Bức tranh kinh tế vĩ mô bước vào tháng cuối của quí 3 với nhiều điểm sáng: tăng trưởng GDP có thể đạt 7,18%, nhập siêu có xu hướng giảm, tín dụng đã tăng dù tốc độ còn chậm, CPI ở mức thấp…, duy nhất có một điểm mờ: dự trữ ngoại hối giảm.
Phát biểu tại hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam tháng 6-2010, Thủ tướng Chính phủ cho biết dự trữ ngoại hối ở mức khoảng 9 tuần nhập khẩu, trong khi mức an toàn là 12 tuần nhập khẩu.
Kim ngạch nhập khẩu tám tháng đầu năm theo Bộ Công Thương là 52,67 tỉ đô la Mỹ, chia cho 34 tuần, thì mức nhập khẩu mỗi tuần chừng 1,55 tỉ đô la Mỹ.
Nếu tính theo cách đơn giản này, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện khoảng 13,95 tỉ đô la Mỹ, thấp hơn nhiều so với con số 23 tỉ đô la Mỹ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố năm 2008, thấp hơn cả mức 15-16 tỉ đô la Mỹ mà một số định chế tài chính quốc tế ước đoán. Phải làm thế nào để tăng dự trữ ngoại hối trở lại?
Thiếu cả thả nổi lẫn điều tiết
Từ nhiều năm nay, xương sống trong chính sách điều hành tỷ giá của NHNN là thả nổi có điều tiết. Hai tham số quan trọng nhất thể hiện tính linh hoạt của yếu tố thả nổi và điều tiết căn cứ vào cung cầu thị trường là biên độ và tỷ giá liên ngân hàng do NHNN công bố hàng ngày.
Một sự theo dõi sát sao cho thấy từ lần điều chỉnh tỷ giá ngày 11-2-2010 đến ngày điều chỉnh tỷ giá gần đây nhất ngày 17-8-2010, tức hơn sáu tháng, cả hai tham số trên đều gần như không thay đổi. Biên độ 3% được cố định, còn tỷ giá do NHNN công bố hàng ngày không biến động.
Cùng với hai sự cố định chắc chắn đó, ngày 4-8-2010, Thống đốc NHNN tuyên bố “chắc như đinh đóng cột” tỷ giá vẫn ổn định. Với những dấu hiệu cơ bản như thế, thử hỏi có doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nào dự đoán được đô la Mỹ sẽ tăng giá thêm 2,09% so với tiền đồng chỉ hai tuần sau đó?
Rõ ràng nửa năm qua, sự linh hoạt của tỷ giá ngày càng giảm sút và đang tiệm cận con số không. Bây giờ sự linh hoạt trong điều hành tỷ giá cần phải được khôi phục trước sự xuất hiện của những nhân tố mới. Chính sách tài khóa của các quốc gia thắt chặt, ảnh hưởng đến sức cầu hàng hóa trên thị trường thế giới và khiến giá nguyên vật liệu không tăng. Đối với một quốc gia nhập siêu mà chủ yếu là nguyên vật liệu như Việt Nam, lạm phát thời gian vừa rồi đã không bị tác động của giá hàng hóa thế giới. Trong bối cảnh đó, điều chỉnh tỷ giá chưa tạo ra áp lực lạm phát và xét về thời điểm, nó diễn ra không quá sớm cũng không quá muộn.
Vấn đề chỉ là ở chỗ sự điều chỉnh trên nền dự trữ ngoại hối thấp, khi kho thóc giống của người nông dân đang cạn kiệt, độ rủi ro tăng lên. Giả sử sắp tới, lãi suất đồng đô la Mỹ trên thị trường quốc tế tăng lên (thực tế lãi suất đô la tăng chỉ còn là chuyện thời gian), ảnh hưởng đến luồng tiền vào ra, chúng ta lấy lượng dự trữ ở đâu để tự vệ? Không lẽ sẽ vét kho đến hạt thóc giống cuối cùng?
Vì sao dự trữ ngoại hối giảm?
Sự cân đối của thị trường ngoại hối phụ thuộc vào cung cầu, hay nói cách khác một bên là nguồn vốn ngoại tệ và bên kia là sử dụng ngoại tệ. Ở bên nguồn vốn, thành phần cơ bản nhất là tiền gửi của dân cư và doanh nghiệp. Từ cuối năm 2009 đến nay, số ngoại tệ gửi trên tài khoản của dân và doanh nghiệp, theo nhiều tính toán, ước 20 tỉ đô la Mỹ. Ngoài ra, trong nguồn ngoại tệ còn có vay nước ngoài. Ở bên sử dụng vốn, thành phần nặng ký nhất là cho vay ngoại tệ, thông thường nó xấp xỉ tiền gửi của dân và doanh nghiệp. Hai thành phần khác nhẹ ký hơn là tiền gửi nước ngoài và tồn quỹ của NHNN.
