của Nhật Bản giảm đi.
Ngoài ra, cáu trúc tổ chức - sản xuất của các doanh nghiệp ở các nước đó giống Trung Quốc hơn là giống Nhật Bản, vì thế tạo thuận lợi cho việc thiết lập các mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Cho nên, chính sách ở châu Á hiện nay quan tâm nhiều hơn tới sức mạnh của đồng bản tệ so với NDT của Trung Quốc.
Đồng won của Hàn Quốc trong năm 2012 đã tăng giá 21% so với đồng yên, còn đồng NTD tăng giá 16% so với đồng yên. Việc các đồng tiền châu Á tăng giá so với đồng yên báo hiệu về sự thống trị của Trung Quốc về kinh tế trong khu vực, trong khi ảnh hưởng của Nhật Bản đang bị xói mòn.
Kim loại quý và hàng nguyên liệu hoàn thành “siêu chu kỳ”.
Đầu thế kỷ trước, nhà kinh tế Nga, ông Condratiev, đã mô tả chu kỳ tăng, giảm dài hạn giá nguyên liệu và kim loại quý. Động lực chính của giai đoạn tăng là đầu tư không đầy đủ và thiếu kinh niên công suất sản xuất. Tại phương Tây, lý thuyết “siêu chu kỳ” này rất nổi tiếng, và nhiều nhà phân tích, dưới hình thức này hay hình thức khác, đều sử dụng nó để dự đoán các xu hướng dài hạn. Ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy, làn sóng tăng giá hàng nguyên liệu đang đi tới hồi kết.
Năm 2012, giá vàng tại London tăng 7,1%, đó cũng là năm tăng thứ 12 liên tiếp của giá vàng. Đây là giai đoạn vàng tăng giá dài nhất kể từ năm 1920 cho đến nay. Chỉ số mở rộng của các mặt hàng nguyên liệu S&P GSCI tăng hơn gấp đôi kể từ cuối năm 1998. Trong báo cáo của mình hồi tháng 11 năm ngoái, các nhà phân tích thuộc Citigroup Inc. cho rằng, “siêu chu kỳ” hàng nguyên liệu đã kết thúc, trong khi các đồng nghiệp của họ ở Goldman Sachs Group và Morgan Stanley dự đoán giá sẽ cao hơn vào năm tới. Điều này không có gì mâu thuẫn, vì có thể thấy rằng, một năm chỉ là một đoạn ngắn trong làn sóng lớn của Condratiev. Khả năng giá vàng tăng độ biến trong ngắn hạn vẫn có thể xảy ra, nếu lạm phát thể hiện mình.
Việc giảm chi tiêu của chính phủ và cho đến nay mức thất nghiệp vẫn cao không tạo điều kiện lạm phát. Nếu như không xảy ra cơn sốc kinh tế vĩ mô không lường trước, thì tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đến cuối năm 2013 sẽ giảm xuống 7,1%. Sau đó, có thể giảm còn 6,4% năm 2014 và chỉ còn 5,7% năm 2015.
Mối đe dọa lạm phát xuất phát từ hướng khác: từ nạn đầu cơ trái phiếu và cổ phiếu đang gia tăng. Năm 2012, Mỹ đã bán một lượng trái phiếu công ty mới phát hành trị giá 1,4 ngàn tỷ USD. Theo dự đoán của Barclays, tổng số nợ bán ra trong năm nay sẽ đạt 1 ngàn tỷ USD, trong đó 300 tỷ USD nợ không được xếp hạng đầu tư. Sự bùng nổ phát hành mới trái phiếu tạo nên một kênh chảy lượng lớn tiền từ lĩnh vực lưu thông tài chính sang thực tế, vì thế tạo tiềm năng lạm phát.
Giá dầu mỏ cũng đang vượt qua đỉnh “siêu sóng”.
Các nhà kinh tế đầu tiên đã nghiên cứu những vấn đề cạn kiệt tài nguyên và những dự đoán hết tiềm năng phồn thịnh. Đã từ lâu người ta cho rằng, kinh tế thế giới và dân số càng phát triển, thì càng sử dụng nhiều dầu mỏ. Lập luận này nghiêng về phía là cuối cùng, thế giới sẽ thiếu dầu, nhất là khi các tiêu chuẩn về mức sống của dân chúng tăng lên.
Những dự đoán dũng cảm của thập kỷ 2000 đối với mức tăng trưởng theo cấp số nhân về tiêu thụ dầu mỏ do tiêu chuẩn sống tốt lên ở các nước đang phát triển, đến nay tỏ ra là đã sai lầm. Việc phát hiện ra các mỏ mới, hoàn thiện công nghệ khai thác đã làm tăng sản xuất. Nhu cầu chậm lại cũng làm cho lượng cung tăng thêm: tiết kiệm năng lượng phát triển với tốc độ cao, nhiều phương pháp khác nhau được áp dụng nhằm giảm thiểu sử dụng nguồn tài nguyên đắt đỏ.
