Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nợ công đã ở mức 63,7% GDP, tăng gần 2% so với năm trước

 Trình bày tờ trình về dự thảo Luật quản lý nợ công sang nay, ngày 25/5, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đến cuối 2016 tỷ lệ nợ công ở mức 63,7% GDP, tăng gần 2% so với số "chốt" nợ công năm 2015 vừa được Chính phủ công bố.

Nợ công ở mức báo động

Các dữ liệu về tỷ lệ nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của Chính phủ năm 2016 cũng đều tăng so với một năm trước đó. Cụ thể, nợ Chính phủ năm 2016 là 52,6% GDP, tăng 2,6%, nợ nước ngoài Chính phủ 2016 đạt 44,3% GDP tương đương tăng 1,2%...

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, chỉ tính riêng quy mô dư nợ nước ngoài của Chính phủ đến cuối 2015 (trong đó có vay ODA, vay ưu đãi chiếm trên 94%) đã tăng 6,5 lần so với năm 2001. Khoản dư nợ này tập trung chủ yếu vào 3 nhà tài trợ chính là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tăng 20,3 lần, Ngân hàng Thế giới (WB) tăng 11,5 lần, Nhật Bản tăng 6,8 lần...

"Áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhìn nhận và cho rằng, một phần nguyên nhân là do quản lý vốn vay thời gian qua bất cập, phát sinh rủi ro từ các dự án sử dụng vốn vay Chính phủ hay bảo lãnh, dẫn tới Chính phủ phải trả nợ thay...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công 2009 là cần thiết

Đó là ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại báo cáo thẩm tra về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) trình bày trước Quốc hội sáng nay.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải, dự thảo luật quy định nhiều nội dung mới liên quan đến quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và quản lý bảo lãnh Chính phủ song chưa quy định rõ trách nhiệm, chế tài, biện pháp xử lý đối với tổ chức, cá nhân liên quan và trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, sử dụng vốn vay khi xảy ra sai phạm, sử dụng vốn vay không hiệu quả, vay lại song không có khả năng trả nợ,...

Ngoài ra, một nội dung khác trong dự thảo Luật cũng gây tranh cãi đó là quy định nhiệm vụ quyền hạn của một số bộ ngành. Cụ thể, tại Điều 19 Dự thảo luật quy định theo hướng Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; Điều 20 giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, làm đầu mối vận động, ký kết hiệp định khung; Điều 21 giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế,...

ĐB Nguyễn Đức Hải cũng cho biết thêm ngoài ra còn có một số ý kiến tán thành với nội dung Dự thảo luật, trước mắt để đảm bảo ổn định trong tổ chức, hoạt động và không phải điều chỉnh các Luật có liên quan. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ bổ sung quy định nhằm xác lập rõ hơn về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan theo hướng cụ thể, chặt chẽ, hiệu quả; xác định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, quy định rõ quy trình phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quản lý nợ công. Một số ý kiến cho rằng, đây là vấn đề quan trọng liên quan đến tổ chức bộ máy và nhiều nội dung của Luật nên đề nghị xin ý kiến Quốc hội.

Luật Quản lý nợ công năm 2009 đã góp phần quan trọng trong huy động vốn cho bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN); tạo điều kiện cho địa phương huy động vốn vay phát triển kinh tế - xã hội... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được sửa đổi.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công 2009 nhằm phù hợp với các quy định của Hiến pháp 2013, đồng thời đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan; khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 6 năm triển khai thi hành Luật Quản lý nợ công; đồng thời đảm bảo yêu cầu quản lý nợ bền vững, an toàn, hiệu quả phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới. “Vì vậy, việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công để cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội thành chính sách, pháp luật của Nhà nước đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới là hết sức cần thiết”- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Một trong những nội dung sửa đổi quan trọng lần này là phạm vi nợ công. Theo đó, dự thảo bổ sung quy định nợ công không bao gồm nợ tự vay tự trả của DN nhà nước, đơn vị sự nghiệp công và tổ chức kinh tế khác của nhà nước; nợ do Ngân hàng Nhà nước phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ để làm rõ hơn phạm vi tính toán, thống kê nợ công.

Áp dụng quản lý rủi ro

Đáng chú ý, so với Luật hiện hành, dự thảo đưa ra một quy định mới về quản lý rủi ro đối với nợ công. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phân tích: Luật hiện hành không có quy định về quản lý rủi ro đối với nợ công. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật thời gian qua cho thấy cần có chế tài quy định về quản lý và xử lý rủi ro nợ công nói chung và các cấu phần của nợ công nói riêng.

“Theo đó, ngoài việc bổ sung các điều khoản cụ thể về quản lý rủi ro tín dụng cho vay lại (Điều 43), về quản lý rủi ro bảo lãnh Chính phủ (Điều 50) còn có Điều 58 quy định các nội dung cụ thể hướng dẫn quản lý và xử lý rủi ro đối với nợ công, từ việc nhận diện rủi ro, phân loại rủi ro, các biện pháp phòng ngừa, biện pháp xử lý khi xảy ra sự kiện ảnh hưởng đến nợ công”- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng báo cáo Quốc hội.

Đánh giá chung về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết: Ủy ban nhận thấy, về cơ bản, dự thảo Luật đã bám sát và thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về quản lý, sử dụng nợ công. Đồng thời thể hiện tương đối bao quát các vấn đề liên quan đến quản lý nợ công, khắc phục tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn, luật hóa nhiều nội dung được quy định tại các văn bản dưới luật.

“Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu đặt ra, với tính chất là đạo luật điều chỉnh nội dung phức tạp, liên quan trực tiếp đến an ninh tài chính quốc gia, Ủy ban Tài chính ngân sách nhận thấy, một số nội dung cần được tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh”- Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Nguồn tin: GĐVN

ĐỌC THÊM