Từ tháng 2 năm nay, khi NHNN cho phép các nhà xuất khẩu được vay ngoại tệ, thực hiện chính sách “tạm ứng tương lai”, thì dư nợ cho vay ngoại tệ tăng vọt. Phần tăng thêm này bao nhiêu, chỉ có NHNN thống kê được. Phần tăng thêm đó được ngân hàng thương mại giải ngân cho người vay vào tài khoản tiền vay và sau đó bên vay bán cho ngân hàng. Như vậy, ngoại tệ từ tài khoản tiền gửi của dân và doanh nghiệp, được ngân hàng sử dụng cho vay và chảy vào trạng thái ngoại hối của ngân hàng. Ở đây cần nói rõ, trạng thái ngoại hối là lượng ngoại tệ bán ra mua vào của ngân hàng, nó dương khi mua lớn hơn bán và ngược lại.
Theo quy định, hiện trạng thái ngoại hối của một tổ chức tín dụng tối đa bằng 30% tổng vốn huy động. Nối giữa trạng thái ngoại hối và dự trữ quốc gia là một bình thông nhau và chỉ có trạng thái ngoại hối mới tác động đến dự trữ quốc gia. Nếu trạng thái ngoại hối cao, ngân hàng thương mại bán ngoại tệ cho NHNN để NHNN đưa vào dự trữ. Trong trường hợp trạng thái ngoại hối của ngân hàng âm, NHNN bán ngoại tệ cho họ để can thiệp. Trước đây, một số ngân hàng được NHNN bán cho ngoại tệ khi trạng thái ngoại hối âm 5%.
Tác động trực tiếp đến dự trữ ngoại hối là nhập siêu. Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu tám tháng đầu năm 2010 là 44,5 tỉ đô la Mỹ, nhập siêu gần 8,2 tỉ đô la Mỹ. Trong trường hợp tốc độ nhập siêu bốn tháng còn lại của năm bằng với tốc độ tám tháng, thì nhập siêu cả năm khoảng 12 tỉ đô la Mỹ. Con số này không đáng ngại khi dự đoán kiều hối cả năm khoảng 6 tỉ đô la Mỹ (kiều hối sáu tháng đầu năm theo NHNN đã đạt 3,6 tỉ đô la Mỹ), cộng thêm vay nợ nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài, chưa kể vốn vay, ủy thác (carry trade).
Thiếu niềm tin
Luồng ngoại tệ chảy vào trên phần lớn nằm trên tài khoản tiền gửi của dân và doanh nghiệp, tổ chức. Làm sao để những đối tượng sở hữu ngoại tệ đó bán cho ngân hàng, tức là chuyển đô la Mỹ vào trạng thái ngoại hối của ngân hàng để từ đây chảy vào quỹ dự trữ ngoại hối. Như chúng tôi đã nói trong những bài viết trước, chỉ có niềm tin mới tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp bán ngoại tệ. Trước mắt chỉ cần người dân bán 6 tỉ đô la Mỹ kiều hối cho ngân hàng thay vì gửi tiết kiệm, thì dự trữ ngoại hối quốc gia đã có thể tăng lên đáng kể.
Có hai lý do dẫn đến suy giảm dự trữ ngoại hối. Hoặc NHNN bán ra can thiệp nhằm bình ổn tỷ giá hoặc bù đắp nhập siêu. Theo các ngân hàng, từ tháng 2-2010 đến nay, NHNN hầu như không còn bán ra ngoại tệ can thiệp. Vậy bù đắp nhập siêu là nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối và sự thiếu hụt từ bù đắp đó đã không được bổ sung bằng nguồn mua được từ các ngân hàng.
Nhập siêu là rủi ro nếu không có các chính sách khơi thông các nguồn vốn khác từ bên ngoài vào. Tuy nhiên, nhập siêu không phải là vấn đề mới mẻ, nó tồn tại từ nhiều năm nay. Tại sao những năm trước vẫn nhập siêu mà dự trữ ngoại hối vẫn tăng, còn nay thì không? Câu trả lời có thể là niềm tin của thị trường vào chính sách điều hành tỷ giá đang bị tổn thương và chính sách vẫn đang tiếp tục không định hướng cho niềm tin đó được khôi phục.
Tạo lập lại niềm tin vào chính sách tỷ giá bằng cách minh bạch hóa đường đi nước bước của điều hành là việc không thể chậm trễ lúc này. Những nguyên lý cần cân nhắc để kiến tạo chính sách vẫn xưa cũ như mức chênh lệch lạm phát của Việt Nam và thế giới; sự tăng giảm giá của đồng đô la Mỹ trong rổ tiền tệ nói chung; sự can thiệp của NHNN trong vai trò tạo cung tạo cầu. Quan trọng là với kinh tế vĩ mô đang bắt đầu thuận lợi, NHNN sẽ chọn cơ chế điều hành tỷ giá như thế nào.
Nguồn: TBKTSG