Sau vài thập niên giảm sút, năm 2009 sản xuất dầu của Mỹ đã bắt đầu tăng lên. Tháng 12 năm ngoái Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán, sản lượng khai thác dầu ở Mỹ sẽ tiếp tục tăng ít nhất là đến năm 2020. Đến lúc đó, có thể đạt mức cao như năm 1970. Đồng thời, IEA dự đoán, đến năm 2035, tiêu thụ dầu ở Mỹ (đã từng đạt đỉnh cao vào năm 2005) có thể giảm xuống đến mức thấp chưa từng thấy kể từ trước những năm 1960, tùy thuộc vào việc tiết kiệm năng lượng được khuyến khích đến mức nào. Tác nhân tốt nhất – là duy trì mức giá vẫn còn cao hiện nay. Trong nửa đầu năm 2013, giá dầu sẽ bị kẹt giữa 2 lực lượng đối lập: giảm tiêu thụ ở Mỹ và tăng nhu cầu tại Trung Quốc và Nhật Bản.
Nhu cầu dầu của nền kinh tế Trung Quốc tùy thuộc vào tốc độ tăng trưởng GDP. Nếu GDP ở nước này giảm 1% khiến tiêu thụ dầu tại đây giảm 1 triệu thùng/ngày, thì tăng trưởng GDP sẽ sản sinh ra mức hồi phục nhu cầu tương tự. Tháng 9/2012, tiêu thụ dầu ở Trung Quốc đã tăng 9,1% (tính theo năm), lên 9,8 triệu thùng/ngày. Bởi vậy, yếu tố Trung Quốc sẽ bù đắp cho mức giảm có thể về nhu cầu dầu ở Mỹ trong năm 2013.
Tình hình miêu tả trên sẽ đưa đến những hậu quả gì cho các nhà đầu tư?
Kịch bản chắc chắn nhất của năm sau liên quan đến giảm tăng trưởng ở Mỹ, mà một lúc nào đó có thể làm giảm 15-25% trên thị trường cổ phiếu. Sức mạnh của sự giảm sút đó sẽ làm giảm các chỉ số kinh tế và các thị trường cổ phiếu ở những nước khác. Trong trường hợp đó, trái phiếu tiếp tục giành chiến thắng.
Có thể giả định rằng, để khắc phục, chính phủ các nước sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ đến mức tối đa có thể. Nếu như nhìn xa về phía trước, thì việc mở rộng tiền tệ khắp nơi sẽ phát huy hiệu lực, và nếu như năm nay, giống như năm 2012, cũng không kịp kết thúc tốt đẹp, thì năm sau, 2014, hứa hẹn sẽ tốt hơn nhiều.
Theo mức độ điều chỉnh giảm, trái phiếu sẽ trở nên rủi ro hơn, và cổ phiếu vẫn cứ hấp dẫn hơn. Cổ phiếu công ty của khu vực châu Á được đặc biệt quan tâm, nguy cơ lỗi thời gian trong đó bằng 0 bởi các xu hướng kinh tế thuận lợi.
Củng cố thị trường trong nước của Trung Quốc hỗ trợ cho những doanh nghiệp châu Âu và Mỹ nắm giữ các thương hiệu quốc tế đã được thừa nhận (bao gồm hàng hóa cao cấp (Lux), đồng hồ, xe hơi). Ngoải sự tăng tốc của nền kinh tế Trung Quốc, thì tốc độ tăng trưởng tạm thời của nền kinh tế Nhật Bản cũng mở ra những triển vọng cho thị trường nguyên liệu, mà điều này rất quan trọng đối với Australia, New Zealand, Indonesia và Nga. Các nhà xuất khẩu Nhật Bản cũng như các ngân hàng lớn có thể thắng lợi trong năm nay. Việc nới rộng chính sách tiền tệ tiếp diễn ở nhiều nước cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng đầu tư toàn cầu như Goldman Sachs, Morgan Stanley, Credit Suisse và UBS.
Mối nguy nằm ở kịch bản mâu thuẫn, mà thoạt nhìn có vẻ lạc quan hơn. Nếu như tình trạng đầu cơ trên thị trường cổ phiếu tăng tốc và kéo dài trong nửa đầu năm nay, thì các chỉ số lạm phát sẽ biểu hiện nghiêm trọng vào mùa hè - thu này. Cùng với nó, sẽ nảy sinh nguy cơ sụt giảm mạnh của trái phiếu Chính phủ Mỹ, và theo sau sự can thiệp chắc chắn có của FED vào thị trường nợ, là nguy cơ đồng đôla Mỹ yếu đi. Phần lớn dự trữ tiền tệ hiện nay đang đứng ngoài, nhưng nếu chúng được đưa vào thị trường tài chính do đầu cơ sẽ gây nên một làn sóng dâng cao.
Nguồn tin: VEN